Toàn cảnh thương vụ nhà Glazer bán Man Utd: Tiếng thét từ cõi lòng 'Quỷ đỏ'

23/06/2023 10:09

Khi các đội bóng khác đã bước vào cuộc "chạy đua vũ trang" để tăng cường lực lượng trên thị trường chuyển nhượng, Man Utd vẫn còn loay hoay trong thương vụ định đoạt tương lai.

Khi các đội bóng khác đã bước vào cuộc "chạy đua vũ trang" để tăng cường lực lượng trên thị trường chuyển nhượng, Man Utd vẫn còn loay hoay trong thương vụ định đoạt tương lai.

Toàn cảnh thương vụ nhà Glazer bán Man Utd: Tiếng thét từ cõi lòng Quỷ đỏ - 2

Khi Man City đánh bại Inter Milan trong trận chung kết Champions League, đội bóng bị tổn thương nhất là Man Utd. "Quỷ đỏ" thành Manchester không còn là đội bóng Anh duy nhất giành "cú ăn ba" (vô địch Champions League, Premier League và FA Cup).

Đáng buồn hơn, chính Man Utd cũng thất bại trong nỗ lực ngăn cản "gã hàng xóm ồn ào" quân bình chiến công hiển hách nhất lịch sử câu lạc bộ (CLB).

Trên thánh địa Wembley, trong trận chung kết FA Cup, dù đã nỗ lực hết sức, thầy trò Erik Ten Hag vẫn không thể cản thầy trò Pep Guardiola bước lên bục đăng quang. Đơn giản Man Xanh trên tầm đẳng cấp Man Đỏ.

Hình ảnh Sir Alex Ferguson run run lặng nhìn Man Utd thất bại là biểu trưng sống động nhất cho thấy "Quỷ đỏ" đã trở thành thế lực dĩ vãng và phải nhường ánh hào quang lại cho Man City.

Từ vị thế thống trị bóng đá đảo quốc sương mù, CLB sở hữu lượng cổ động viên (CĐV) đông đảo nhất hành tinh, Man Utd lụn bại dần trong vũng lầy quản trị yếu kém của ban lãnh đạo. Sự ra đi của vị chiến lược gia huyền thoại người Scotland vào mùa hè 2013 có thể ví như sự biến mất của cột trụ duy nhất và khiến cho "đế chế đỏ" sụp đổ hoàn toàn.

Trong 10 năm, 6 đời HLV và 1,2 tỷ bảng (tương đương 1,5 tỷ USD) đổ vào thị trường chuyển nhượng, Man Utd không hề được tận hưởng vinh quang chói lọi nhất từ những danh hiệu Premier League và Champions League. Những chiếc Cúp "Quỷ đỏ" thành Manchester đem về Old Trafford chỉ có FA Cup (1), League Cup (2), Europa League (1) và châm chước tính thêm Community Shield/Siêu Cúp Anh (1).

Toàn cảnh thương vụ nhà Glazer bán Man Utd: Tiếng thét từ cõi lòng Quỷ đỏ - 4

Chẳng cần tính cùng khoảng thời gian, chỉ trong 7 năm dưới triều đại Pep Guardiola, Man City đã giành được số danh hiệu (14) gần gấp ba lần Man Utd, bao gồm 5 chức vô địch Premier League cùng chiếc cúp Champions League vừa chinh phục.

Trong 10 năm lụn bại của Man Utd, Chelsea cũng kịp đăng quang Premier League thêm 2 lần, vô địch Champions League thêm một lần; cựu thù Liverpool đã xóa dớp không thể vô địch Premier League đồng thời cân bằng kỷ lục 19 lần đăng quang giải đấu cao nhất của bóng đá Anh cũng như lần thứ 6 vô địch châu Âu.

Trong khi đó, Arsenal đang cho thấy dấu hiệu trở lại đúng đường ray phát triển. Dưới sự dẫn dắt của HLV tuổi trẻ tài cao Mikel Arteta, "Pháo thủ" thành London đã đua tranh với Man City trong suốt cả mùa giải.

