Ngày 3/9/2015, sự kiện duyệt binh nhân dịp Trung Quốc kỷ niệm 70 năm chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật đã diễn ra ở Bắc Kinh. Đây là cuộc duyệt binh lớn đầu tiên kể từ khi ông Tập Cận Bình đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2012.
Trong sự kiện trang trọng này, ông Tập xuất hiện trên một chiếc Hongqi L5 mui trần màu đen (Hồng Kỳ L5), đánh dấu sự trở lại của thương hiệu ô tô "quốc dân" của Trung Quốc.
Hongqi là thương hiệu thuộc Công ty ô tô quốc doanh First Automobile Works (FAW).
FAW được thành lập vào năm 1953, với mục đích chính là chế tạo xe tải phục vụ quân đội và sản xuất công nghiệp. Vào tháng 7/1956, chiếc xe tải Jiefang (Giải phóng) đầu tiên xuất xưởng.
Chủ tịch Trung Quốc khi đó là Mao Trạch Đông đã gửi lời chúc mừng và nói: "Sẽ thật tuyệt nếu một ngày nào đó chúng ta có thể dùng xe con do Trung Quốc sản xuất để tham gia các sự kiện". Đó là sự khởi đầu cho "sứ mệnh cao cả" của FAW và thương hiệu Hồng Kỳ (có nghĩa là Lá cờ đỏ).
Sinh ra ở vạch đích
Năm 1957, chính phủ Trung Quốc đặt hàng FAW sản xuất một mẫu saloon (sedan cỡ lớn cao cấp) cho các lãnh đạo nhà nước. Sau khi thu thập thông tin về các mẫu saloon hiện đại nhất trên thị trường vào thập niên 50, FAW chọn các xe Simca Vedette và Mercedes-Benz 190 làm hình mẫu.
Kết quả là mẫu saloon nội địa đầu tiên của Trung Quốc ra đời: Dongfeng CA71 (Đông Phong) được sản xuất vào năm 1958. Mẫu xe này được đặt tên dựa theo một câu trong bài phát biểu của Mao Trạch Đông ở Moscow: "Gió đông thổi bạt gió tây".
Ban đầu, cái tên Dongfeng được viết bằng chữ Latin, nhưng chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu FAW đổi sang Hán tự do đích thân Mao Trạch Đông viết.
Năm 1958, một số lãnh đạo cấp cao của FAW đã đưa chiếc Dongfeng CA71 tới Bắc Kinh để trưng bày bên ngoài tòa nhà nơi Chủ tịch Mao Trạch Đông sống. Tất cả quan chức cao cấp được mời tới xem chiếc xe.
Khi tới xem xe, Thủ tướng Chu Ân Lai đã mở nắp ca-pô và hỏi: "Tôi nghe nói động cơ này sao chép của xe Mercedes-Benz 190 phải không?", và một lãnh đạo FAW trả lời: "Thưa đúng".
Thủ tướng nói tiếp: "Tất cả các thương hiệu ô tô lớn đều sao chép lẫn nhau. Nhưng chúng ta phải làm cho khéo, và chúng ta phải có một số thay đổi; nếu chúng ta sao chép y nguyên động cơ thì họ sẽ không thích đâu. Ví dụ, chúng ta có thể thay đổi hình dạng nắp xú-páp".
Từ năm 1953 đến 1956, FAW đã cử khoảng 500 kỹ sư sang Liên Xô học hỏi. Chỉ có 30 chiếc Dongfeng CA71 xuất xưởng. Để phục vụ Chủ tịch Mao Trạch Đông, xe được trang bị các vật liệu tốt nhất có thể, như ghế bọc gấm, trần lót nhung, thảm bằng len, bảng điều khiển ốp gỗ sơn mài, các công tắc bằng ngà và bên trong xe có vách ngăn.
Tuy nhiên, đó không phải là một mẫu xe đáng tin cậy vì khi đó Trung Quốc còn thiếu kinh nghiệm sản xuất, yếu về công nghệ. Nhưng Dongfeng đã đặt nền tảng cho sự phát triển của thương hiệu Hongqi. Vào năm 1958, FAW công bố kế hoạch chế tạo một mẫu saloon cao cấp hơn.
