Chương trình nhằm từng bước xây dựng, hình thành thương hiệu, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm mua sắm hiện đại, hấp dẫn. Tăng cường kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, chương trình cũng hướng đến việc liên kết chặt chẽ giữa các ngành công thương, du lịch, văn hóa, y tế,... để đem đến cho người dân sản phẩm hàng hóa có chất lượng, giá cả ưu đãi. Qua đó, từng bước tạo thành “Mùa mua sắm” thường niên, được sự kỳ vọng của người tiêu dùng, du khách và cộng đồng doanh nghiệp.
Chương trình tổ chức dự kiến được chia làm 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 15/6 đến ngày 15/7/2023 với chủ đề “Tưng bừng mua sắm Hè 2023” và đợt 2 từ ngày 15/11 đến ngày 31/12/2023 với chủ đề “Rộn ràng mua sắm mùa Xuân 2023”.
Chương trình bao gồm các nội dung trọng tâm như: Tổ chức lễ phát động và mời gọi thương nhân đồng loạt tham gia; Đẩy mạnh hoạt động khuyến mại của doanh nghiệp đầu mối; Triển khai hình thức khuyến mại theo nhóm; Tổ chức kết hợp khuyến mại tạo hiệu ứng lan tỏa; Tổ chức một số sự kiện xúc tiến thương mại/du lịch/văn hóa, thể thao;…
Hiện tại, TP. HCM đang trao đổi, mời gọi các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu hàng tiêu dùng có quy mô lớn tham gia khuyến mãi theo hướng “thực chất, thiết thực” góp phần kích cầu tiêu dùng, tạo hiệu ứng lan tỏa, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Số lượng dự kiến gồm 50 doanh nghiệp đầu mối (Công ty Liên Thái Bình Dương, Công ty Sữa Việt Nam, SATRA, Co.op Mart, Central Retail, Công ty Thế Giới Di Động, Công ty Duy Anh,...).
Các doanh nghiệp hàng không, vận tải lần lượt như Công ty Hàng không như Vietnam Airlines, Vietjetair, Bamboo Airways, Vietravel Airlines…; VinaSun, Mai Linh, Grab, Gojek... được kêu gọi triển khai các chương trình khuyến mãi với hạn mức trên 50% đến 100%.
UBND TP.HCM yêu cầu chương trình phải đáp ứng các tiêu chí: Đảm bảo hoạt động khuyến mại đúng thực chất và hiệu quả; Thu hút được sự hưởng ứng, tham gia đồng loạt của thương nhân trên địa bàn, nhất là hệ thống phân phối, sàn giao dịch thương mại điện tử; Bảo vệ tốt quyền lợi người tiêu dùng với sự chọn lọc, cam kết từ doanh nghiệp tham gia chương trình và công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng; Truyền thông rộng rãi, đa dạng với tần suất cao để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, du khách và doanh nghiệp; Huy động nguồn lực xã hội để tạo thành hiệu ứng lan tỏa, cộng hưởng cho chương trình.
Trong thời gian tới sẽ triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua: kích thích tiêu dùng; tăng chi tiêu của Chính phủ; đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử; thực hiện hiệu quả chương trình đẩy mạnh đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tại các địa phương.
Bộ Công Thương