Thụy Sĩ 'làm sâu sắc' quan hệ với NATO

28/02/2024 07:13

Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ (với chức năng như chính phủ) xác định nước này sẽ “hợp tác chặt chẽ hơn” với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Theo trang mạng swissinfo.ch, báo cáo về hợp tác và tiềm lực quốc phòng được Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ thông qua vừa qua nhấn mạnh, vì tình hình an ninh “xấu đi nghiêm trọng”, Thụy Sĩ cần tăng cường tiềm lực quốc phòng. Chính sách an ninh và quốc phòng của Thụy Sĩ sẽ hướng tới hợp tác quốc tế “một cách nhất quán hơn”, nhất là với NATO, Liên minh châu Âu (EU) và các nước láng giềng.

Chính sách trung lập, vốn được thực hiện từ năm 1815, không cho phép Thụy Sĩ gia nhập một liên minh quân sự như NATO, song lại không cấm nước này trở thành đối tác của khối. Vì vậy, từ năm 1996, Thụy Sĩ đã tham gia chương trình đối tác vì hòa bình của NATO. Chương trình này liên quan đến hợp tác quân sự, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, không bao gồm các nghĩa vụ có tính ràng buộc pháp lý như phòng thủ tập thể chẳng hạn. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 3-2022, Đại sứ Thụy Sĩ tại NATO Philippe Brandt đánh giá quan hệ đối tác giữa nước này và NATO là “ổn định và hiệu quả”.

Trong vài năm trở lại đây, Thụy Sĩ được nhìn nhận là ngày càng xích lại gần NATO. Trang mạng swissinfo.ch cho biết, một ví dụ điển hình chính là hồi tháng 3 năm ngoái, bà Viola Amherd đã trở thành Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Thụy Sĩ tham gia một cuộc họp của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương - cơ quan ra quyết định chính của NATO. Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, cũng không thể bỏ qua việc Thụy Sĩ tham gia Sáng kiến lá chắn bầu trời châu Âu (ESSI), do Đức khởi xướng vào năm 2022 nhằm tăng cường năng lực phòng không của châu Âu thông qua việc các nước châu Âu mua sắm chung các hệ thống phòng không.

ESSI hiện có hơn 20 nước tham gia, trong đó các thành viên NATO chiếm đại đa số. IISS đánh giá Thụy Sĩ đã và đang “làm sâu sắc” quan hệ với NATO theo một cách mà “trước đây không ai có thể nghĩ tới”. Trong bối cảnh như vậy, báo cáo về hợp tác và tiềm lực quốc phòng chính là sự xác nhận chính thức chủ trương của Thụy Sĩ tăng cường hợp tác với liên minh quân sự lớn nhất hành tinh.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ Viola Amherd trong cuộc gặp tại Brussels, tháng 3-2023. Ảnh: NATO

Những bước đi trên của Thụy Sĩ đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về khả năng nước này gia nhập NATO. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ đã khẳng định tư cách thành viên NATO “không phù hợp” với chính sách trung lập của nước này. Theo trang mạng swissinfo.ch, tuy rằng khó nói trước về tương lai, song hiện nay “gần như không có khả năng” Thụy Sĩ sẽ gia nhập NATO và quan hệ giữa đôi bên là theo kiểu “yêu chứ không cưới”.

“Thụy Sĩ không quan tâm tới việc gia nhập NATO. Đơn giản là vì chúng tôi không cần điều đó. Chúng tôi không có lý do gì để gia nhập NATO. Việc Thụy Sĩ trở thành thành viên của liên minh thậm chí còn gây bất lợi, đó là chúng tôi sẽ mất đi sự trung lập. NATO vẫn muốn Thụy Sĩ là một địa điểm cho các hoạt động ngoại giao hơn là kết nạp vào khối. Các nước khác cũng được hưởng lợi khi có một quốc gia trung lập-nơi tổ chức các hội nghị. Geneva sẽ không còn là Geneva nếu Thụy Sĩ gia nhập NATO”, chuyên gia Lea Schaad tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ETH Zurich nêu rõ.

Trang mạng swissinfo.ch cho biết, nhiều cuộc khảo sát thời gian qua liên tục cho thấy, mặc dù ủng hộ thắt chặt quan hệ với NATO nhưng đa số người dân Thụy Sĩ phản đối việc gia nhập liên minh quân sự. IISS dẫn kết quả cuộc khảo sát hồi năm 2023 cho thấy, hơn 90% người dân Thụy Sĩ có quan điểm như trên. Theo Tạp chí Foreign Policy, Thụy Sĩ không gia nhập NATO không chỉ vì Hiến pháp xác định Thụy Sĩ là quốc gia trung lập mà còn vì trung lập đã trở thành “một thành tố thiết yếu trong nhận thức của người dân Thụy Sĩ”. The Swiss Times còn lưu ý tới một lý do khác, đó là việc NATO yêu cầu các nước thành viên chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng trong khi ngân sách quốc phòng của Thụy Sĩ hiện chỉ dưới mức 1% GDP. Thụy Sĩ đang đặt mục tiêu tăng dần ngân sách quốc phòng lên mức 1% GDP, muộn nhất là vào năm 2035.

Viện nghiên cứu Heritage Foundation (Mỹ) nhận định, nhiều khả năng Thụy Sĩ sẽ trở thành “đối tác cơ hội tăng cường” của NATO-ám chỉ một đối tác được xác định có đóng góp “đặc biệt quan trọng” cho các hoạt động và mục tiêu của liên minh quân sự. Quy chế “đối tác cơ hội tăng cường” được NATO đưa ra từ năm 2014 nhằm “làm sâu sắc” hợp tác với các đối tác bên ngoài khối. Hiện NATO có 5 “đối tác cơ hội tăng cường” là Australia, Georgia, Jordan, Thụy Điển và Ukraine. Trên thực tế, tại cuộc gặp ở Brussels (Bỉ) hồi năm ngoái, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng khẳng định với Bộ trưởng Amherd rằng chính sách trung lập của Thụy Sĩ không bao giờ là trở ngại cho hợp tác giữa đôi bên.

HOÀNG VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan. 

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/thuy-si-lam-sau-sac-quan-he-voi-nato-766586
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/thuy-si-lam-sau-sac-quan-he-voi-nato-766586
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thụy Sĩ 'làm sâu sắc' quan hệ với NATO
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO