Xem thêm: Trần ai tìm nơi dạy trẻ tự kỷ - Kỳ 1: 'Tự kỷ' với những ngôi trường tự kỷ
Đây là một nghịch lý trong bối cảnh phụ huynh cả nước hoa mắt tìm nơi học cho con bị tự kỷ: nghịch lý của cầu nhiều, cung hiếm.
Không có quy chuẩn
Bén duyên với giáo dục đặc biệt từ năm 2007, cô Lưu Thị Tho (thạc sĩ khoa học giáo dục, chuyên ngành giáo dục đặc biệt, Trường đại học Sư phạm Hà Nội) đã trải qua 15 năm gắn bó với nghề. Từng mở ba trung tâm can thiệp đặc biệt cho trẻ, đến năm 2020 cô Tho phải dừng lại tất cả các trung tâm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Cô Tho chia sẻ việc mở trường can thiệp đặc biệt cho trẻ không hề dễ dàng. "Về cơ sở vật chất, trung tâm phải có các phòng chức năng khác nhau như phòng can thiệp, phòng điều hòa cảm giác, phòng trị liệu vận động...
Về nguồn lực giáo viên, trong khi số lượng đào tạo đúng chuyên ngành còn hạn chế, những giáo viên có kinh nghiệm chuyên môn thì lựa chọn mở trung tâm hoặc đi dạy trực tiếp. Còn lại, nhiều giáo viên chỉ được đào tạo ngắn hạn, học chứng chỉ.
Bên cạnh đó, về mặt pháp lý, hiện chưa rõ quy trình chuẩn để thành lập trung tâm giáo dục đặc biệt. Hiện để thành lập trung tâm, có thể thông qua Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam hoặc lập đề án thông qua Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội", cô Tho phân tích.
Cô Tho cũng cho rằng trong khi các trường mầm non tư thục và các cấp học khác có cơ quan chuyên môn là Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý và có quy chuẩn chung, thì với trung tâm can thiệp đặc biệt lại không có quy chuẩn chung nào để áp dụng. Điều này cũng gây khó cho các trung tâm can thiệp đặc biệt.
"Đặc biệt, sau COVID-19, nhiều trẻ gặp rối loạn phát triển ngôn ngữ, nhiều trẻ chậm nói trong giai đoạn giãn cách xã hội dẫn đến nhu cầu của phụ huynh tăng cao. Cũng chính vì vậy, sau COVID-19 những trung tâm, lớp dạy can thiệp đặc biệt mọc lên như "nấm mọc sau mưa". Nhiều người trái ngành chỉ đi học chứng chỉ 3 tháng, 6 tháng cũng tự nhận trẻ để dạy", cô Tho bày tỏ quan điểm.
Xem thêm: Trần ai tìm nơi dạy trẻ tự kỷ - Kỳ 2: Hoa mắt tìm trường cho con
Mô hình kết hợp dạy trẻ hòa nhập
Sau khi đóng cửa trung tâm can thiệp đặc biệt, cô Tho cùng ba cô giáo khác tìm cách tạo ra một mô hình học tập khác cho trẻ "đặc biệt". Cô Tho chia sẻ từ năm 2009, cô đã thực hiện can thiệp cho trẻ đặc biệt hòa nhập tại trường mầm non ở quận Đống Đa (Hà Nội) và đạt hiệu quả tốt, trẻ phát triển và hòa nhập với các bạn.
Hiện nay, cô Tho cùng ba cô giáo khác kết hợp với một số trường mầm non tư thục, đặt phòng can thiệp đặc biệt ngay trong trường học. Những trẻ cần can thiệp như chậm nói, tăng động giảm chú ý, tự kỷ... sẽ được học song song vừa hòa nhập, vừa can thiệp. Giờ can thiệp với cô giáo sẽ phụ thuộc vào từng tình trạng của trẻ và nhu cầu của phụ huynh.
Theo cô Tho, trẻ tự kỷ thường có khiếm khuyết về tương tác xã hội, về giao tiếp và có thể có những hành vi bất thường, rập khuôn... Chính vì vậy, môi trường hòa nhập sẽ tạo điều kiện cho trẻ tối đa thời gian, sẽ có nhiều nhân lực tương tác hỗ trợ trẻ mọi lúc mọi nơi.
Việc thực hiện mô hình này cũng giúp các cô giáo mầm non bình thường hiểu hơn về trẻ đặc biệt, từ đó có sự quan tâm, thay đổi hành vi để chăm sóc trẻ tốt hơn.
"Ví dụ, một đứa trẻ tăng động sẽ rất nghịch ngợm, không chú tâm học tập. Nếu bình thường, cô giáo sẽ nghĩ rằng đứa trẻ đó hư, không nghe lời. Nhưng khi được biết về tình trạng của đứa trẻ, cô giáo mầm non sẽ hiểu hơn và tôn trọng sự đặc biệt của trẻ. Tất nhiên, cũng tùy thuộc mức độ hành vi trẻ có thể học hòa nhập hay không. Nếu trẻ ở thể quá nặng, có thể gây nguy hiểm cho các bạn khác thì chưa thể cho trẻ học hòa nhập.
Bên cạnh việc được hỗ trợ cải thiện chuyên sâu về khiếm khuyết cốt lõi mà trẻ gặp phải thì trẻ sẽ được hòa nhập, phát triển bình thường. Và điều rất quan trọng là trẻ được tôn trọng sự khác biệt, nhưng vẫn được hỗ trợ cân bằng và phát triển như những đứa trẻ bình thường khác", cô Tho chia sẻ.
Lựa chọn trung tâm thế nào?
