Trong bối cảnh còn nhiều tranh cãi về hiệu quả giảm tác hại thực sự của các sản phẩm thay thế thuốc lá điếu thì công cuộc nghiên cứu về các sản phẩm không khói vẫn đang có những chuyển động đáng kể trên toàn cầu.
Cai thuốc hay chuyển đổi sang các sản phẩm thay thế tiếp tục là câu hỏi lớn
Mới đây, Tạp chí Tim mạch châu Âu (European Heart Journal) công bố nghiên cứu cho thấy khi chuyển đổi hoàn toàn sang một trong các sản phẩm thuốc lá không khói hoặc cai hoàn toàn thuốc lá điếu sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc biến cố tim mạch sau khi thực hiện kỹ thuật can thiệp động mạch vành qua da (PCI).
Trên thực tế, khói thuốc là một yếu tố nguy cơ lớn gây ra bệnh tim mạch, bao gồm bệnh mạch vành. Nhưng đây lại là nhóm nguy cơ có thể thay đổi được, và việc cai hoàn toàn thuốc lá điếu đã được chứng minh là giúp cải thiện sức khỏe và giảm mạnh nguy cơ bệnh tật.
Tuy nhiên, vấn đề nan giải là bệnh nhân dù biết bệnh nhưng vẫn không cai thuốc hoặc không thể cai được.
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá liệu việc chuyển đổi sang sử dụng một trong các sản phẩm thuốc lá không khói để thay thuốc lá điếu liệu có tác động đến kết quả hậu phẫu PCI hay không, cụ thể là nguy cơ mắc “biến cố tim mạch bất lợi chính (MACE).”
Theo đó, nhóm đối tượng tham gia nghiên cứu được lấy từ cơ sở dữ liệu Bảo hiểm Y tế Quốc gia Hàn Quốc, gồm 17.973 người trưởng thành (từ 20 tuổi trở lên) hút thuốc lá điếu đã thực hiện thủ thuật PCI và đã hoàn thành sàng lọc sức khỏe trong vòng 3 năm trước và sau khi tiến hành PCI.
Kết quả cho thấy, trong số những người hút thuốc lá điếu đã thực hiện thủ thuật PCI để điều trị bệnh động mạch vành, việc cai thuốc lá điếu và chuyển đổi sang sử dụng một trong các sản phẩm thuốc không khói thay thế thuốc lá điếu, đều có mối tương quan với việc giảm nguy cơ mắc MACE.
Như vậy, nếu có đa dạng các liệu pháp hỗ trợ thì có thể giúp bệnh nhân ngừng sử dụng thuốc lá điếu để giúp cải thiện kết quả sức khỏe sau khi điều trị bằng thủ thuật PCI.
Thế giới đã “tận dụng” các nghiên cứu về sản phẩm không khói như thế nào?
Tại Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) ngày càng có nhiều công bố cho phép lưu hành và tiếp thị với chỉ định “Sản phẩm thuốc lá điều chỉnh mức độ nguy cơ – MRTP” đối với một số sản phẩm không khói trong hàng ngàn đơn xin cấp phép.
Mới đây nhất, cơ quan này vừa tái cấp phép một trong số các loại sản phẩm thuốc lá không khói là thuốc lá ngậm được công bố thông tin “giảm nguy cơ về các bệnh liên quan đến thuốc lá.”
Theo đó, song song với việc cấp phép kinh doanh, FDA còn cho phép sản phẩm thuốc lá ngậm này được mở rộng tiếp cận đến những người trưởng thành trên 21 tuổi (theo luật của Mỹ) hiện đang hút thuốc lá điếu, hoặc sử dụng các loại thuốc lá đốt cháy khác.
Cơ quan này kết luận rằng, việc tái gia hạn Chỉ định điều chỉnh mức độ nguy cơ cho thương hiệu thuốc lá ngậm này sẽ giúp giảm đáng kể tác hại và nguy cơ từ các bệnh liên quan đến việc sử dụng thuốc lá đối với cá nhân người sử dụng thuốc lá nói riêng và đem lại lợi ích cho sức khỏe của toàn thể cộng đồng nói chung.
Thực tế ở nhiều nước, các sản phẩm không khói thay thế cho thuốc lá điếu đang hỗ trợ rất nhiều cho việc thực hiện mục tiêu trở thành “quốc gia không khói thuốc,” tức là quốc gia có người hút các sản phẩm thuốc lá điếu dưới 5%.
Tại Thụy Điển trong một thập kỷ, tỷ lệ hút thuốc lá điếu đã giảm 55%, tỷ lệ mắc ung thư giảm 41% và số ca tử vong liên quan đến thuốc lá giảm 44%. Thụy Điển cũng đang tiến gần đến mục tiêu trở thành “quốc gia không khói thuốc” đầu tiên ở châu Âu.
New Zealand, nhờ việc hỗ trợ người dùng tiếp cận các lựa chọn ít độc hại hơn, cũng là một trong những quốc gia đạt được thành tựu đáng kể khi giảm một nửa tỷ lệ hút thuốc lá điếu chỉ trong vòng 5 năm, từ 16,4% năm 2011 xuống còn 6% năm 2023.
Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế nhận định rằng, nếu được kiểm soát chặt chẽ thì các sản phẩm thay thế có thể được coi như một phần của chiến lược giảm tác hại thuốc lá.
Họ cũng so sánh điều này với chiến lược dùng xe điện sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng mới thay thế cho xe xăng nhằm giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, xanh hóa môi trường./.