Mục tiêu của họ là chế tạo một mẫu xe hoàn toàn mới, có tính năng vận hành cao hơn, bền hơn, chỉ trong vòng một tháng. Và họ đã làm được, sau 33 ngày nỗ lực hết mình, đặc biệt là phần chế tạo động cơ V8 mà ngay cả phía Liên Xô cũng phải đầu hàng, mẫu xe Hongqi đầu tiên ra đời - CA72.
Hai tháng sau đó, FAW ra mắt phiên bản mui trần của mẫu xe này để phục vụ lễ duyệt binh nhân dịp Quốc khánh Trung Quốc. Tốc độ phát triển sản phẩm như vậy thực sự đáng nể.
Phiên bản cuối cùng ra đời vào tháng 8/1959 với thiết kế mang đậm dấu ấn văn hóa Trung Hoa, như lưới tản nhiệt mô phỏng hình chiếc quạt giấy, hay đèn hậu hình đèn lồng. 5 lá cờ đỏ trên hông xe đại diện cho các giai cấp công nhân, nông dân, thương nhân, sinh viên và quân nhân.
Năm 1960, FAW thiết kế mẫu CA72 có ba hàng ghế.
Tháng 9/1964, Hongqi CA72 chính thức được tuyên bố là "Xe quốc dân" của Trung Quốc. Nó trở thành xe chính thức phục vụ các sự kiện tầm cỡ quốc gia, hoạt động ngoại giao và chở các lãnh đạo nhà nước. Tuy nhiên, Cách mạng Văn hóa đã khiến mẫu CA72 bị ngừng sản xuất. Như vậy là chỉ có tổng cộng 206 chiếc xuất xưởng trong suốt chiều dài lịch sử.
Năm 1965, mẫu Hongqi CA770 hoàn toàn mới ra đời, được thiết kế bởi một kỹ sư mới 25 tuổi. Động cơ dựa trên các động cơ Cadillac V8 kết hợp hộp số tự động 2 cấp.
Năm 1966, lô xe gồm 52 chiếc Hongqi CA770 đầu tiên đã được vận chuyển tới Bắc Kinh để phục vụ các lãnh đạo nhà nước.
Năm 1969, chiếc Hongqi CA772 chống đạn đầu tiên được sản xuất, dưới sự chỉ đạo và giám sát của đại diện đến từ Ủy ban Bảo vệ an ninh quốc gia, cùng các chuyên gia quân sự trong lĩnh vực bọc thép chống đạn.
Xe được bọc thép 6mm để chống đạn, kính chống đạn dày 65mm, và lốp có thể chạy thêm 160km sau khi trúng đạn. Chiếc xe nặng 4,92 tấn và được coi là xe an toàn nhất thế giới thời đó.
Lúc đương chức lãnh đạo nhà nước Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình (trái) Giang Trạch Dân (giữa) và Hồ Cẩm Đào (phải) đều sử dụng xe Hongqi để duyệt đội danh dự trong các sự kiện quan trọng, lần lượt là các mẫu Hongqi CA770TJ, Hongqi CA772TJ và Hongqi CA7600J (Ảnh: Xinhua).
Mẫu Hongqi CA773 bắt đầu được phát triển từ năm 1968. Tuy nhiên, Cách mạng Văn hóa đã làm đảo lộn tất cả. Các kỹ sư bị điều xuống làm ở dây chuyền sản xuất, còn công nhân được giao phát triển tiếp Hongqi CA773. Do có nhiều khiếm khuyết về thiết kế và một số vấn đề về chất lượng, chỉ có 291 chiếc được sản xuất trong thời gian 7 năm, từ 1969 đến 1976.
Vào năm 1976, FAW muốn hợp tác với Porsche để nâng cấp xe Hongqi nhưng bất thành.
