UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn công bố danh mục các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2022 trên địa bàn thành phố.
Theo kết quả rà soát, trên địa bàn TP.HCM có 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Trong đó, những nơi có nhiều vị trí sạt lở như TP.Thủ Đức (8 vị trí), huyện Nhà Bè (7 vị trí) và huyện Cần Giờ (7 vị trí). Xếp sau là huyện Bình Chánh (4 vị trí), Q.Bình Thạnh (4 vị trí), huyện Hóc Môn (1 vị trí) và huyện Củ Chi (1 vị trí).
Trong 32 vị trí sạt lở thì có 8 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm và 24 vị trí sạt lở nguy hiểm. So với năm 2021, tổng vị trí sạt lở năm 2022 vẫn không thay đổi.
Tại TP.Thủ Đức, trong 8 vị trí sạt lở thì có 5 dự án kè chống sạt lở với tổng mức đầu tư 795 tỷ đồng. 7 vị trí sạt lở tại huyện Nhà Bè thì có 6 dự án với tổng vốn đầu tư 445 tỷ đồng. 7 vị trí sạt lở ở huyện Cần Giờ chỉ có 3 dự án với tổng vốn đầu tư 315 tỷ đồng…
Có những vị trí sạt lở nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của hàng chục hộ dân. Đơn cử như tại bờ trái sông Sài Gòn, khu vực nhà thờ Fatima, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức ảnh hưởng 80 hộ dân. Nhiều nhà dân chỉ cách khu vực sạt lở khoảng 15m.
Hay như vị trí sạt lở tại bờ phải sông Đồng Nai, đoạn từ phà Cát Lái về phía hạ lưu đến xưởng đóng tàu Saigon Shipyard, P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức, ảnh hưởng trực tiếp 30 hộ dân. Một số nhà dân xây dựng nhà sàn sát mép sông, có hiện tượng sụt lún, nứt, nghiêng ra sông.
Theo UBND TP.HCM, 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn thành phố gây ảnh hưởng đến 1.328 hộ dân. Tổng quy mô các dự án kè chống sạt lở là 17.719m kè, tổng số vốn đầu tư hơn 3.231 tỷ đồng.
Với những dự án kè chống sạt lở, UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ pháp lý, chủ đầu tư sớm triển khai thi công để đảm bảo an toàn cho các hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng.
Đối với 9/32 vị trí sạt lở chưa có chủ trương đầu tư dự án, Sở Giao thông và Vận tải được giao nhiệm vụ đề xuất chủ trương đầu tư xây kè chống sạt lở. Các địa phương phải cắm biển cảnh báo, thông báo cho người dân khu vực bị ảnh hưởng để chủ động phòng tránh.