Vĩnh viễn một tình yêu với hội họa
Được mệnh danh là "bậc thầy của tranh sơn dầu", họa sĩ Tô Ngọc Vân là người đầu tiên đặt nền móng chất liệu sơn dầu trong dòng chảy mỹ thuật Việt Nam cận đại.
Ngay từ khi còn là sinh viên trong trường mỹ thuật, ông đã sớm nghiên cứu kỹ lưỡng kỹ thuật sử dụng chất liệu sơn dầu và bắt đầu sáng tác những bản vẽ đầu tiên.
Thế nhưng, những tác phẩm của ông mãi đến năm 1940 mới được nhiều người biết tới qua những bức vẽ kết hợp hài hòa trong khuynh hướng "ánh sáng và màu sắc" pha trộn giữa nét cổ điển phương Đông và phong cách du nhập mới từ phương Tây.
Cả một đời, danh họa Tô Ngọc Vân chân thành với hội họa, tỉ mỉ từng nét vẽ sơn dầu. Ông được đánh giá là một họa sĩ có trái tim nhiệt huyết.
Báo Thanh Nghị số 87 ngày 12/10/1944 có bài viết: "Những vết sơn dầu sáng lạnh của họa sĩ Tô Ngọc Vân - nhà họa sĩ vĩnh viễn yêu đời. Màu sắc ở đây "ngoa ngoắt" như má hồng, răng đen, đuôi mắt bồ câu của cô gái quê sắc sảo. Dưới mắt ông ngỡ rằng một cảnh buồn có những nét tươi vui, chẳng thế mà cảnh vật u ám của ông vẫn rũ tan như những ngày trong sáng".
Năm 1954, họa sĩ Tô Ngọc Vân đến Điện Biên Phủ để vẽ ký họa các hình ảnh của người lính, nhân dân và các hoạt động quân sự trên chiến trường. Đang trong lúc trực tiếp thực hiện ký họa trên mặt trận, ông vô tình trúng vỏ đạn lạc và hy sinh khi còn dang dở bức vẽ trên đèo Lũng Cú - Điện Biên.
Phụ nữ Hà Nội xưa trong "Hai thiếu nữ và em bé"
Bức họa "Hai thiếu nữ và em bé" là một trong 59 tác phẩm của danh họa, liệt sĩ Tô Ngọc Vân được lưu trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội.
Đề cập về tiêu đề trong bức họa "Hai thiếu nữ và em bé" của cố họa sĩ Tô Ngọc Vân, nhà nghiên cứu và phê bình Nguyễn Hải Yến nhận định: "Khi nhìn bức tranh, chúng ta đặt tên là "Hai thiếu nữ và em bé" theo diễn tả của bức tranh thôi chứ cũng không hiểu được đến giờ tên gọi chính xác của bức tranh là gì, có thể là "Tâm tình, tâm sự chị em" chăng?".
Nhân vật chính trong bức tranh là hình ảnh hai chị em gái và một bé trai được làm nổi bật trên nền của những bông hoa phù dung đang phủ trắng trong mảng trời trước hiên nhà.
"Nhưng tất cả không gian nhà cửa mà hai chị em ngồi, cùng các bức tranh khác, tôi đều nhận thấy họa sĩ Tô Ngọc Vân đều dùng một cái hiên nhà để cho ánh sáng ngoài trời chiếu vào", nhà nghiên cứu và phê bình Nguyễn Hải Yến chia sẻ.
Bức vẽ khắc họa hình ảnh của người chị với dáng ngồi đoan chính, đĩnh đạc như đang muốn dạy bảo người em gái một điều gì đó. Và đối nghịch với tâm thế của người chị là hình ảnh cô em trong tâm trạng băn khoăn, muốn xin lời khuyên từ người chị.
Trong cảm nhận của bà Nguyễn Hải Yến, vấn đề làm cho cô em bồn chồn như vậy chính là câu chuyện tình yêu. Đặc biệt, bà còn thấy được chuyển động trong dáng ngồi của người em trong bức vẽ: "Dáng ngồi này cứ xê dịch dần và một lúc nào đó sẽ chạm đến chỗ cô chị. Tâm trạng chuyển động của cô em rất rõ ràng, đối lập với cái sự tĩnh tại, tĩnh tâm, đoan trang của chị cô".
Chia sẻ cảm nhận của mình về bức tranh "Hai thiếu nữ và em bé" của danh họa Tô Ngọc Vân, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: "Họa sĩ Tô Ngọc Vân đã "hóa thạch" vẻ đẹp của người phụ nữ Việt ở không gian ngoài hiên. Đó là điều ấn tượng mà con mắt nghệ thuật của ông khi chọn đúng không gian, khoảnh khắc để tôn lên vẻ đẹp của thiếu nữ thị thành".
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng không một ai có thể khắc họa lại được vẻ đẹp của người phụ nữ Việt trong thế kỷ 20 bằng cố họa sĩ Tô Ngọc Vân: "Một khi vẻ đẹp của một người phụ nữ Việt Nam được danh họa Tô Ngọc Vân "hóa thạch" thì mãi là dung nhan điển hình nhất cho vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt".