Ngày 5-3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành nghị định 08, nhằm gỡ khó thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó cho phép doanh nghiệp phát hành và trái chủ thỏa thuận gia hạn thêm hai năm, chuyển đổi trái phiếu sang bất động sản...
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý I/2023, Bộ Xây dựng cho biết, tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản đã có nhiều tích cực sau những chính sách tháo gỡ khó khăn.
Cụ thể, Fiinratings cho biết, thị trường trái phiếu tháng 3 ghi nhận sự đảo chiều trong hoạt động phát hành với tổng cộng 13 lô trái phiếu với tổng trị giá đạt gần 18.000 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý là sự trở lại của các nhà phát hành bất động sản khi có tới 6 lô phát hành từ 5 nhà phát triển bất động sản, giá trị đạt 23.700 tỷ đồng.
Trong đó, có 2 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 7 năm là Công ty cổ phần Bất động sản Hano-vid. Đây là doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất trong nhóm ngành bất động sản với 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, thống kê số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Bộ Xây dựng cho biết, tính đến ngày công bố thông tin 28/2, có 1 đợt phát hành riêng lẻ từ Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Sơn Kim. Trái phiếu này có kỳ hạn 2,5 năm và lãi suất cho kỳ đầu là 13,5%/năm và thả nổi vào những kỳ sau.
Tính đến ngày công bố thông tin 28/3, có 2 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng, giá trị là 1.490 tỷ đồng của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect và Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ TNS Holdings. Có 10 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 2.130 tỷ đồng trong tháng 3 này.
Cũng theo dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh Doanh Nam An cũng hoàn tất đợt chào bán 4.700 tỉ đồng trái phiếu, kỳ hạn 18 tháng, với lãi suất 13%/năm, kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi.
Nam An có ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Tổng giám đốc của công ty này là ông Hoàng Quốc Thủy, là một trong những người sáng lập Technocom cùng tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại xuất nhập khẩu Thủ Đô cũng phát hành thành công 40 tỉ đồng trái phiếu (ngày 9-3), kỳ hạn hai năm và lãi suất cố định 12%/năm.
Cùng ngày, Công ty Thương mại sản xuất và Đầu tư Hà Thành cũng huy động được 45 tỉ đồng trái phiếu, với lãi suất 12%/năm.
Một điểm đáng chú ý khác, đó là hoạt động mua lại trước hạn tăng mạnh. Quy mô trái phiếu mua lại trước đáo hạn trong tháng 3 đạt gần 18.000 tỷ đồng, tăng 3 lần so với tháng trước và tăng gần 2,08 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù hoạt động mua lại tiếp tục tăng, tuy nhiên theo Fiinratings, đây là tháng đầu tiên kể từ tháng 10/2022 quy mô mua lại thấp hơn quy mô phát hành.
Áp lực đáo hạn trái phiếu theo Fiinratings, vẫn lớn với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn 9 tháng còn lại của năm 2023 được ước tính ở mức hơn 220.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản có số dư trái phiếu sẽ đến hạn ở mức 93.200 tỷ đồng.
Tổng dư nợ trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong hai quý sắp tới lần lượt ở mức 36.200 tỷ đồng vào quý II và 35.400 tỷ đồng vào quý III. Đây là các con số lớn đáng kể so với tổng quy mô tín dụng phục vụ kinh doanh bất động sản cũng như năng lực tín dụng của doanh nghiệp bất động sản hiện nay.
Fiinratings cũng cho rằng, các động thái giảm lãi suất điều hành, Nghị định 08, Nghị quyết số 33 về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản, và gần đây nhất là việc lập tổ công tác gỡ vướng cho các dự án của Novaland và DIC Group đang đem lại tác động tích cực tới thị trường nói chung và ngành bất động sản nói riêng. Tạo tiền đề để thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần khôi phục trở lại bởi yếu tố pháp lý là rủi ro lớn nhất trên thị trường tín dụng.