Đó là thành tích đáng ngợi khen hơn nhiều màn trình diễn của Man Utd ở mùa giải 2017-18, năm mà "Quỷ đỏ" cũng giành ngôi á quân nhưng họ để cho Man City bỏ xa tới tận 19 điểm.

Tổng kết lại, 10 năm qua, Man Utd rớt từ vị thế kẻ thống trị xuống còn đội bóng hạng hai không hơn không kém ở xứ sương mù. Man Utd không còn đủ sức mạnh để ganh đua những danh hiệu hạng nhất như Premier League hay Champions League.

Đội bóng này chỉ đủ tầm để hướng đến các danh hiệu hạng hai như Europa League, FA Cup hay mục tiêu hạng hai như lọt vào top 4 đội dẫn đầu trên bảng xếp hạng Premier League.

Toàn cảnh thương vụ nhà Glazer bán Man Utd: Tiếng thét từ cõi lòng Quỷ đỏ - 6
Toàn cảnh thương vụ nhà Glazer bán Man Utd: Tiếng thét từ cõi lòng Quỷ đỏ - 7

Về mặt con người và lối chơi, bất chấp sự khởi sắc dưới thời tân HLV Erik ten Hag, Man Utd vẫn cách rất xa đẳng cấp cao nhất. Vì vậy, đầu tư mạnh tay trên thị trường chuyển nhượng là việc cần làm ngay để thu hẹp khoảng cách.

Không khó để nhận ra vấn đề tồn đọng trong đội hình Man Utd sau mùa giải 2022-23 vừa qua. Trước nhất là khả năng phát triển bóng bằng những đường chuyền từ phần sân nhà. Mặc dù HLV Ten Hag đi theo trường phái kiểm soát bóng tuy nhiên Man Utd không thể lên bóng mạch lạc ngay từ điểm khởi phát, với vị trí của thủ thành David de Gea.

Thủ thành dày dạn kinh nghiệm người Tây Ban Nha cực kỳ xuất sắc trong khung gỗ bằng những pha bay lượn cứu thua ngoạn mục. Song, kỹ năng chơi chân của De Gea quá kém cỏi. Thống kê chỉ ra tỷ lệ chuyền hỏng của De Gea lên tới 12%, gấp đôi những người đồng nghiệp như Alisson (5,8%) ở Liverpool hay Bernd Leno (4,8%) ở Arsenal.

Vì thế, cựu thủ quân Roy Keane phải thốt lên rằng Man Utd cần "tránh xa cậu ta càng nhanh càng tốt".

Khả năng tận dụng các tình huống cố định của thầy trò Ten Hag cũng không lấy gì làm ấn tượng. 13 trên tổng số 20 đội Premier League đã ghi được tối thiểu 10 bàn từ các tình huống đá phạt. Thành tích này của Man Utd chỉ vỏn vẹn 5 bàn.

Toàn cảnh thương vụ nhà Glazer bán Man Utd: Tiếng thét từ cõi lòng Quỷ đỏ - 10

Khả năng tận dụng cơ hội của các chân sút Man Utd ở các tình huống bóng sống càng kém. Tổng bàn thắng kỳ vọng Quỷ đỏ tạo ra trong các pha bóng sống trong mùa giải vừa qua là 56,6xG, chỉ kém duy nhất Man City (59) tại Premier League. Điều đó cho thấy sức sáng tạo của hàng tiền vệ Man Utd không tệ.

Song, Man Utd chỉ thu về 48 bàn so với 69 bàn của các nhà vô địch, kém tới 21 bàn. Điều đó cho thấy sự cấp thiết của việc tăng cường một trung phong thượng thặng cho hàng công Man Utd.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây từ tờ Daily Mail, Man Utd không đủ khả năng chiêu mộ cả thủ môn và tiền đạo đẳng cấp hàng đầu trong kỳ chuyển nhượng mùa hè này. Điều đáng nói, vấn đề không nằm ở ngân sách, vấn đề nằm ở cuộc đổi chủ dùng dằng.

