The God of Ramen (2013) của đạo diễn Takashi Innami là một bộ phim tài liệu ẩm thực về đầu bếp Kazuo Yamagishi - người được mệnh danh là huyền thoại trong giới Ramen của Nhật và tiệm mì Taishoken của ông nằm ở quận Ikebukuro của thành phố Tokyo, Nhật Bản.
Bộ phim là hành trình chứa đầy cay đắng - ngọt bùi kéo dài hơn 10 năm, từ năm 2001 đến 2012, dõi theo sự suy tàn của sức khỏe ông Yamagishi lẫn tình hình kinh doanh của tiệm Taishoken nguyên bản.
![]() |
Bức ảnh cuối Yamagishi chụp cùng các học trò trước tiệm Taishoken nguyên bản vào ngày mở bán cuối cùng. Nguồn ảnh: Fuji Television Network |
Nguyên liệu cuộc đời
Câu chuyện của The God of Ramen bắt đầu vào năm 2001. Lúc bấy giờ, ông chủ tiệm Yamagishi đang ở tuổi 67, cơ thể của ông vẫn đủ khả năng dậy sớm vào lúc 4h sáng để nấu mì mỗi ngày, và tiệm mì Taishoken chật hẹp chỉ có 16 chỗ ngồi của ông vẫn giữ được phong độ và danh tiếng lẫy lừng như nó vốn có từ trước.
Hơn 200 tô mì được bán ra mỗi ngày chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ sau khi mở cửa, một hàng dài thực khách không ngại đứng đợi nhiều tiếng đồng hồ để thưởng thức tô mì do chính tay vị đầu bếp bậc thầy này nấu. Một vị khách quen lâu năm khi được hỏi vì sao món mì tại Taikoshen lại ngon đến như vậy, đã không ngần ngại trả lời: “Ông ấy như một tín ngưỡng. Nếu ông ấy nói nó ngon thì chúng tôi tin là nó ngon”.
![]() |
“Vị thần Ramen” Kazuo Yamagishi (1934-2015) - chủ tiệm Ramen Taishoken nguyên bản trứ danh và người sáng tạo ra món Tsukemen |
Dù tựa đề tiếng Anh của phim là The God of Ramen (Vị thần Ramen), nhưng tựa đề gốc của Nhật khi dịch ra lại có nghĩa là “Thứ quan trọng hơn cả mì ramen”. Khi đọc tiêu đề này, ý niệm của người xem bộ phim có thể thay đổi hoàn toàn. Thay vì mong đợi một câu chuyện về cuộc hành trình của ông Yamagishi trên con đường đạt lấy danh hiệu “Vị thần Ramen”, ta lại hiểu rõ hơn chủ đích của đạo diễn Innami trong bộ phim tài liệu kinh điển này, đó là đi tìm những nguyên liệu trong cuộc đời của ông Yamagishi khiến món mì của ông đặc biệt đến vậy.
Bộ phim tài liệu này không tập trung sâu vào tài năng nấu nướng của ông Yamagishi và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của ông đến nền Ramen Nhật như thế nào. Thay vào đó, nó đi tìm câu trả lời cho những khúc mắc về cuộc đời cá nhân của ông và nỗi buồn ông luôn giấu kín trong lòng. Tôi nghĩ hướng đi này là một điều quan trọng, bởi vì đối với một người được xem là huyền thoại trong nền ẩm thực Nhật như ông Yamagishi, hiển nhiên đã có nhiều bài viết và phóng sự nói về hành trình ẩm thực của ông, hay cụ thể hơn là món mì Ramen nhúng Tsukemen do chính ông sáng tạo nên. Một bộ phim tài liệu như The God of Ramen lại có thể giúp người ta hiểu hơn về trái tim, nỗi đau và linh hồn đằng sau những tô mì Ramen trứ danh đó. Nó giúp ta biết được ông Yamagishi là ai bên ngoài tiệm mì nhỏ của mình.
Xương gà, xương và chân heo, gừng, cà rốt, tỏi, hành tây được nấu cùng với cá mòi và cá thu khô để tạo thêm gia vị truyền thống Nhật Bản - những nguyên liệu chính tạo nên nước dùng đặc trưng của Taishoken, nhưng ông chủ không xem nó là bí mật mà thoải mái chia sẻ nó với những học viên và khán giả của bộ phim. Dẫu vậy, không có người đệ tử nào có thể nấu ra được chính xác hương vị của nước dùng do chính thầy của họ nấu.
