Vốn đam mê lặn biển, tháng 5/2023, Thái Khang đã dành 15 ngày du lịch Philippines. Trong đó, anh có 6 ngày ở Coron, hòn đảo lớn thứ ba trong quần đảo Calamian ở miền bắc Palawan, Philippines.
"Mình chọn lặn ở Coron vì nghe về các xác tàu chiến của Nhật bị Mỹ không kích năm 1944, trong Thế chiến thứ II. Những xác tàu này đã ngủ yên tại Coron suốt 79 năm", anh chia sẻ.
Coron có địa hình vùng vịnh, gồm các hòn non bộ, đa phần núi đá vôi. Để tham gia lặn, du khách buộc phải có chứng chỉ lặn Open Water Diver (cơ bản) trở lên. Riêng với Khang, anh đã có chứng chỉ lặn Advanced Open Water (nâng cao) và Wreck Speciality (chuyên để lặn tàu đắm).
Theo bản đồ phân bố, có tổng 10 xác tàu đang nằm sâu dưới lòng đại dương. Tuy nhiên, anh chỉ lựa chọn 8 xác tàu bởi tàu 9 và 10 nằm ở vị trí khá xa. Xuyên suốt quá trình lặn, người tham gia phải tuân theo các hướng dẫn kĩ thuật để đảm bảo an toàn.
Khoảng 8h sáng, Khang sẽ tập trung tại Trung Tâm Lặn (Dive Centre) để di chuyển đến cảng biển, ra điểm lặn. Mỗi ca lặn có thời gian từ 45-60 phút. Độ sâu tối đa được phép lặn là 40m. Tuy nhiên, xác tàu thường chỉ nằm ở độ 20-30m. Trong 8 tàu Khang tham quan thì có 2 tàu cạn nhỏ, 6 tàu chiến to, dài từ 100m-160m.
Tận mắt chứng kiến xác tàu đắm sừng sững, anh đã phải thốt lên: "Trông chẳng khác gì các bộ phim khoa học viễn tưởng".
Suốt 79 nằm yên dưới lòng đại dương, xác tàu đã hòa làm một với mẹ thiên nhiên. San hô to khỏe mọc kín, sinh sôi dày đặc trong từng ngóc ngách, miễn có ánh mặt trời rọi đến.
Hiện trạng các con tàu còn nguyên vẹn, cho phép anh bơi xuyên qua từng gian phòng, nhìn ngắm các bộ phận và máy móc.
Trong số đó, Thái Khang ấn tượng nhất với Kogyo Maru, tàu được chế tạo ở Osaka, Nhật Bản. Nó bị phá hủy vào rạng sáng ngày 24/9/1944, gần cuối Thế chiến thứ II. Đây là một trong những xác tàu lớn nhất tại vịnh Coron, từng chuyên chở vật liệu xây dựng đường băng.
Nhiều năm trôi qua, tàu gần như bị che lấp bởi phù du và san hô. Dưới đáy biển tăm tối, các tia sáng lọt qua vết nứt lỗ mục thân tàu khiến cho không gian thêm huyền ảo.
Thái Khang cho biết, trong suốt hành trình khám phá xác tàu lặn, anh phải bám sát hướng dẫn viên vì các khoang rất tối, nhiều hốc và lối đi nên dễ lạc. Anh cũng thường xuyên phải kiểm tra thiết bị đeo tay để theo dõi các thông số an toàn trong quá trình lặn, tránh vượt thời gian đáy cho phép.
Cũng theo Khang, châu Á hiện đang có nhiều điểm lặn tàu đắm như ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia... Tuy nhiên, đảo Coron gần như là khu vực duy nhất tập trung nhiều tàu đủ các yếu tố như to, dài, cho phép du khách chui vào bên trong khám phá. Bên cạnh đó, các xác tàu này cũng nằm ở độ sâu vừa phải, dưới 40m.
Trong chuyến đi, Khang đặc biệt ấn tượng với độ sạch tại Coron. "Từ thị trấn, cảng biển đến điểm lặn, mình hầu như không thấy rác. Người dân cũng chỉ bán hải sản cơ bản như tôm, mực. Họ đã xây dựng mô hình du lịch bền vững", anh nói thêm.
Ngoài Coron, Thái Khang cũng trải nghiệm lặn ở Panglao, thuộc tỉnh Bohol, Philippines. Chi phí lặn cho cả hai nơi là 15 triệu đồng. Anh cũng mất khoảng 5,5 triệu đồng cho tiền vé máy bay và 7,2 triệu đồng cho chi phí lưu trú, ăn uống bình dân.