Ngày 22/9/2001, Richard Colvin Reid, một thành viên của tổ chức khủng bố Al-Qaeda, đã giấu một lượng thuốc nổ này trong giầy của hắn và đưa lên một chuyến bay dân sự, rất may là âm mưu khủng bố này đã bị ngăn chặn trước khi hắn kịp thực hiện. Thuốc nổ dẻo C-4, thứ thuốc nổ có mặt trong những cuộc khủng bố nói trên, cũng được sử dụng trong các cuộc đánh bom liều chết được nhắc đến rất nhiều trên báo, đài trong thời gian qua.
Khoảng 20 năm trước đây, rất ít người biết đến cái tên C-4, nhưng với sức mạnh của nó, thuốc nổ dẻo C-4 đã dần trở nên phổ biến. C-4 vốn được sản xuất cho mục đích quân sự nhưng do khả năng dễ nhào nặn, dễ được đưa vào các vị trí chật hẹp nên thuốc nổ dẻo C-4 còn được sử dụng trong xây dựng nhằm mục đích phá hủy công trình, phá đá mở đường… Trong bài viết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về bản chất thứ chất nổ này.
1. Thuốc nổ và phản ứng nổ
Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu hiện tượng nổ là gì. Nổ là hiện tượng có thể xảy ra khi các chất bị đốt nóng hoặc phân hủy đột ngột tạo ra một lượng lớn nhiệt và trong một khoảng thời gian ngắn. Các loại vũ khí nổ như bom, đầu đạn… đều có cấu tạo cơ bản gồm có chất nổ, thiết bị kích nổ và vỏ bọc ngoài. Khi chất nổ bị kích hoạt bằng nhiệt hoặc xung động, hợp chất nổ xảy ra cả phản ứng phân hủy và phản ứng cháy. Các chất hóa học chứa rất nhiều năng lượng, đây là lực liên kết giữa các nguyên tử khác nhau trong cùng một phân tử của chất đó, khi phản ứng nổ bắt đầu xảy ra, phần lớn năng lượng này được giải phóng tạo ra một lượng nhiệt khổng lồ và giải phóng ra các chất khí. Các chất khí trong chất hóa học bị nén dưới áp lực lớn, do đó, khi hiện tượng nổ xảy ra, các chất khí này nở bung ra với vận tốc rất nhanh, nhiệt lượng được giải phóng kèm theo trong phản ứng nổ thậm chí còn tăng vận tốc của các chất khí này lên rất nhiều lần và tạo ra các sóng xung động.
Các loại thuốc nổ được coi là có sức công phá nhỏ như thuốc nổ đen ( thuốc súng) có sức công phá không lớn, lực của sóng xung động do thuốc súng tạo ra không đáng ngại. Khi thuốc súng cháy, lực tạo ra do phản ứng cháy chỉ đủ sức đẩy những vật thể nhỏ như đầu đạn mà thôi. Nhưng với các loại thuốc nổ mạnh như TNT hay C-4, sức công phá không chỉ ở lượng nhiệt khổng lồ mà còn do sự giải phóng đột ngột của các chất khí. Sức ép của vụ nổ có thể phá hủy các cấu trúc vững chắc và con người, do các loại thuốc nổ mạnh này tạo ra các đợt khí di chuyển nhanh hơn cả vận tốc âm thanh, tạo thành các đợt sóng xung kích có uy lực lớn. Thuốc nổ mạnh còn nguy hiểm hơn nữa do các đợt sóng xung kích có thể thổi bay các vật thể trên đường đi của nó với vận tốc lớn và làm chúng va đập vào cơ thể người hay các công trình với một lực lớn.
2. Thuốc nổ dẻo C-4 là gì?
Thuốc nổ dẻo C-4 có thành phần cấu tạo chủ yếu là Hexogen, hay còn gọi là RDX, có cấu tạo hóa học là C 3 H 6 N 6 O 6 , RDX chiếm đến 91% thành phần của C4. Ngoài ra trong thành phần của C-4 còn có polyisobutilen, chất nhờn (2-ethylhexyl) để làm dẻo hóa khối thuốc nổ C-4 và một lượng nhỏ xăng crep (xăng trộn với caosu chưa lưu hóa). Để tạo ra C-4, người ta đem trộn Hexogen với nước để thành một thứ hợp chất đặc sệt, sau đó họ cho chất kết dính polyisobutilen. Hợp chất này sau đó được đem vào máy trộn cùng với chất nhờn và xăng crep. Cuối cùng, người ta đem chưng cất sản phẩm để tách nước ra. Sản phẩm cuối cùng thu được là những khối C-4 khá ổn định, gần giống như sáp nến.