Phiên chợ hè đã mở cửa và trong khi các đội bóng khác rầm rộ triển khai kế hoạch chuyển nhượng thì Man Utd lặng lẽ đợi chờ. Màn tranh đua mua lại Man Utd từ gia đình Glazer giữa hai ứng viên Sheikh Jassim bin Hamad al-Thani và Sir Jim Ratcliffe vẫn chưa ngã ngũ, thậm chí chẳng có tiến triển nào mới kể từ đầu tháng 6 tới nay.

Tình trạng lấp lửng tương lai lẫn tài chính ấy khiến Ten Hag phát cáu. Vấn đề không chỉ nằm ở tiền mà cả kế hoạch xuyên suốt và mạch lạc. Vị chiến lược gia người Hà Lan khao khát thi thố tài năng để chấn hưng "Quỷ đỏ", nhưng xem chừng tham vọng của ông đang vấp phải lực cản lớn nhất từ chính thượng tầng của đội bóng.

Toàn cảnh thương vụ nhà Glazer bán Man Utd: Tiếng thét từ cõi lòng Quỷ đỏ - 12
Toàn cảnh thương vụ nhà Glazer bán Man Utd: Tiếng thét từ cõi lòng Quỷ đỏ - 13

Tháng 4/2021, thời điểm kế hoạch Siêu giải đấu châu Âu (European Super League) đổ bể, người hâm mộ phẫn nộ tột độ và giới chủ Mỹ của Man Utd không thể giữ im lặng như họ vẫn làm suốt 20 năm cầm quyền tại Old Trafford.

"Sự im lặng của chúng tôi gây ấn tượng sai lệch rằng chúng tôi chẳng đoái hoài gì đội bóng, rằng chúng tôi không yêu bóng đá và rằng chúng tôi chỉ quan tâm tới bạc tiền", Joel Glazer, đồng chủ tịch, một trong 6 anh em nhà Glazer đăng đàn thanh minh cùng cổ động viên (CĐV) Man Utd. "Tôi xin đảm bảo với các bạn, sự thật hoàn toàn khác".

Sự thật chưa thấy đâu, người hâm mộ Man Utd lại mòn mỏi chờ anh em nhà Glazer hành động thêm lần nữa. 7 tháng từ khi thuê tập đoàn Raine Group định giá và đánh giá các đề nghị mua lại đội bóng sở hữu lượng CĐV đông đảo nhất hành tinh, tương lai của Man Utd vẫn chưa thật rõ ràng.

"Các thành viên gia đình Glazer luôn ra quyết định rất chậm. Họ cẩn trọng cân đo đong đếm từng chi tiết", một người quen của gia đình tỷ phú đã mua lại Man Utd với giá 790 triệu bảng vào năm 2005 chia sẻ trên tờ Financial Times. "Joel tốn rất nhiều thì giờ cân nhắc mọi quyết định, huống hồ thương vụ khổng lồ như thế này".

Joel sở hữu số lượng cổ phiếu cá nhân lớn nhất trong anh em trong gia đình (gồm Avram, Bryan, Darcie, Kevin và Edward) và kiểm soát khoảng 19% quyền biểu quyết. Sự chậm trễ của Joel nói riêng và anh em nhà Glazer nói chung không chỉ gây ức chế cho người hâm mộ hay HLV Erik Ten Hag mà ngay cả Sheikh Jassim bin Hamad al-Thani cũng đe dọa rút lui.

Toàn cảnh thương vụ nhà Glazer bán Man Utd: Tiếng thét từ cõi lòng Quỷ đỏ - 16

Càng kéo dài thời gian mua bán càng khiến nhà Glazer chịu nhiều chỉ trích. Gia tộc này vốn đã bị CĐV Man Utd căm ghét từ khi ông bố quá cố Malcom vừa mua lại đội bóng đã gán cho đội chủ sân Old Trafford khoản nợ lên tới 580 triệu bảng.

Sau khi nhà Glazer đưa đội bóng thành Manchester trở lại thị trường chứng khoán thông qua đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên vào năm 2012 tại New York, mỗi thành viên trong gia đình tài phiệt này đều nắm cổ phần lẫn quyền biểu quyết, mặc dù quy mô khác nhau. Cơ cấu cổ phần chia làm hai loại cho phép cổ phiếu loại B có quyền biểu quyết gấp 10 lần cổ phiếu loại A, giúp gia đình Glazer duy trì quyền lực tuyệt đối ở Man Utd.

