Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã từ trần ở tuổi 86. Cuộc đời hoạt động của ông trải qua nhiều cương vị, nhưng gắn bó nhiều nhất với ngành Ngoại giao.
Từ cuối năm 1954, ông được cử sang Liên Xô học tiếng Nga, học 9 tháng thì được điều ra Đại sứ quán làm phiên dịch. Đến năm 1956, ông tham gia vào ngành Ngoại giao, khởi đầu từ vị trí phiên dịch và sau đó lần lượt đảm nhiệm các vị trí công tác quan trọng trong ngành.
Đầu năm 2000, khi đang giữ chức Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao thì ông được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thương mại, sau đó đảm nhiệm cương vị Phó thủ tướng Chính phủ (phụ trách nhiều lĩnh vực bao gồm công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước). Như vậy nếu tính từ năm 1956 đến năm 2000 thì ông Vũ Khoan đã công tác liên tục trong ngành Ngoại giao 46 năm.
Rất nhiều cán bộ ngoại giao qua các thế hệ đã bày tỏ cảm xúc, viết về ông với sự trân trọng, cảm phục cao nhất và những tình cảm chân thành nhất: Một cây đại thụ, một cán bộ lãnh đạo xuất chúng, một người thực sự đã cống hiến cả cuộc đời mình cho ngành Ngoại giao nói riêng và cho sự phát triển của đất nước nói chung.
Đại sứ Nguyễn Đức Hùng - một nhà ngoại giao kỳ cựu, đã chia sẻ rằng: "Cuộc đời và sự nghiệp của nhà ngoại giao tài ba Vũ Khoan đã giúp "mở mắt" cho các thế hệ cán bộ trong ngành những bài học vô giá về phẩm chất ngoại giao cần phải có, về sự nỗ lực tự học suốt đời và hơn hết là về phẩm giá trong sáng của một con người".
"Ông thường nhắc chúng tôi muốn nắm được những vấn đề cốt tủy và sự vận động của các mối quan hệ quốc tế cần trước hết phải hiểu được các nước lớn. Hiểu được một nước lớn đã khó, hiểu được các nước lớn thì quả là một bài toán cực khó. Song ông đã là một tấm gương không mệt mỏi chinh phục được những thách thức tự đặt ra cho mình.
Ông là con người của trao đổi luận bàn để tìm ra lẽ phải, tìm ra chân lý. Với tư duy sắc sảo, ông thường kiến giải những vấn đề khô khan, phức tạp một cách giản dị dễ hiểu và có sức thuyết phục…" - những nhận xét này của Đại sứ Nguyễn Đức Hùng đã nói thay suy nghĩ của tôi và chắc là cũng của rất nhiều cán bộ Ngoại giao khác có may mắn làm việc cùng ông Vũ Khoan.
46 năm công tác trong ngành Ngoại giao và sau này là lãnh đạo Bộ Thương mại, Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Vũ Khoan đã có đóng góp rất lớn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước; đặc biệt là trực tiếp tham gia vào việc phá thế bao vây cấm vận cho đất nước những năm 80 thế kỷ trước, rồi bình thường hóa quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ và sự nghiệp hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Ngay cả khi ông đã nghỉ hưu, ông vẫn tích cực đóng góp vào việc xây dựng chiến lược đối ngoại Việt Nam thời kỳ mới, và vào việc đào tạo cán bộ làm công tác đối ngoại không chỉ cho Bộ Ngoại giao mà cho các bộ Quốc phòng, Công an và các bộ ngành, địa phương trong cả nước.
Với cá nhân tôi, tôi luôn cảm thấy may mắn và tự hào khi được ông chọn làm thư ký riêng trong vài năm sau khi tôi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của mình tại Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc và về nước.
Là thư ký, giúp việc cho ông chẳng biết được bao nhiêu, nhưng học được ở ông thì rất nhiều, từ tư duy, phương pháp nghiên cứu, cách xử lý tình huống, cách trình bày vấn đề, viết bài …, và quan trọng hơn nữa là nhân cách sống đàng hoàng, chính trực.
Ông đọc rất nhiều và rất nhanh. Nhiều anh chị cán bộ ngoại giao đi làm Đại sứ ở các nước biết sở thích đọc và nghiên cứu của ông nên thấy cuốn sách hay nào lại đặt mua gửi về biếu ông. Được một cuốn sách hay, ông mừng lắm.
Có lần đi công tác nước ngoài về, ông gọi tôi vào phòng đưa cho tôi một cái séc trắng trị giá 5.000 USD do một tổ chức nước ngoài trả thù lao cho ông, nhưng họ "tế nhị" để trống tên người nhận. 5000 USD vào thời điểm giữa những năm 90 của thế kỷ trước là số tiền lớn, khi lương của ông lúc đó chắc cũng chỉ loanh quanh 100 USD/tháng. Ông dặn: "Cháu chuyển cái séc này cho Vụ Quản trị tài vụ để sung công quỹ nhé". Cẩn thận, tôi hỏi lại: "Thưa chú, sung công quỹ toàn bộ số tiền này ạ". Ông nói luôn: "Đúng rồi, số tiền lớn thế cơ mà"!
Tôi thích nhất là những tấm ảnh mà người bạn đời của ông, cô Hồ Thể Lan chụp lén, những lúc ông đang miệt mài trên bàn làm việc, các ngón tay mổ cò trên chiếc máy tính, đầu tóc bạc phơ, sức khỏe đã kém đi rất nhiều nhưng vẫn chẳng chịu nghỉ ngơi.
Có lần tôi thắc mắc với ông: "Thế chú nghỉ lúc nào?". Ông đáp: "Lúc viết chính là lúc tớ đang nghỉ ngơi". Thật là chẳng giống ai!
Xin vĩnh biệt người Thủ trưởng đáng kính của tôi và của ngành Ngoại giao Việt nam trong nhiều thập kỷ qua.
Tác giả: Ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Ông từng là Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ (2011 - 2014), tại Nhật Bản (2015-2018).