Tổng hợp danh sách những bảo vật quốc gia mới được công nhận

23/01/2024 19:20

Đao cẩn tam khí nhà Trần, thẻ bài cung nữ thời Lê sơ, bảo kiếm an dân Khải Định, sưu tập vàng lá Châu Thành... là các bảo vật quốc gia mới được công nhận trong thời gian gần đây.

Tổng hợp danh sách những bảo vật quốc gia mới được công nhận

Đao cẩn tam khí nhà Trần, thẻ bài cung nữ thời Lê sơ, bảo kiếm an dân Khải Định, sưu tập vàng lá Châu Thành... là các bảo vật quốc gia mới được công nhận trong thời gian gần đây.

khuon-in-tin-phieu-bao-vat-quoc-gia-thu-tuong-chinh-phu-quang-ngai-tran-mai-1-1705920954195329454185(1).jpg
Khuôn in tín phiếu mệnh giá 50 đồng

Ngày 18/1, Thủ tướng công nhận thêm 29 bảo vật quốc gia, trong đó có trống đồng Sao Vàng thuộc văn hóa Đông Sơn, cách nay 2.000 năm. Đây là trống lớn nhất trong số trống Đông Sơn được phát hiện. Bảo vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội.

trong-dong-sao-vang-1705898896.jpg
Trống đồng Sao Vàng lớn nhất

Bộ sưu tập đàn đá Khánh Sơn, cách nay 2.500-3.000 năm, được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa. Đàn làm bằng loại đá nham thạch phun trào, với 12 thanh.

dan-da-khanh-son-1705899110.jpg
Đàn đá Khánh Sơn

Luật Di sản văn hóa quy định bảo vật quốc gia phải là hiện vật gốc độc bản, hình thức độc đáo, có giá trị đặc biệt liên quan đến sự kiện trọng đại của đất nước hoặc sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu. Từ năm 2012 đến nay, Thủ tướng 12 lần công nhận 294 bảo vật quốc gia.

Sưu tập cột kinh Phật thời Đinh, thế kỷ 10, tại kinh đô Hoa Lư (nay thuộc Ninh Bình), do Nam Việt vương Đinh Khuông Liễn, con trai trưởng vua Đinh Tiên Hoàng dựng. Cột kinh được phát hiện lần đầu năm 1963, đến năm 1991 mới tìm thấy đầy đủ bộ phận.

cot-kinh-phat-thoi-dinh-1705899054.jpg
Cột kinh Phật thời Đinh

Bia Đại bi Diên Minh tự bi, niên đại năm 1327, thời Trần, tại xã Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Đây là tấm bia cổ quý hiếm, làm bằng đá xanh và là bia đá cổ duy nhất thời Trần còn được lưu giữ đến nay trên địa bàn Hưng Yên.

dai-bi-dien-minh-tu-bia-1705899073.jpg
Bia Đại bi Diên Minh tự bi

Đao cẩn tam khí thời Trần, thế kỷ 14, được tạo tác thủ công, không giống bất kỳ thanh đao nào khác được phát hiện. Tại hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ phát hiện một số kiếm, đao, giáo, nhưng không hiện vật nào có cấu trúc tương tự thanh đao này. Bộ sưu tập vũ khí lớn nhất tại hồ Ngọc Khánh (Hà Nội) cũng không có hiện vật tương tự thanh đao nêu trên. Đao cẩn tam khí minh chứng trình độ, kỹ nghệ rèn thời Trần phát triển cao.

dao-can-tam-khi-1705899029(1).jpg
Đao cẩn tam khí thời Trần

Thẻ bài cung nữ ra vào nội cung đời vua Lê Thánh Tông (1466) được tìm thấy tại hố khai quật điện Kính Thiên, thuộc trung tâm hoàng thành Thăng Long. Thẻ bài còn nguyên vẹn, bề mặt bị ăn mòn do bị oxy hóa nhưng không ảnh hưởng nhiều đến cấu trúc, chữ còn rõ. Năm 2022, thẻ bài được đưa vào phòng trưng bày báu vật hoàng cung, thuộc Trung tâm di sản hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.

bao-vat-quoc-gia-6-1705725741271223670854.jpg
Thẻ bài cung nữ ra vào nội cung đời vua Lê Thánh Tông

Mô hình kiến trúc đất nung tráng men thời Lê Sơ, thế kỷ 15, được phát hiện trong hố khai quật tại khu vực điện Kính Thiên, thuộc trung tâm hoàng thành Thăng Long. Đây là một trong những kết cấu kiến trúc cung điện thời Lê Sơ, được tạo tác thủ công, độc bản.