Cụ thể, với việc cổ phiếu loại B lập tức bị biến thành cổ phiếu loại A nếu nhà Glazer rao bán, công thức này đảm bảo cho những ông chủ của Man Utd không phải quá lo lắng về vấn đề mất khả năng kiểm soát dù bán bao nhiêu cổ phiếu đi chăng nữa.

Tuy nhiên, việc mua bán Man Utd tốn thời gian cũng dẫn đến suy đoán rằng các ông chủ đội bóng chưa đạt được sự đồng thuận trong các bước tiếp theo. "Rõ ràng không có sự thống nhất trong nhà Glazer", một người làm việc cùng gia đình tài phiệt này nhiều năm tiết lộ về thương vụ bán Man Utd.

"Tuy nhiên, họ không chia sẻ suy nghĩ cho bất cứ ai, nên rất khó nhận được sự hỗ trợ".

Trong hai anh em giữ chức vụ đồng Chủ tịch Man Utd, nếu Joel là kiểu nhà quản lý "xắn tay áo" thì Avram lại theo kiểu Chủ tịch truyền thống: Trịch thượng, ít lộ diện và chỉ làm việc dựa trên doanh số. Những người còn lại trong gia đình Glazer càng bàng quan hơn với đội bóng khổng lồ họ sở hữu.

Kể từ năm 1995, nhà Glazer đã mua lại Tampa Bay Buccaneers, đội bóng bầu dục đã giành chiến thắng tại Super Bowl 2021. Edward Glazer thành lập US Auto Trust vào năm 2018. Tập đoàn này sở hữu các đại lý Aston Martin và Jaguar Land Rover, với doanh thu dự kiến 1 tỷ USD trong năm nay.

Toàn cảnh thương vụ nhà Glazer bán Man Utd: Tiếng thét từ cõi lòng Quỷ đỏ - 18

Darcie tham gia nhiều hơn ở Buccaneers hơn là ở Manchester United. Trang web của CLB này ghi nhận bà là một trong những nhân vật góp công lớn tân trang sân Raymond James có trị giá 160 triệu USD. Trong khi đó, Old Trafford ngày càng cũ kỹ, xập xệ và tồi tàn vì không được cải tạo.

Kevin lại làm trong lĩnh vực bất động sản còn Bryan ít tham gia vào hoạt động của Man Utd so với trước đây.

Giống như 11 ông lớn khác trên khắp châu Âu, ham muốn tăng doanh thu là điều thúc đẩy Man Utd ủng hộ tổ chức giải đấu ly khai mang tên European Super League. Đây là kế hoạch có thể thay đổi hoàn toàn bộ mặt bóng đá và đảm bảo cho các CLB tham dự vị thế hàng đầu mỗi năm.

Tuy nhiên, khi kế hoạch đổ vỡ trong sự căm phẫn, Joel chữa cháy bằng tuyên bố lợi tức của gia đình Glazer chỉ bằng "một phần bé tí xíu" trong doanh thu của Man Utd và chính hoạt động thương mại mạnh mẽ của đội bóng đã giúp các nhân viên không bị sa thải trong suốt đại dịch.

Doanh thu của Man Utd đã tăng từ 165 triệu bảng trong năm đầu tiên nhà Glazer làm chủ lên 583 triệu bảng ở mùa giải 2021-22, trong khi mức kỷ lục là 627 triệu bảng trước đại dịch.

Theo những nhân vật thân cận với gia đình Glazer tiết lộ, thất bại của European Super League chính là nguyên nhân khiến các ông chủ Man Utd cân nhắc lại các phương án tương lai của đội bóng này, kể cả việc bán CLB, điều trước đó họ chưa hề nghĩ đến.

Những cuộc đàm phán ban đầu vào mùa hè năm 2022 tập trung vào cách tăng vốn từ các nhà đầu tư Apollo và Ares Management, nhưng không đạt được thỏa thuận. Vài tháng sau, ngân hàng thương mại Raine được thuê để định giá và nhận thầu. Đây cũng là đơn vị phụ trách chuyển nhượng Chelsea vào năm ngoái.