C-4 chỉ là một trong nhiều loại thuốc nổ dẻo, gọi chung là PBX. Các loại thuốc nổ dẻo được tạo ra nhằm dễ dàng thay đổi hướng của lực công kích do có thể nhào nặn, tạo hình khối thuốc nổ theo bất cứ hình dáng nào và nhất là để bảo vệ an toàn cho người sử dụng. Các phụ gia như chất nhờn làm dẻo di(2-ethylhexyl) và xăng crep khiến cho khối thuốc nổ C-4 trở nên kém nhạy hơn với các lực va đập cũng như nhiệt độ. Các khối thuốc nổ dẻo C4 có thể được đem đốt mà không gây hậu quả gì, chúng chỉ cháy từ từ như khi ta đốt gỗ, trên thực tế, trong chiến tranh ở Việt Nam, binh lính Mỹ đã đốt C-4 để tạo ra lửa không khói. Ngay cả khi dùng súng bắn thẳng vào C-4, nó cũng không hề phát nổ, chỉ với các kíp nổ chuyên dụng, bạn mới có thể kích hoạt khối chất nổ này.
Kíp nổ thực chất là thiết bị để tạo ra các vụ nổ rất nhỏ, đối với thuốc nổ dẻo như C-4, người ta thường sử dụng kíp nổ điện, những cú shock mạnh bằng điện sẽ kích hoạt khối chất nổ.
3. Sức mạnh
Khi phản ứng nổ xảy ra, C-4 giải phóng rất nhiều khí, đặc biệt là Ni-tơ và Cacbon Oxit, các chất khí này nở rộng ra với vận tốc khoảng 8km/s, tạo ra một lực cực lớn trong khoảng bao quanh nó. Với vận tốc như thế, việc chạy thoát khỏi một vụ nổ C-4 như trong phim ảnh là điều không thể thực hiện được. Một vụ nổ C-4 được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn đầu, các chất khí của vụ nổ bắn mạnh ra xung quanh tạo nên một vùng có áp suất thấp, sau đó, vùng áp suất thấp này lại bị các chất khí lao đến lấp đầy lại để cân bằng áp suất. Tuy nhiên, những giai đoạn của vụ nổ không thể quan sát được bằng mắt thường, chỉ sau 1 giây, những thứ trong phạm vi ảnh hưởng của vụ nổ sẽ bị phá hủy.
Một lượng nhỏ thuốc nổ C-4 cũng có thể tạo nên sức công phá lớn. Những khối thuốc nổ C-4 chỉ khoảng 500g cũng có thể phá hủy cả một chiếc xe tải. Những chuyên gia về thuốc nổ có thể tính toán và sử dụng thuốc nổ C-4 một cách hợp lý, ví dụ như để phá một dầm sắt vuông dày 20cm, họ có thể dùng khoảng 3,6 đến 4,5 kg thuốc nổ C-4.
4. Kết
Như đã nói ở trên, thuốc nổ dẻo C-4 được chế tạo vào mục đích quân sự nhưng cũng được sử dụng cho những mục đích dân sự như phá các công trình đã cũ, phá hầm, mở đường…Ngay trong các bộ phim, bạn có thể nhìn thấy hình ảnh những người lính sử dụng các khối thuốc nổ C-4 để phá hủy những bức tường kiên cố.
Tuy nhiên, thuốc nổ C-4 lại dễ dàng được buôn bán, hơn nữa, loại thuốc nổ này còn dễ vượt qua việc kiểm tra an ninh vì nó không bị phát hiện qua máy quét. Những lý do đó, cộng với khả năng sát thương cao, C-4 đã được các tổ chức khủng bố chú ý đến và sử dụng trong những năm gần đây. Chừng nào các quốc gia trên thế giới chưa kiểm soát chặt chẽ được thị trường chợ đen, cái tên C-4 chắc chắn sẽ còn được nhắc lại trong những bản báo cáo về khủng bố.
Nguồn: MXH