Mì cũng chỉ là một món ăn dù cho nó được nấu theo công thức gia truyền. Thứ linh hồn của nó nằm ở người nấu và giá trị mà người đó đại diện. Một vị khách quen chỉ ra sự khác nhau giữa mì do ông nấu và học viên của ông nấu: “Điều tạo nên sự khác biệt là có ông ấy ở đó hay không. Nếu có ông ấy, khách hàng sẽ tin là nó ngon. Sự khác biệt giữa ông chủ và học trò của ông ấy giống như thiên đường với mặt đất”.
Hương vị ký ức
Đối với ông Yamagishi, ký ức tươi đẹp về tình yêu dành cho người vợ quá cố, chốn quê hương nơi ông không dám một lần trở về kể từ khi vợ ông qua đời, và niềm đam mê trân quý với nghề, có thể là những thứ còn quan trọng hơn cả mì Ramen, và cũng chính là nguyên liệu không thể thiếu khiến món mì của ông trở thành huyền thoại.
Được tôn là vị thần Ramen, nhưng ông Yamagishi vẫn chỉ là một người trần mắt thịt. Ông đánh đổi sức khỏe của mình để gắn bó với căn bếp. Rồi chuyện gì tới cũng sẽ tới. Ta dần biết được sức khỏe của ông ngày càng suy giảm do tuổi già và sau 40 năm làm việc quần quật với tiệm mì. Bác sĩ thông báo rằng ông Yamagishi bị thoái hóa khớp ngón tay và xẹp đĩa đệm phần đầu gối. Nếu không làm phẫu thuật hay giảm bớt cường độ công việc, ông sẽ dần mất khả năng đi đứng trong vòng một năm. Bộ phim khắc họa sự nghiệp ở độ tuổi xế chiều của ông, và cách ông chấp nhận với thực tế khắc nghiệt rằng cuộc đời làm mì Ramen của ông dần đi vào hồi kết.
Một bộ phim tài liệu được sản xuất trong vòng hơn 10 năm, chất lượng hình ảnh cũng dần được cải thiện rõ rệt giữa phần lớn thời lượng phim và nhất là 15 phút cuối cùng của phim. Đến từ việc nâng cấp máy quay, đi từ những đoạn phim mờ nhòe có tỉ lệ khung hình 4:3 cho đến tỉ lệ 16:9 với định dạng HD. Những phân cảnh được quay từ năm 2001 cho đến 2007 mang chất lượng kém và rung lắc của những chiếc máy quay cầm tay thời kỳ đầu. Lối quay phim này kết hợp với những tấm ảnh trắng đen hồi nhân vật chính còn trẻ và giọng dẫn đem lại cảm giác The God of Ramen như là một phóng sự được làm để phát sóng lên kênh truyền hình địa phương hơn là một bộ phim tài liệu.
Điều này tạo ra một cảm giác giản dị và gần gũi trong việc tiếp cận câu chuyện cá nhân của cuộc đời bậc thầy Ramen Yamagishi thay vì lối quay phim hào nhoáng và tỉ mỉ trong những bộ phim tài liệu ẩm thực khác, đơn cử như Jiro Dreams of Sushi của đạo diễn David Gelb.
Câu chuyện của ông Yamagishi đầy cảm động và có phần buồn bã, nhưng cảm giác xúc động của khán giả đôi lúc cũng đến từ sự thao túng cảm xúc của đạo diễn Innami qua việc sử dụng nhạc nền da diết lồng vào những phân cảnh của bậc thầy Ramen trong tình cảnh già cả và yếu ớt đi nhiều.
The God of Ramen là một bộ phim tài liệu chân thật, đầy xúc cảm và mang đậm nét buồn bã dành cho mọi người, dù đó có là một tín đồ Ramen hay thậm chí là một người chưa từng ăn món mì Nhật Bản này như tôi, để đi vào thế giới riêng tư chứa chan đầy tình yêu và nỗi buồn mất mát của một huyền thoại Ramen Kazuo Yamagishi.
The God of Ramen đang được trình chiếu trực tuyến miễn phí trên trang web của LHP Nhật Bản JFF - một nền tảng đến từ Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (The Japan Foundation). Năm nay, sự kiện chiếu phim này kéo dài từ ngày 1/2 đến ngày 1/5/2025 với tổng cộng 27 bộ phim thuộc nhiều thể loại được phát hành miễn phí đến người yêu điện ảnh toàn cầu.