Khác với thương vụ Chelsea, vốn là chuyện bất khả kháng bởi án phạt Chính phủ Anh áp dụng cho tỷ phú Roman Abramovich, nhà Glazer không chịu sức ép nào từ chính quyền. Chỉ có sức ép từ người hâm mộ, điều những ông chủ người Mỹ vốn dĩ chẳng thể hiện sự quan tâm quá nhiều.

Điều các ông chủ Mỹ quan tâm nhất là kiếm được bao nhiêu tiền từ việc bán Man Utd, đội bóng vẫn được định giá 5,5 tỷ bảng, tương đương 6 tỷ USD, hứa hẹn là thương vụ hời nhất trong lịch sử bóng đá.

Bi kịch ở chỗ, gia đình Glazer sẽ còn nâng lên đặt xuống cho đến khi nào nhận được đề nghị nhiều tiền nhất có thể. Trong thời gian ấy, kế hoạch chuyển nhượng cực kỳ cấp thiết để thu hẹp khoảng cách với Man City của Man Utd vẫn cứ phải chờ.

Toàn cảnh thương vụ nhà Glazer bán Man Utd: Tiếng thét từ cõi lòng Quỷ đỏ - 20

Năm 1989, doanh nhân Michael Knighton ra giá 20 triệu bảng để mua lại Man Utd. Vào thời điểm đó, đây là số tiền chưa từng thấy trong lịch sử bóng đá Anh. Ban lãnh đạo Man Utd vội vã nhận lời. Nhưng rốt cuộc thương vụ đổ bể, một phần nguyên nhân đến từ nỗi hoài nghi tâm lý bất thường của Knighton, người khăng khăng đòi ra mắt người hâm mộ bằng màn tâng bóng trong trang phục "Quỷ đỏ" như tân binh bom tấn.

Hơn 30 năm sau, nhà tài phiệt người Anh Jim Ratcliffe và tỷ phú Qatar Sheikh Jassim bin Hamad al-Thani đang chạy đua để mua lại đội chủ sân Old Trafford, với mức giá ước tính 5,5 tỷ bảng (6 tỷ USD), số tiền sẽ là kỷ lục vô tiền khoáng hậu cho một thương vụ mua bán CLB thể thao.

Tuy nhiên, ngoại trừ giá trị CLB tăng 275 lần, không nhiều thay đổi kể từ thời Knighton: các nhà tài phiệt vẫn bị hấp dẫn bởi các đội bóng, nhưng động cơ luôn bị hiểu nhầm, đôi khi bởi chính những nhân vật giàu có ấy.

Thực tế chứng minh, các doanh nhân đầu tư vào bóng đá ít lý trí hơn hình dung. Những tỷ phú luôn tin họ có thể "điều hành CLB như một doanh nghiệp". Ông ta sẽ sử dụng tài nghệ kinh doanh xuất chúng của bản thân để thu lời và chinh phục danh hiệu. Ảo tưởng này đang kéo ngày càng nhiều doanh nhân người Mỹ đến với bóng đá.

Toàn cảnh thương vụ nhà Glazer bán Man Utd: Tiếng thét từ cõi lòng Quỷ đỏ - 22

Điều đáng tiếc, kỳ vọng "điều hành CLB bóng đá như doanh nghiệp" không bao giờ thành hiện thực. Các CLB lớn hiếm hoi tại Anh thu được lợi nhuận cao một cách ổn định là Man Utd, Arsenal và Tottenham. Những đội bóng này kiếm được nhiều lợi nhuận vì hai lý do: thứ nhất, các CLB này vốn dĩ giàu truyền thống nên sở hữu lượng CĐV đông đảo và thứ hai, họ khiến người hâm mộ thất vọng vì không thể tranh đua chức vô địch.

