Thị trường tài chính thế giới tiếp tục biến động khó lường. Tại Mỹ, chứng khoán tiếp tục giảm mạnh phiên thứ 4 liên tiếp trong phiên 4/5.Thêm 2 cổ phiếu ngân hàng Mỹ lao dốc (có lúc mất 60% trong phiên) và nhiều lần bị đình chỉ giao dịch.
Cổ phiếu Ngân hàng Western Alliance có lúc giảm 50-60% và và đã bị ngừng giao dịch nhiều lần do biến động quá mạnh.
Cổ phiếu Ngân hàng PacWest có lúc giảm 60%. Sự sụt giảm xảy ra sau khi xuất hiện thông tin cho rằng, ngân hàng có trụ sở tại California này đang đánh giá lại các lựa chọn chiến lược, bao gồm cả khả năng bán mình.
Nỗi lo về cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng khu vực tiếp tục lớn lên.
Kết thúc phiên giao dịch (rạng sáng 5/5 giờ Việt Nam), cổ phiếu PacWest giảm hơn 50%. Cổ phiếu Western Alliance bốc hơi 38%.
Trước đó, hôm 1/5, nước Mỹ đã chứng kiến vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ 2 lịch sử. Ngân hàng JPMorgan Chase đã chính thức mua lại tất cả các khoản tiền gửi và phần lớn tài sản của First Republic Bank (FRB) sau khi Chính phủ Mỹ tịch tịch thu toàn bộ tài sản của ngân hàng này.
Đây là ngân hàng thứ 4 của Mỹ phá sản kể từ tháng 3/2023 sau Silvergate Bank, Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.
Cổ phiếu nhiều ngân hàng khu vực tại Mỹ tiếp tục giảm do áp lực tăng thêm sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần thứ 10 thêm 25 điểm cơ bản hôm 3/5 (tổng mức tăng là 500 điểm phần trăm từ mức thấp kỷ lục 0-0,25% lên 5-5,25%).
Nhiều chuyên gia cho rằng, lĩnh vực ngân hàng của Mỹ sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn cho tới khi Fed cắt giảm lãi suất. Việc lãi suất được duy trì ở mức cao tiếp tục gây thêm căng thẳng và không loại trừ khả năng có thêm những ngân hàng khác sụp đổ.
Lãi suất tăng cao trong cả năm qua khiến không ít ngân hàng rơi vào tình trạng thua lỗ khi có những khoản đầu tư kém hấp dẫn trước đó. Bên cạnh đó, hoạt động rút tiền khỏi các ngân hàng nhỏ, ngân hàng khu vực đã khiến cuộc khủng hoảng ngân hàng lan rộng.
Khó khăn có thể còn kéo dài khi mà lạm phát còn ở mức cao (5% so với mục tiêu 2%) và Fed rõ ràng chưa thể sớm đảo chiều chính sách tiền tệ thắt chặt.
Thị trường tài chính lao đao, vàng lên sát đỉnh lịch sử
Trái ngược với USD yếu hơn và tình trạng tiền bị rút ra khỏi nhiều ngân hàng, thị trường vàngsôi động và giá lên. Dòng tiền đổ mạnh vào mặt hàng kim loại quý này.
Trong phiên 4/5, khi nỗi lo về một cuộc suy thoái của Mỹ lên cao, dòng tiền đổ vào tài sản trú ẩn an toàn, trong đó có vàng.
Giá mặt hàng kim quý tiến gần mức đỉnh mọi thời đại: tăng thêm 0,3% lên gần 2.046 USD/ounce. Mức này thấp hơn chút ít so với mức cao kỷ lục 2.072,49 USD/ounce ghi nhận trước đó.
Trên CNBC, David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, cho rằng, lạm phát Mỹ sẽ tiếp tục dai dẳng ở mức cao. Điều này đồng nghĩa với việc Fed không nhất thiết giảm lãi suất sớm.
Theo nhiều chuyên gia, dòng tiền sẽ tiếp tục bị rút khỏi ngân hàng và đổ vào trái phiếu (vốn có lợi tức cao) và vàng.
Trên Kitco, chuyên gia Andrew Axelrod cho rằng, cuộc khủng hoảng ngân hàng chỉ mới bắt đầu. Ông nhấn mạnh rằng, nhiều ngân hàng có quan hệ sâu với lĩnh vực bất động sản thương mại. Trong khi đó, lĩnh vực này có nguy cơ sụp đổ do xu hướng làm việc từ xa và các doanh nghiệp đang thu hẹp hoạt động.
Axelrod cho rằng, những bất ổn kinh tế có thể đưa vàng lên mức 3.000 USD/ounce trong 12 tháng tới. Ông cho rằng “mức 3.000 USD/ouunce không hề phải là điều điên rồ".
Gần đây, ngân hàng trung ương các nước đẩy mạnh mua vàng. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục.
Mạnh Hà