mo-hinh-dat-nung-thoi-le-so-1705898943.jpg
Mô hình kiến trúc đất nung tráng men thời Lê Sơ

Bộ tượng tam thế Phật chùa Côn Sơn, thời Lê Trung Hưng (1533-1789), đang thờ tại chùa Côn Sơn, TP Chí Linh, Hải Dương. Tên đầy đủ của bộ tượng là Tam thế thường trụ diệu Pháp thân. Pháp thân là chân thật; diệu là đẹp, sáng, tinh thế, nhiệm màu, thoát khỏi phiền não; thường trụ là luôn tồn tại. Bộ tượng mang ý nghĩa thời quá khứ, hiện tại, vị lai tồn tại vĩnh hằng không bị lệ thuộc vào hình, danh, tướng, sắc của thế giới hữu hình cũng như không gian và thời gian. Bộ tượng tam thế còn tượng trưng cho 3.000 vị Phật ở ba đại kiếp (mỗi đại kiếp tương ứng 1,344 tỷ năm).

bo-tuong-tam-the-phat-chua-con-son-1705899019.jpg
Bộ tượng tam thế Phật chùa Côn Sơn thời Lê Trung Hưng

Mộc bản chùa Trăm Gian, thế kỷ 17-20, tại chùa Trăm Gian, xã An Bình, huyện Nam Sách, Hải Dương. Chùa Trăm Gian còn lưu được 896 mộc bản, chia thành 26 bộ kinh sách, 7 mộc bản tồn nghi, 67 mộc bản khắc mới.

moc-ban-chua-tram-gian-1705899091.jpg
Mộc bản chùa Trăm Gian

Phần lớn mộc bản tại đây là các bộ kinh, luật lớn được lưu truyền rộng rãi trong Phật giáo như Dược sư kinh, Nhân Vương hộ quốc kinh, Ngự chế khoá hư, Viên Giác kinh lược sớ, Viên Giác kinh cận thích, Phật thuyết giác thế quốc âm chân kinh...

Ngoài mộc bản chữ Hán, chùa Trăm Gian còn lưu giữ mộc bản chữ Nôm như Phật thuyết Giác thế quốc âm chân kinh; Ngũ giới quốc âm, Thập giới quốc âm trong bộ Hành trì tập yếu chư nghi…

Các văn bản Phật giáo được khắc in tại chùa Trăm gian có vai trò quan trọng để tìm hiệu sự hình thành các sơn môn Phật giáo tại Việt Nam.

Bảo kiếm an dân niên hiệu Khải Định (1916-1925), lưỡi dài, hai cạnh bén, đầu mũi nhọn. Đây là kiếm đơn thủ - cầm một tay, gồm kiếm và bao.

anh-man-hinh-2024-01-22-luc-11-1705898980.png
Bảo kiếm an dân niên hiệu Khải Định

Bảo kiếm do nghệ nhân cung đình triều Nguyễn chế tác bằng chất liệu quý hiếm, có giá trị về lịch sử, nghệ thuật, văn hóa. Kiếm thể hiện đỉnh cao nghệ thuật thủ công truyền thông cung đình triều Nguyễn đầu thế kỷ 20.

Khuôn in tín phiếu mệnh giá một đồng và năm mươi đồng, năm 1947, lưu giữ tại bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi. Hai khuôn đều khắc chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khung hình tròn ở giữa.

khuon-in-tin-phieu-bao-vat-quoc-gia-thu-tuong-chinh-phu-quang-ngai-tran-mai-2-1705921068466406771064.jpg
Khuôn in tín phiếu mệnh giá một đồng và năm mươi đồng

Tháng 7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cho phép chính quyền Nam Trung bộ in và phát hành tín phiếu ở vùng tự do Liên khu 5 (có giá trị như giấy bạc Việt Nam). Sau đó, ông Phạm Văn Đồng và Ủy ban kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ quyết định lập xưởng in tín phiếu đặt tại xóm Xà Nay, thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham, huyện Sơn Trà. Quảng Ngãi là nơi đầu tiên đặt xưởng in tín phiếu phục vụ kháng chiến chống Pháp.

Tỉnh Trà Vinh có thêm một bảo vật được công nhận đợt này là “Sưu tập vàng lá Châu Thành”

vang.png
Sưu tập vàng lá Châu Thành

“Sưu tập vàng lá Châu Thành” thuộc niên đại văn hóa Óc Eo, giai đoạn muộn thế kỷ VII - IX, hiện bảo vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trà Vinh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tổng hợp danh sách những bảo vật quốc gia mới được công nhận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO