Hậu quả của một trận pháo kích ở Klimovo, vùng Bryansk (Ukraine). (Nguồn: RT) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga tăng cường tấn công tên lửa vào Kiev để đáp trả các cuộc tấn công của Ukraine
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov ngày 15/4 cho biết, Nga sẽ tăng số lượng và phạm vi các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các địa điểm ở Kiev để đáp trả bất kỳ cuộc tấn công hoặc hành động phá hoại nào trên lãnh thổ của mình.
Ông Konashenkov cũng thông tin rằng, trong đêm, tên lửa Kalibr đã tấn công một cơ sở quân sự ở ngoại ô Kiev, phá hủy các xưởng sản xuất và sửa chữa hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa và tầm trung cũng như tên lửa chống hạm của Ukraine.
Ông Konashenkov khẳng định, các lực lượng Nga sẽ tấn công các trung tâm ra quyết định, bao gồm cả ở Kiev, nếu quân đội Ukraine tiếp tục cố gắng thực hiện các hành động phá hoại và tấn công trên đất Nga.
Trước đó, ngày 14/4, các quan chức Nga cáo buộc rằng máy bay trực thăng của Ukraine đã “xâm nhập trái phép vào không phận của Liên bang Nga", bắn trúng các tòa nhà dân và làm bị thương 7 người ở vùng Bryansk.
Sau đó vài tiếng, phía Ukraine bị cáo buộc đã pháo kích vào một vài ngôi làng thuộc vùng Belgorod. (TASS)
Tổng thống Nga chưa bao giờ từ chối gặp người đồng cấp Ukraine
Ngày 14/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Putin "chưa bao giờ từ chối" gặp người đồng cấp Ukraine Zelensky, nhưng trước tiên hai nước cần thống nhất một văn bản thỏa thuận.
"Chúng tôi đã nói về cuộc gặp này. Về nguyên tắc, tổng thống (Nga) chưa bao giờ từ chối, nhưng có một số điều kiện nhất định phải được sắp xếp trước khi có cuộc gặp này, trong đó phải kể tới một văn bản”, TASS dẫn lời ông Peskov.
Nga cho rằng Belarus là “địa điểm tuyệt vời” để tổ chức đàm phán với Ukraine, nhưng ông Peskov nói cần tham vấn cả ý kiến của Kiev trong vấn đề này.
Nga cảnh báo hậu quả nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO
Ngày 15/4, Bộ Ngoại giao Nga đã cảnh báo về "hậu quả" khôn lường nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova nói: "Sự lựa chọn là tùy thuộc vào các nhà chức trách của Thụy Điển và Phần Lan. Nhưng họ nên biết về hậu quả của một bước đi như vậy đối với quan hệ song phương của chúng ta và đối với cấu trúc của nền an ninh châu Âu nói chung". (TASS)
Ukraine và Nga trao đổi tù binh
Ukraine ngày 15/4 cho biết đã trao đổi một số binh sĩ bị bắt giữ với Nga tại tỉnh Kherson, miền Nam Ukraine.
Bộ Quốc phòng Ukrfaine nêu rõ: "Sau các cuộc đàm phán căng thẳng, chúng tôi đã đạt thỏa thuận về trao đổi tù binh gần làng Posad-Pokrovskoye, theo đó 4 binh sĩ Nga đổi lấy 5 binh sĩ Ukraine".
Trước đó, ngày 14/4, Ukraine thông báo đạt được một thỏa thuận mới với Nga về trao đổi tù nhân. Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết, tổng cộng 30 người phía Ukraine được trao đổi đợt này. Đây là đợt trao đổi tù nhân thứ 4 giữa hai bên kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2 vừa qua. (Ukrinform)
Tuyên bố thời điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi
Ngày 15/4, Phó chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Andrey Klimov cho biết Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai theo kế hoạch sẽ diễn ra trong tháng 11 tới.
Phát biểu với phóng viên, ông Klimov nói: "Chúng tôi đã lên kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh (Nga - châu Phi) tiếp theo vào tháng 11/2022. Chúng tôi hy vọng rằng kế hoạch này sẽ không thay đổi".
Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi đầu tiên diễn ra từ ngày 23-24/10/2019 tại thành phố nghỉ dưỡng Sochi của Nga, do Ai Cập đồng chủ trì. (Sputnik)
Tổng thống Mỹ nói sẵn sàng đến Ukraine, nhưng khó có thể xảy ra
Ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông sẵn sàng tới Ukraine và xác nhận chính quyền đang cân nhắc về việc cử một quan chức cấp cao đến Kiev.
Khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng tới Ukraine hay không, Tổng thống Biden trả lời: “Có”.
Tuy nhiên, cùng ngày, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định Tổng thống Mỹ sẽ không tới thăm Ukraine.
Trước đó, truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền Tổng thống Biden đang cân nhắc cử một quan chức cấp cao tới Ukraine để tiến hành cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Trong số các lựa chọn có Tổng thống Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken hoặc Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. (Reuters)
Mỹ nêu điều kiện nới lỏng trừng phạt Nga
Ngày 14/4, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết nước này sẵn sàng cân nhắc việc rút lại một số biện pháp trừng phạt Nga nếu Nga và Ukraine đạt được một thỏa thuận.