Nghịch lý trớ trêu của bóng đá là để chinh phục danh hiệu, đội bóng phải chi ra số tiền lớn để chiêu mộ những HLV và cầu thủ xuất sắc nhất. Những đội bóng giàu tham vọng chuyên môn như thế, chẳng hạn Chelsea dưới thời Roman Abramovich, thường gặp khó khăn về tài chính. Real Madrid hay Barcelona lại theo kiểu hoạt động phi lợi nhuận. Hầu hết ông chủ các đội bóng sớm nhận ra chỉ có thể chọn một trong hai con đường, hoặc lợi nhuận, hoặc danh hiệu, đa số không thể giành được cả hai.

Ratcliffe quá hiểu điều này. Ông xây dựng cả đế chế Ineos trong ngành hóa chất, nhưng không đội thể thao nào của vị tỷ phú này, bao gồm Lausanne và Nice trong bóng đá, Ineos Britannia đua thuyền, Ineos Grenadiers xe đạp, đạt được thành công đáng kể. Các nhà đầu tư người Mỹ, đại diện bởi Todd Boehly đã mua lại Chelsea và đầu tư hơn 600 triệu bảng vào thị trường chuyển nhượng chỉ trong vòng một năm qua, chỉ khiến tình hình đội bóng bi đát hơn.

Tony Fernandes, người sáng lập hãng hàng không AirAsia cũng thất bại thảm hại khi đầu tư vào bóng đá thông qua CLB Queens Park Rangers (QPR). Vị tỷ phú gốc Malaysia này đúc rút: "Có hai điều khác với AirAsia. Một là tôi có thể kiểm soát mọi thứ ở AirAsia. Bạn có thể làm bất cứ thứ gì bạn muốn trong bóng đá, còn kết quả cuối cùng phụ thuộc vào 11 cầu thủ trên sân, đúng chưa?

Toàn cảnh thương vụ nhà Glazer bán Man Utd: Tiếng thét từ cõi lòng Quỷ đỏ - 24

Thứ hai, các CLB có nhóm cổ đông đầy quyền lực được gọi là cổ động viên. Bất kỳ ai cũng có quyền nêu ý kiến. Khi bạn thua trận, mọi kế hoạch bị ném vào sọt rác. Sự phấn khích khi giành chiến thắng một trận đấu bóng đá là điều không thể tin được. Nhưng nhược điểm là khi thua, bạn chỉ muốn tự vẫn".

Các tỷ phủ đến từ Trung Đông mua lại CLB bóng đá vì mục đích khác. Chẳng hạn Quỹ đầu tư công Saudi Arabia mua Newcastle United với tầm nhìn xây dựng quyền lực mềm, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ cho đất nước.

Tương tự, việc đăng cai World Cup không giúp Qatar thu về tiền bạc nhưng đem lại cho quốc gia này giá trị về hình ảnh. Tổng quát hơn, hầu hết các nhà đầu tư không bận tâm lắm về lợi nhuận hàng năm.

Một số vị tỷ phú không thừa nhận điều này, kể cả với chính bản thân, song những gì họ khao khát là vị thế và niềm vui. Điều kỳ quặc là khi đã chán ngấy bóng đá và rao bán CLB, các nhà tài phiệt vẫn kiếm được tiền, rất nhiều tiền.

Các đội bóng vô hình trung chẳng khác nhiều bức tranh của các đại danh họa được treo trong dinh thự các tỷ phú. Thứ tài sản ấy không mang lại lợi nhuận hàng năm, nhưng luôn tăng giá trị theo thời gian. Hơn hết, khi đem khoe với các vị tỷ phú khác, các vị này lại ghen tỵ và cố công mua bằng được kiệt tác tương tự.

Vòng xoáy ấy gợi nên sự lo lắng cho thân phận các CLB trong thời đại kim tiền, tương tự như tác phẩm "Tiếng Thét" (Skrik) của danh họa Na Uy Edvard Munch, người tự nhận "tác phẩm được vẽ bởi kẻ điên" cho dù một trong 4 phiên bản của tác phẩm được bán với giá 120 triệu USD.

Nội dung: Khải Hưng

Thiết kế: Đỗ Diệp

23/06/2023

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Toàn cảnh thương vụ nhà Glazer bán Man Utd: Tiếng thét từ cõi lòng 'Quỷ đỏ'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO