Ngoài rượu bia, theo các chuyên gia, một số loại thực phẩm, dược phẩm, chế phẩm có thể tạo ra nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi chúng ta hấp thu vào cơ thể.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, tất cả các con đường này cũng chỉ dẫn tới mức tăng rất nhỏ ethanol trong máu, hơi thở hoặc thậm chí không phát hiện ra được và không gây tác hại gì.
Khi một món ăn được nướng hoặc ninh nhừ trong 2,5 giờ đồng hồ sẽ vẫn còn tồn lại 5% lượng rượu ban đầu (Ảnh: Getty).
Một số món ăn có sử dụng rượu trong quá trình tẩm ướp hoặc chế biến như: cá, tôm hấp bia, các món sử dụng sốt rượu vang… có thể vẫn còn tồn tại, dù ở mức rất nhỏ, chất cồn (ethanol) khi chúng ta ăn.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, thành phần rượu trong các món nướng hoặc hầm sẽ vẫn còn lại 40% lượng ban đầu sau 15 phút nấu, giảm xuống mức 35% sau 30 phút và 25% sau khoảng một giờ đồng hồ.
Thậm chí, khi một món ăn được nướng hoặc ninh nhừ trong 2,5 giờ đồng hồ sẽ vẫn còn tồn lại 5% lượng rượu ban đầu.
Về lý thuyết, có thể phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở sau khi hấp thụ một số loại thức ăn, nước uống có chứa một hàm lượng nhỏ cồn (Ảnh: Getty).
Theo TS Bùi Lê Minh - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nhiều thực phẩm bản thân đã lên men một phần, hình thành ethanol trước khi đưa vào cơ thể.
Về lý thuyết, có thể phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở sau khi hấp thụ một số loại thức ăn, nước uống có chứa một hàm lượng nhỏ cồn kể trên.
Chuyên gia này cũng dẫn ra ví dụ là loại sữa chua nếp cẩm "nhà làm" sử dụng nếp cẩm đã lên men. Vì bản chất của món ăn này là người ta trộn rượu nhẹ vào sữa chua.
Tương tự, một số loại sản phẩm lên men khác cũng có thể khiến hơi thở có nồng độ cồn như nước quả lên men.
"Tuy nhiên, chỉ một số các sản phẩm lên men là sinh ra rượu. Ví dụ trà lên men Kombucha sẽ có loại có một tỷ lệ rất nhỏ là rượu, có loại hoàn toàn không có", TS Minh phân tích.
Nhiều thực phẩm chứa tinh bột, đường đều có thể dễ dàng chuyển hóa thành ethanol sau khi tiêu thụ (Ảnh: Getty).
Theo TS Minh, các loại hoa quả có hàm lượng đường cao, khi chín quá đã có một lượng nhỏ ethanol, ví dụ như các loại nước quả ép có thể chứa tới 1% là ethanol.
Ngoài ra, nhiều thực phẩm chứa tinh bột, đường đều có thể dễ dàng chuyển hóa thành ethanol sau khi tiêu thụ.
Chuyên gia này cũng chỉ rõ, ethanol là sản phẩm chuyển hóa trực tiếp từ acetaldehyde, mà acetaldehyde có nguồn gốc từ đường glucose, là chất chuyển hóa quan trọng nhất giúp tất cả các sinh vật tạo ra năng lượng hoạt động thông qua hô hấp.
Đặc biệt, khi tiêu thụ thực phẩm có tỷ lệ lớn carbohydrate (giàu carb) thì khả năng chuyển hóa thành ethanol sau khi hấp thụ vào cơ thể cao.
Ngoài các loại thực phẩm, theo các chuyên gia, ethanol còn là một loại tá dược phổ biến trong điều chế thuốc, dùng làm dung môi để tách chiết các hợp chất tự nhiên từ dược liệu, nên trong các loại thuốc dạng dung dịch như sirô ho thì cũng rất dễ gặp ethanol.
Bên cạnh đó, các loại nước súc miệng có chứa cồn cũng có thể làm xuất hiện nồng độ cồn trong hơi thở. Tuy nhiên lượng cồn này rất dễ bay hơi và sẽ biến mất hoàn toàn sau một thời gian ngắn.
Theo Dân Trí