Cụ thể, ông Sullivan nhấn mạnh: "Đó không phải là một kết luận hiển nhiên. Phần lớn điều này phụ thuộc vào hình thức và phạm vi của thỏa thuận ngoại giao (giữa Nga và Ukraine)… và phụ thuộc vào những gì phía Ukraine tham vấn với chúng tôi và châu Âu để đi đến thỏa thuận đó.
Bạn biết đấy, chúng tôi sẽ không vượt mặt Ukraine để nới lỏng trừng Nga. Nhưng nếu một số biện pháp nới lỏng trừng phạt được xây dựng dựa trên một giải pháp ngoại giao đáng tin cậy nào đó, do Ukraine dẫn đầu, thì đó là điều mà chúng tôi sẽ sẵn lòng thảo luận". (TASS)
EU cấm hoàn toàn xuất khẩu vũ khí sang Nga
Hãng Reuters dẫn một số nguồn thạo tin rằng Liên minh châu Âu (EU) đã xóa bỏ điều khoản miễn trừ lệnh trừng phạt vốn cho phép các nhà sản xuất vũ khí EU giao dịch với Nga. Động thái này được đưa ra sau lời kêu gọi của Ba Lan và các nước Baltic.
Brussels đã cấm xuất khẩu vũ khí và đạn dược sang Moscow sau sự kiện bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga vào tháng 7/2014. Tuy nhiên, một điều khoản trong lệnh cấm này vẫn cho phép việc mua bán được thực hiện theo những hợp đồng đã ký trước tháng 8/2014.
Tổng thống Pháp nêu lý do vì sao tránh sử dụng thuật ngữ ‘diệt chủng’
Ngày 14/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky và nói lý do tại sao ông phản đối việc sử dụng từ “diệt chủng” liên quan đến các sự kiện ở Ukraine.
Tổng thống Pháp cho biết các luật sư, không phải chính trị gia, mới là những người xác định xem thuật ngữ “diệt chủng” có phù hợp hay không.
Trả lời trên sóng radio France Bleu, ông Macron nói: “Nếu đó là tội diệt chủng thì các quốc gia nghĩ như vậy phải can thiệp vào tình hình theo các công ước quốc tế". Tôi không nghĩ mọi người muốn điều đó."
Đồng thời, ông cũng nói rằng sử dụng từ “diệt chủng” một phần sẽ giúp đỡ tình hình, nhưng cũng khiến mọi chuyện leo thang bởi cách sử dụng những từ ngữ không có ý nghĩa.
Tổng thống đắc cử Hàn Quốc tiết lộ chính sách đối ngoại
Trả lời phỏng vấn với tờ Washington Post, Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol khẳng định nước này sẽ mở rộng các nỗ lực ngoại giao dựa trên một liên minh Mỹ-Hàn mạnh mẽ hơn.
Ông Yoon cũng cho biết sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với Nhật Bản, đồng thời đánh giá mối quan hệ hiện nay với Tokyo là “gót chân Achilles” của hợp tác ba bên giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
Theo ông, Hàn Quốc không nên chỉ tập trung vào quan hệ với Triều Tiên, mà cần mở rộng phạm vi ngoại giao với Liên minh châu Âu và các quốc gia trên khắp châu Á, với nền tảng là mối quan hệ Mỹ-Hàn.
Bên cạnh đó, Tổng thống đắc cử Hàn Quốc cũng cho biết, chính quyền của ông sẽ tham gia vào các hoạt động kinh tế mạnh hơn trên phạm vi toàn cầu, tương xứng với vị trí là một trong 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới. (Yonhap)
Hàn Quốc quyết định gia nhập CPTPP
Các quan chức Hàn Quốc cho biết kế hoạch tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được thông qua tại cuộc họp giữa các bộ trưởng liên quan đến vấn đề kinh tế trong ngày 15/4 và chính phủ sẽ nộp đơn chính thức xin gia nhập sau khi hoàn tất các thủ tục trong nước, bao gồm cả báo cáo lên Quốc hội.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết có kế hoạch đệ trình đơn đăng ký gia nhập CPTPP trước khi nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Moon Jae-in kết thúc vào ngày 9/5.
Chính phủ mới đắc cử của Tổng thống Yoon Suk-yeol dự kiến sẽ tiến hành các cuộc đàm phán để trở thành thành viên của CPTPP, dự kiến sẽ mất ít nhất một năm.
Theo ước tính của Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc, việc gia nhập CPTPP sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư cho Hàn Quốc, làm tăng tổng sản phẩm quốc nội của nước này thêm từ 0,33-0,35%. (Yonhap)
Trung Quốc tức giận vì chuyến thăm Đài Loan của các nghị sĩ Mỹ
Ngày 14/4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ việc 6 nghị sĩ Mỹ đang ở thăm vùng lãnh thổ Đài Loan.
Trong một phát biểu, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cho rằng chuyến thăm Đài Loan của các nghị sĩ Mỹ “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc và các quy định của ba Tuyên bố chung Trung-Mỹ”.
Người phát ngôn này cảnh báo, phía Trung Quốc sẽ tiếp tục “có các biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình”.
Trong một diễn biến liên quan, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin quân đội nước này đã tiến hành các cuộc tập trận ở vùng biển xung quanh Đài Loan trong ngày 15/4.
Theo người phát ngôn của Bộ Tư lệnh quân khu miền Đông Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, các cuộc tập trận nhằm phản ứng trước “những tín hiệu sai” về Đài Loan mà Mỹ đã gửi đi. (Reuters/THX)