Sóng gió thương trường
Thập niên 80 là thời suy thoái của Hongqi, một phần do hình ảnh thương hiệu bị đóng đinh với Chủ tịch Mao Trạch Đông, phần khác do những cải cách kinh tế dưới thời ông Đặng Tiểu Bình làm lộ rõ sự chênh lệch về trình độ khoa học công nghệ giữa các nhà sản xuất ô tô trong nước với ngành công nghiệp ô tô thế giới.
FAW trải qua giai đoạn khủng hoảng về tài chính, khi xe do họ sản xuất bị chê tốn xăng và hay hỏng. Đã có lúc ô tô bị trục trặc khi đón nguyên thủ các nước khác từ sân bay về. Thương hiệu Hongqi hoàn toàn "mất điểm" giữa làn sóng hiện đại hóa, kinh tế thị trường và Âu hóa ở Trung Quốc vào thập niên 80.
Tháng 5/1981, Hongqi được lệnh dừng sản xuất. Lãnh đạo nhà nước Trung Quốc bắt đầu dùng ô tô nhập khẩu.
Năm 1984, Trung Quốc nhập khẩu một số lượng lớn xe Toyota Crown từ Nhật Bản làm xe ngoại giao và Mercedes S-Class làm xe chở lãnh đạo đảng, nhà nước.
Không còn được nhóm khách hàng chủ chốt tin dùng, FAW chỉ có hai lựa chọn: khai tử thương hiệu Hongqi hoặc hướng nó sang thị trường đại chúng. FAW chọn hướng thứ hai. Nhưng điều đó có nghĩa là họ phải bắt tay với các nhà sản xuất ô tô nước ngoài.
Hai năm sau khi Hongqi dừng sản xuất, liên doanh ô tô quốc tế đầu tiên ra đời - Beijing Jeep, được thành lập bởi Công ty ô tô Mỹ AMC và Beijing Automobile Works (BAW). Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc bước vào một kỷ nguyên mới.
Trong thời gian từ năm 1981 đến 1996, không có mẫu xe nào mang thương hiệu Hongqi được sản xuất, nhưng FAW đã không ngừng tích lũy, học hỏi công nghệ và kinh nghiệm từ các thương hiệu quốc tế như Ford, Nissan, Chrysler và Audi mà họ tiếp cận trong thời gian này.
Từ năm 1995 đến 2005 là kỷ nguyên liên doanh của FAW nói riêng và ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc nói chung. Xe Hongqi được khôi phục sản xuất vào năm 1996. Thiết kế ban đầu của mẫu CA7220 đã hoàn tất từ năm 1988, dựa trên mẫu Audi 100 và động cơ xe Chrysler 488.
Các kỹ sư của FAW đã mất 4 năm để lắp động cơ Chrysler vào thân xe Audi 100, và mất thêm 4 năm nữa để hoàn thiện dây chuyền sản xuất phụ tùng xe Audi 100 tại nhà máy của FAW.
Năm 1996, 90% phụ tùng xe Audi 100 đã được sản xuất ở Trung Quốc, và FAW cuối cùng có thể bắt đầu sản xuất xe Hongqi CA7220. Nó trở thành mẫu xe bán chạy nhất trong lịch sử thương hiệu Hongqi, mang về cho FAW khoản lợi nhuận 6,6 tỷ nhân dân tệ trong thời gian từ năm 1996 đến năm 2006. Thành công này có được một phần nhờ giá trị thương hiệu Hongqi.
CA7220 là mẫu xe Hongqi đầu tiên mà lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp nhà nước, và thậm chí là cá nhân có thể mua được.
Năm 1998, mẫu xe kế tiếp của Hongqi được xác định là CA7460, nhắm vào phân khúc xe sang. Mẫu xe này do FAW và Ford hợp tác phát triển, với diện mạo giống hệt Lincoln Town Car. Tất cả phụ tùng được nhập khẩu từ Mỹ và xe được lắp ráp tại nhà máy của FAW, sử dụng động cơ V8 4.6L của Ford.
Hongqi CA7460 ra mắt vào năm 2000 và hoàn toàn thất bại. FAW chỉ bán được chưa đến 100 chiếc trong năm đó và mẫu xe này nhanh chóng bị dừng sản xuất đại trà, chỉ làm theo đơn đặt hàng. Hongqi lại bắt đầu khủng hoảng, từng suýt phá sản.
