Ngày 25/8, trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam (VPA) xác nhận thông tin trên và cho biết, công ty đảm bảo giữ nguyên quyền lợi của toàn bộ khách hàng đã nộp tiền hồ sơ, tiền đặt trước đăng ký tham gia đấu giá trực tuyến biển số xe ô tô.
Sau khi xảy ra sự cố hôm 22/8, phía công ty đã và đang liên hệ đến các khách hàng để giải quyết khoản tiền hồ sơ, tiền đặt trước của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật và quy chế đấu giá đã ban hành.
Giải đáp thắc mắc về việc người dân có được tiếp tục đặt cọc và tham gia đấu giá đối với 11 biển số ô tô "siêu đẹp" chưa tổ chức đấu giá được vào ngày 22/8, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam cho biết, hiện đã hết thời hạn nộp tiền đặt trước nên không phát sinh thêm khách hàng đăng ký tham gia.
"Đối với các biển số còn lại (trừ 11 biển số nêu trên), các khách hàng có nhu cầu tham gia đấu giá có thể tiếp tục nộp tiền hồ sơ, tiền đặt trước cho đến trước thời điểm tổ chức đấu giá 3 ngày", đại diện Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam nói.
Theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam không được sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác. Do đó phía công ty cho biết không phát sinh khoản tiền lãi từ số tiền đặt trước của khách hàng tại ngân hàng.
"Hoạt động này có sự giám sát của đơn vị có tài sản là Cục Cảnh sát Giao thông", vị đại diện công ty nói thêm.
Như Dân trí đã đưa tin, sáng 22/8, khi bắt đầu phiên đấu giá đầu tiên loạt biển số ô tô "siêu đẹp", trang web của Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam (VPA) - đơn vị tổ chức đấu giá - đã lập tức bị "sập" và không thể truy cập được.
Ban đầu, nhiều người khi truy cập vào trang web đấu giá nhận được thông báo "Hệ thống đang quá tải" hoặc "Chưa đến thời gian đấu giá", mặc dù đã quá thời điểm mở cửa phiên đấu giá.
Sau đó, người dùng đăng nhập lại thì nhận được thông báo "Các cuộc đấu giá biển số ngày 22/8 tạm dừng vì lý do kỹ thuật".