Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) là một trong những đường huyết mạch của TPHCM và cũng là tuyến độc đạo để về Quốc lộ 13, bến xe Miền Đông và khu vực bán đảo Thanh Đa. Tuy nhiên nhiều năm qua, đoạn từ cầu vượt Hàng Xanh đến ngã năm Đài Liệt Sĩ luôn ùn ứ kéo dài, nhất là vào các giờ tan tầm.
Vừa qua, Sở GTVT TPHCM ghi nhận tình trạng kẹt xe tại đây đặc biệt nghiêm trọng với số lần ùn ứ trên tuyến này lên đến 615 lần.
Anh Hùng (38 tuổi, TP Thủ Đức) chia sẻ: "Hơn hai năm đi làm và về nhà đều đặn qua tuyến đường này, nhưng không ngày nào thoát khỏi cảnh kẹt xe. Có những hôm, tôi ráng ở lại công ty làm việc đến hơn 19h để tránh chen chúc".
Trong khi đó, những người buôn bán trên đoạn đường này cũng phàn nàn việc ùn tắc khiến những người đi qua mệt mỏi, không có nhu cầu ghé lại mua đồ. Trường hợp xe cứu thương phải di chuyển qua giao lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bạch Đằng, hay ngã tư Hàng Xanh vào giờ cao điểm cũng là một thử thách.
Phân tích lý do, ông Nguyễn Kiên Giang, Phó trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM), cho biết hiện nay, mặt đường tuyến này trung bình chỉ rộng 11m, riêng đoạn cầu Rạch Sơn bị thu hẹp còn 9,5m, tạo nút thắt cổ chai.
"Nơi đây tập trung nhiều trường học, lượng sinh viên đông, vào cao điểm chiều, sinh viên tan học, người dân tan làm khiến lượng xe tăng đột biến, gây áp lực cho tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh lẫn khu vực xung quanh", ông Giang phân tích.
Đặc biệt là có nhiều điểm xung đột tại các giao lộ giữa đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và các đường khác như Bạch Đằng, D5, hẻm 549, dẫn đến dòng xe ùn ứ kéo dài.
"Thậm chí, tình trạng kẹt xe còn xuất hiện ở cả cầu Sài Gòn, do mưa lớn, người dân thường trú mưa dưới dạ cầu, nhiều xe không thể lưu thông. Cảnh sát giao thông cũng không thể xử lý hết được", ông Giang cho hay.
Theo ông Nguyễn Kiên Giang, Sở GTVT TP vừa qua cũng triển khai nhiều giải pháp tạm thời.
Dự kiến, tháng 11, Sở GTVT ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào hệ thống điều khiển đèn giao thông ở các nút giao trọng điểm như: Ngã tư Hàng Xanh, ngã năm Đài Liệt Sĩ. Việc này nhằm tăng khả năng thoát xe tại các nút và điều tiết lưu lượng xe.
Về lâu dài, ông Giang cho hay, tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh sẽ được mở rộng theo kế hoạch. Đồng thời, Sở GTVT cũng đã bổ sung phương án nghiên cứu làm các đường trên cao, trục cửa ngõ TP như Quốc lộ 13, Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Đinh Bộ Lĩnh vào quy hoạch chung của TP (giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050).
Khi được đầu tư hoàn chỉnh, hệ thống hạ tầng giao thông tại các khu vực cửa ngõ sẽ góp phần đảm bảo năng lực, nhu cầu giao thông và phát triển của thành phố.