Ngày 14/7, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã ký văn bản khẩn gửi Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM, Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm Quản lý Đường thủy cùng chính quyền địa phương về tình hình sạt lở nguy hiểm khu vực kênh Thanh Đa (phường 25, quận Bình Thạnh).
Trong đó, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan kiểm tra, có biện pháp xử lý thích hợp nhằm phòng tránh thiệt hại cho người dân tại khu vực sạt lở nêu trên.
UBND quận Bình Thạnh và phường 25 (quận Bình Thạnh) cần theo dõi sát sao diễn biến sụt lún tại khu vực. Đồng thời, địa phương thực hiện di dời người dân, tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Các khu vực có nguy cơ sạt lở cần được rào chắn, cảnh báo, không cho người, phương tiện qua lại.
Sở GTVT cần chỉ đạo Trung tâm Quản lý Đường thủy lựa chọn đơn vị khảo sát, quan trắc, đánh giá nguyên nhân sạt lở và khả năng chịu lực của công trình.
Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý đường thủy (Sở Giao thông Vận tải TPHCM) ngày 7/7, khu vực sạt lở ở giáp bờ kè kênh Thanh Đa (đoạn 1.1, phường 25, quận Bình Thạnh) đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng.
Vào ngày 22/6, Trung tâm Quản lý đường thủy phát hiện và ghi nhận trên hành lang mặt kè (lát gạch con sâu) xuất hiện một số vị trí gạch bị bong tróc và sụt lún nhỏ.
Từ ngày 24 đến 26/6, khu vực này xảy ra sụt lún, công trình kè và khu vực tiếp giáp kè bị dịch chuyển vị trí (chuyển vị).
Cụ thể, đỉnh kè chuyển vị ra phía kênh theo phương ngang (vị trí xa nhất) khoảng 1,5m so với tim tuyến kè thiết kế ban đầu. Đồng thời, mặt đất bị lún theo phương đứng (vị trí sâu nhất) là khoảng 0,8m so với cao độ đỉnh kè thiết kế. Toàn phạm vi kè hứng chịu chuyển vị dài khoảng 120m, rộng 10m.
Sau đó, từ ngày 27/6 đến 8/7, qua quan trắc Trung tâm Quản lý đường thủy ghi nhận hiện tượng sụt lún, chuyển vị tiếp tục diễn biến phức tạp.
Sự chuyển vị theo phương ngang là khoảng 1,89m (tăng thêm 0,15m so với hơn một tuần trước). Chuyển vị theo phương đứng khoảng 1,26m so với cao độ hành lang mặt kè thiết kế (tăng thêm 0,46m).
Hiện phạm vi ảnh hưởng lún sụt lên đến 200m kè đá hiện hữu, xuất hiện vết nứt 10-15cm cách đỉnh kè khoảng 10m, chiều dài khoảng 120m.
Tình trạng trên gây thiệt hại về tài sản của 15 hộ dân ven kênh, đa số nhà cửa bị nứt tường, lún và nghiêng ra phía kênh, có thể bị sạt lở về phía sông bất cứ lúc nào; bên cạnh đó cũng thiệt hại về công trình hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.