Theo ThS Lưu Thị Tho, trước khi cho trẻ đi can thiệp cần đưa trẻ đi khám tại khoa tâm bệnh bệnh viện nhi, hoặc được sàng lọc lượng giá từ các nhà chuyên môn về giáo dục đặc biệt.
Phụ huynh cũng cần tìm hiểu và trang bị kiến thức lựa chọn những trung tâm có quy trình đánh giá sàng lọc - tư vấn - can thiệp. Bởi cha mẹ là người tiếp xúc với trẻ hằng ngày, hiểu trẻ nên từ đó đồng hành và hỗ trợ can thiệp cho trẻ là tốt nhất.
Thứ hai là trong quá trình làm việc với trẻ, cô giáo phải trao đổi thông tin thường xuyên với gia đình để kiểm tra định kỳ. Có thể là ba tháng một lần, để gia đình biết được tình trạng của con và đưa ra kế hoạch can thiệp, hoặc điều chỉnh mục tiêu can thiệp phù hợp với khiếm khuyết cốt lõi tiếp theo cho con.
Bên cạnh đó, cô giáo cũng phải chia sẻ những phương pháp can thiệp để phụ huynh có thể đồng hành can thiệp cho trẻ ở nhà.
Nhập nhằng quản lý cơ sở nuôi dạy trẻ tự kỷ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số chủ cơ sở giáo dục trẻ đặc biệt tại Đà Nẵng cho biết việc đơn vị nào quản lý các cơ sở can thiệp trẻ đặc biệt vẫn còn những nhập nhằng. Hầu hết các cơ sở đều hoạt động trên danh nghĩa công ty hoặc viện nghiên cứu.
Mới đây, việc quản lý các cơ sở này được bàn giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo và đang bước vào giai đoạn hoàn thiện chương trình giáo dục, cơ sở vật chất để đúng thủ tục pháp lý, xin cấp phép thành trung tâm. Tuy nhiên theo các chủ cơ sở này, điều kiện để mở trung tâm can thiệp trẻ đặc biệt khá khắt khe, hầu như ít có cơ sở nào đáp ứng.
Một chủ cơ sở can thiệp trẻ đặc biệt tại quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng cho hay: "Hiện mọi tiêu chí của chúng tôi từ cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên môn, chương trình... đều đáp ứng việc hoạt động trên danh nghĩa một trung tâm can thiệp, giáo dục trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, để đáp ứng hết các tiêu chí đảm bảo thủ tục pháp lý trở thành một trung tâm can thiệp trẻ đặc biệt là rất khó".
Lời khuyên cho phụ huynh
Dành lời khuyên cho các phụ huynh, PGS.TS Huỳnh Văn Chẩn - trưởng khoa công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng trước tiên muốn xác định con có tự kỷ hay không, hoặc các biểu hiện tự kỷ đang ở mức độ nào, phụ huynh nên đưa con đến các bệnh viện có các khoa tâm lý, tâm thần trẻ em để được chẩn đoán. Các bệnh viện uy tín thường được phụ huynh cho con đến kiểm tra tại TP.HCM là Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2.
Khi đã xác định được tình trạng của trẻ, đến bước tìm trung tâm can thiệp, ông Huỳnh Văn Chẩn cho rằng phụ huynh nên ưu tiên đưa trẻ đến một trung tâm đảm bảo tiêu chuẩn.
Trước hết là không gian học tập, cần có kích thước rộng rãi, đủ để trẻ tự kỷ có thể tương tác thoải mái. Thứ hai là có thêm nhiều phòng chức năng ngoài phòng học, chẳng hạn có các phòng cân bằng cảm giác khi trẻ tăng động hoặc các phòng massage nước... hỗ trợ quá trình điều trị trẻ.
Ngoài điều kiện của trung tâm, ông Huỳnh Văn Chẩn lưu ý phụ huynh nên tìm hiểu kỹ về giáo án và đội ngũ giảng dạy. Một số lớp học đang hoạt động như một nhà trẻ thông thường, chỉ có điều được tích hợp thêm một giờ can thiệp mỗi ngày.
Người đứng lớp can thiệp có thể là giáo viên không chuyên của lớp, hoặc hợp đồng với một số sinh viên năm cuối khoa giáo dục đặc biệt, tâm lý, công tác xã hội... đến dạy theo giờ. Cả hai cách làm đều rất khó có hiệu quả.
Cuối cùng, ông Huỳnh Văn Chẩn cho rằng để quá trình can thiệp được tốt hơn, phụ huynh vẫn phải chủ động đồng hành cùng con. Cha mẹ nên kèm cặp thêm cho con tại nhà theo sự hướng dẫn của chuyên gia.
Ngay cả với những trẻ được can thiệp nội trú, cha mẹ cũng cần thường xuyên đến thăm trẻ, tương tác và chăm sóc trẻ thay vì phó thác hết cho các thầy cô. "Bởi vì tình thương của cha mẹ là một điểm tựa vững chắc bên cạnh sự hỗ trợ của thầy cô để các con có thể học tập và phát triển" - ông Chẩn nói.
Tại TP.HCM, trung tâm can thiệp sớm Sunshine, Q.7, là nơi can thiệp cá nhân 1-1 hoặc 2-1 toàn thời gian từ sáng tới chiều, cho trẻ khuyết tật trí tuệ, chậm phát triển, rối loạn phổ tự kỷ (ASD), rối loạn thiếu chú ý (ADD), rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), có hành vi thách thức.
DƯƠNG LIỄU - HOÀNG THI - NGỌC PHƯỢNG - ĐOÀN NHẠN