Thương vụ mang tính bước ngoặt với quân đội Ba Lan

14/09/2024 07:10

Ba Lan đã chính thức ký hợp đồng mua 96 máy bay trực thăng AH-64E Apache do Tập đoàn Boeing (Mỹ) sản xuất trong một thương vụ mang tính bước ngoặt.

Hãng thông tấn PAP dẫn lời Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz tuyên bố đây là một cột mốc trong “quá trình chuyển đổi” của quân đội với “biến thể tối tân của dòng máy bay trực thăng hiện đại nhất”. 96 chiếc AH-64E Apache là “bước tiến đột phá” về năng lực của quân đội Ba Lan.

Theo AFP, phát biểu với báo giới, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Wladyslaw Kosiniak-Kamysz nhấn mạnh thương vụ trị giá khoảng 10 tỷ USD “mang tính bước ngoặt” đối với quân đội nước này. Trang mạng Breaking Defense cho biết, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Wladyslaw Kosiniak-Kamysz tuyên bố hợp đồng mua 96 chiếc AH-64E Apache “làm thay đổi bộ mặt hoạt động” của quân đội Ba Lan, bổ sung cho các thương vụ mua sắm quốc phòng mà Warsaw đang triển khai. Ông Wladyslaw Kosiniak-Kamysz khẳng định triết lý hoạt động của quân đội Ba Lan là hợp tác và tích hợp; nêu rõ quân đội nước này “không thể hoạt động tốt” nếu thiếu năng lực trinh sát, thiếu máy bay trực thăng, thiếu máy bay không người lái, thiếu lực lượng không quân.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz ký thư chấp thuận mua 96 máy bay trực thăng AH-64E Apache. Ảnh: Breaking Defense

Dự kiến vào năm 2028, quân đội Ba Lan sẽ được bàn giao những chiếc AH-64E Apache đầu tiên và thương vụ sẽ được hoàn tất vào năm 2032. Theo Reuters, cùng với 96 chiếc AH-64E Apache, thương vụ còn kèm theo một gói hậu cần liên quan tới các thiết bị bảo trì, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ huấn luyện...

Tờ Stars and Stripes cho biết, AH-64 Apache được xem là một trong các dòng máy bay trực thăng tốt nhất thế giới, thực hiện được các hoạt động trinh sát, an ninh và tấn công. Tạp chí The National Interest xếp AH-64 Apache với nhiều biến thể (trong đó AH-64E Apache là biến thể mới nhất), nằm trong tốp 5 dòng máy bay trực thăng mạnh nhất mọi thời đại. Mỗi chiếc AH-64 Apache được trang bị nhiều loại vũ khí như pháo M230, tên lửa không đối đất Hellfire, rocket Hydra...

Theo trang mạng Defense News, 96 chiếc AH-64E Apache sẽ đưa quân đội Ba Lan trở thành lực lượng sở hữu dòng máy bay này nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau quân đội Mỹ. Đây cũng là thương vụ mua sắm máy bay trực thăng do phương Tây sản xuất lớn nhất trong lịch sử Ba Lan. Quân đội Ba Lan sẽ sử dụng AH-64E Apache để thay thế các máy bay trực thăng Mil Mi-2 và Mi-24 do Liên Xô sản xuất.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp thuận thương vụ bán 96 chiếc AH-64E Apache cho Ba Lan hồi tháng 8-2023. Cơ quan Hợp tác An ninh quốc phòng của Mỹ (DSCA) tuyên bố thương vụ sẽ hỗ trợ các mục tiêu của Washington về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia thông qua việc tăng cường an ninh của một quốc gia đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn là “một lực lượng bảo đảm ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế tại châu Âu”. Thương vụ sẽ giúp cải thiện năng lực của Ba Lan trong ứng phó với các mối đe dọa ở hiện tại và tương lai “bằng cách cung cấp một lực lượng đáng tin cậy đủ khả năng răn đe đối phương và tham gia các hoạt động của NATO”. Tờ Stars and Stripes dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Mark Brzezinski khẳng định thương vụ là minh chứng cho sự tin cậy giữa đôi bên bởi “loại năng lực tối tân này không phải ai cũng được chia sẻ mà cần phải có mối quan hệ đặc biệt”.

Một máy bay trực thăng AH-64 Apache được trưng bày tại Triển lãm công nghiệp quốc phòng quốc tế MSPO 2022 ở Ba Lan. Ảnh: Breaking Defense

Theo tờ Stars and Stripes, hợp đồng mua 96 máy bay trực thăng AH-64E Apache là thương vụ mua sắm quốc phòng mới nhất trong bối cảnh Ba Lan đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội hướng tới mục tiêu đến năm 2032 sẽ sở hữu một trong những đội quân “hiện đại nhất và lớn nhất” ở châu Âu. AFP cho biết, ngoài máy bay trực thăng AH-64E Apache, thời gian gần đây, Ba Lan đã ký hàng loạt hợp đồng khác với Mỹ, trong đó phải kể đến thương vụ trị giá 855 triệu USD để mua hàng trăm tên lửa không đối không AIM-120C AMRAAM (dự kiến sẽ được bàn giao trong giai đoạn 2029-2033) và thương vụ trị giá 1,23 tỷ USD sản xuất 48 bệ phóng tên lửa phòng không Patriot (dự kiến sẽ được bàn giao trong giai đoạn 2027-2029).

Trên thực tế, những năm gần đây đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về chi tiêu quốc phòng của Ba Lan. Theo Reuters, năm nay, Ba Lan dành hơn 4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng và tuyên bố con số này sẽ tăng lên 5% GDP vào năm 2025 với lý do “nền hòa bình vĩnh viễn thời hậu Chiến tranh lạnh đã không còn nữa”. Xét về tỷ lệ phần trăm thì đây là những mức chi cho quốc phòng cao nhất trong các thành viên NATO, vượt qua cả Mỹ. Theo CNN, điều quan trọng là hơn 50% chi tiêu quốc phòng thời gian qua của Ba Lan được dành cho nghiên cứu, phát triển cũng như mua sắm các loại vũ khí, khí tài mới.

Giáo sư Jamie Shea tại Đại học Exeter (Anh) nhận định Ba Lan sẽ trở thành “một siêu cường quân sự của Liên minh châu Âu (EU) và một siêu cường quân sự châu Âu trong NATO” nếu như các kế hoạch mua sắm quốc phòng “đi đúng hướng”. “Những năm gần đây đã chứng kiến các đợt mua sắm quốc phòng nhanh chóng và hiệu quả, giúp Ba Lan tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự. Bảo đảm an ninh là ưu tiên của Ba Lan và Ba Lan sẽ không tiết kiệm đối với mục tiêu này. Các đơn vị quân đội của Ba Lan sẽ sớm có được các loại vũ khí, khí tài tối tân”, Tạp chí Polska Zbrojna của Ba Lan nêu rõ.

HOÀNG VŨ

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thương vụ mang tính bước ngoặt với quân đội Ba Lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO