Anh Thịnh Nguyễn khá khó chịu khi trang TikTok cá nhân nhiều lần xuất hiện những video đua xe trái phép trên đường phố. Dù đã lướt qua ngay khi nhìn thấy, những video với nội dung tương tự vẫn nhiều lần hiển thị trở lại.
"TikTok của tôi thường chỉ xem đua xe chuyên nghiệp như MotoGP hay F1, không phải kiểu đua xe đường phố nguy hiểm như này. Tôi cần xem những video đua xe đúng nghĩa trên đường đua chứ không phải hình ảnh thanh niên đầu trần lạng lách trên đường", anh Thịnh Nguyễn nói.
Hàng trăm video đua xe đường phố, chạy quá tốc độ
Nhập trên thanh tìm kiếm với từ khóa "đua xe", TikTok trả về hàng loạt gợi ý như "đua xe đường phố", đua xe bị công an bắt", "đua xe Sài Gòn"... Chọn tìm kiếm với từ khóa "đua xe đường phố", hàng loạt video với nội dung đua xe trái phép hiện ra.
Những video đua xe trái phép nhận được nhiều tương tác từ người xem. |
Không đội mũ bảo hiểm, xe đã thay đổi kết cấu là điều dễ dàng nhận ra trong những video đua xe đường phố. Nhiều TikToker đăng tải video đua xe trái phép ngang nhiên ghi thêm địa điểm tổ chức những trận đua trái phép.
Video đua xe trái phép có lượt xem cao nhất trong những video Zing được đề xuất trên TikTok thuộc tài khoản của @ngtam100399. Video ghi lại hình ảnh thanh niên cầm lái một chiếc Yamaha Exciter 150 đã qua độ chế dừng xe giữa đường để thực hiện hành động đề-pa xuất phát. Video này đăng tải từ giữa tháng 2 và đã nhận được hơn 580.000 lượt xem.
Trang cá nhân của TikToker @ngtam100399 đăng tải gần 40 video, không ít trong số đó là video điều khiển xe đã thay đổi kết cấu trên đường công cộng, người chạy không đội mũ bảo hiểm...
Một tài khoản TikTok khác cũng đăng tải những video với nội dung đua xe trái phép, tuy nhiên TikTok chỉ dán nhãn cảnh báo "Việc tham gia hoạt động này có thể khiến bạn hoặc người khác bị thương".
Thử tìm kiếm từ khóa "Chạy tour", TikTok hiện từ khóa gợi ý đầu tiên là "Chạy tour bạo lực". Nhấn vào từ khóa này là hàng loạt video của nhiều TikToker đăng tải một nhóm 4-5 xe chạy quá tốc độ. Hầu hết tour "bạo lực" thường diễn ra vào ban đêm, thời điểm lượng xe lưu thông trên đường tương đối ít..
Không khó để bắt gặp hình ảnh đồng hồ tốc độ hiển thị con số trên 120 km/h trên đường phố Việt Nam trong những video xe máy trên TikTok, thậm chí là hơn 200 km/h. Tại Việt Nam, tốc độ tối đa xe máy được phép lưu thông là 70 km/h.
Điều khiển môtô ở làn đường dành cho ôtô trên Xa lộ Hà Nội. Ảnh: TikToker @legiahuy08. |
Ngoài những vấn đề trên, TikTok còn có hàng loạt video môtô chạy ở làn dành cho ôtô. "Test tốc độ môtô", H2 đề pa khủng cỡ nào"... là cách đặt tiêu đề thường thấy của những video thử tốc độ môtô trên đường phố. TikTok không có bất kỳ nhãn cảnh báo nào cho những video vi phạm luật pháp này.
Ảnh hưởng xấu đến sân chơi chuyên nghiệp
Dù Việt Nam đã có nhiều sân đua hợp pháp, không ít người vẫn lựa chọn đường phố là nơi để so kè tốc độ. Điều này khiến cho những vận động viên đua xe chuyên nghiệp gặp không ít ảnh hưởng khi nói đến nghề nghiệp của mình.
Anh Nguyễn Nhựt Linh, vận động viên đua môtô chuyên nghiệp thuộc đội NHUT LINH Racing, từng nhìn thấy cảnh nhóm đua xe trái phép chạy ngược chiều và đâm vào người đi bộ nên không có cảm tình với những người đua xe đường phố.
"Đua xe chuyên nghiệp được xã hội công nhận và an toàn hơn đua xe trái phép", vận động viên Nhựt Linh chia sẻ với Zing.
Đua xe chuyên nghiệp an toàn và được xã hội công nhận. |
Một vận động viên đua xe chuyên nghiệp khác giấu tên cho biết bản thân khi còn trẻ từng tham gia đua xe đường phố, tuy nhiên anh nhận ra sân chơi này quá nguy hiểm và bị xã hội chỉ trích nên đã từ bỏ chỉ sau vài lần tham gia. Hiện tại, vận động viên này đã chuyển sang đua hợp chuyên nghiệp trong đường đua với đầy đủ trang bị bảo hộ và quy định an toàn khắt khe.
"Việt Nam không thiếu đường đua để mọi người vào tập luyện và thể hiện kỹ năng. Cầm lái môtô chạy tốc độ cao ngoài đường vừa nguy hiểm, vừa ảnh hưởng đến những người chơi xe chân chính. Những chiếc môtô ngày nay dư sức đạt tốc độ trên 200 km/h, nhưng để làm chủ chiếc xe thì không phải ai cũng đủ khả năng", anh Tiến Nhân (Đồng Nai) chia sẻ.