Việc FAW phát triển nhiều mẫu xe Hongqi sau đó theo công thức dựa trên các mẫu xe ngoại cả về thiết kế và động cơ đã hủy hoại thương hiệu này.
Năm 2004, doanh số của Hongqi chỉ đạt 14.525 xe. Năm 2008, doanh số giảm xuống còn chưa đến 500 xe. Dù vậy, công ty vẫn cố cầm cự, loay hoay thay đổi hướng đi.
Năm 2010, tân chủ tịch FAW là Xu Jianyi nhận định công ty phải làm ra những mẫu xe mang đậm dấu ấn Trung Quốc, và thương hiệu Hongqi lại bước vào một kỷ nguyên mới.
Chuyển mình, nắm bắt cơ hội
Từ năm 2010 đến 2015, FAW đầu tư khoảng 32,84 tỷ nhân dân tệ vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để cho ra đời chỉ hai mẫu xe - Hongqi L5 và H7, với nguồn tiền đến từ các liên doanh làm ăn phát đạt. Thị trường mục tiêu của thương hiệu Hongqi là xe công, xe phục vụ lãnh đạo nhà nước.
Chủ tịch Tập Cận Bình từng nói với các quan chức nước này vào năm 2012 rằng các lãnh đạo Trung Quốc chỉ nên dùng xe Trung Quốc.
"Lãnh đạo Trung Quốc dùng ô tô nước ngoài có vẻ không đúng lắm. Nhiều lãnh đạo nhà nước nước ngoài sử dụng limousine do nước họ sản xuất, chỉ trừ những nước không có [thương hiệu ô tô nội địa]", ông Tập Cận Bình nói.
Lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mang theo ô tô nội địa ra nước ngoài là trong chuyến thăm cấp nhà nước tới New Zealand vào năm 2014. Đó là hai chiếc Hongqi L5.
Xe có khả năng chống chọi với các vụ tấn công bằng súng đạn, mìn thuốc nổ, cũng như các loại vũ khí hóa học và sinh học. Lốp xe chống đạn và động cơ V12 mạnh mẽ giúp xe nhanh chóng chạy thoát khỏi nguy hiểm.
Trên xe có những chi tiết thiết kế mang đậm dấu ấn Trung Hoa, như tay nắm cửa ốp ngọc thạch, tựa đầu được thiết kế trông như ngai vàng. Tuy nhiên, chỉ có 21 chiếc được sản xuất từ năm 2013.
Mẫu L5 được lựa chọn làm xe ngoại giao, chở các nguyên thủ nước ngoài khi tới thăm Trung Quốc. Năm 2013, xe được dùng để chở Tổng thống Pháp Francois Hollande khi ông tới thăm Trung Quốc. Năm 2014, xe Hongqi L5 được chọn để phục vụ Hội nghị APEC lần thứ 22.
Hiện tại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dùng mẫu limousine bọc thép Hongqi N701. Đây không phải xe sản xuất đại trà, dù có nhiều điểm chung với mẫu sedan cỡ lớn H9. Theo truyền thông Trung Quốc, Hongqi N701 có chiều dài khoảng 5,5m và được phát triển từ mẫu Hongqi L5.
Chiếc xe này được cho là sử dụng bộ bánh 21 inch chống đạn, lắp kính chống đạn, và bọc thép toàn bộ thân xe. Động cơ được cho là loại V12 dung tích 6.0L, cho công suất khoảng 408 mã lực, nhưng đây là thông tin chưa được xác nhận, vì Hongqi còn có cả động cơ V8.
Theo trang Daily Mail, chiếc limousine bọc thép này ra mắt lần đầu tiên trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hong Kong vào ngày 1/7/2022.
Lần gần đây nhất ông mang theo hai chiếc Hongqi N701 ra nước ngoài là khi tới Mỹ thực hiện cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Joe Biden vào giữa tháng 11 vừa qua.
Sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo tại điền trang Filoli ở Woodside, phía nam thành phố San Francisco thuộc bang California, hôm 15/11 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiễn Chủ tịch Trung Quốc ra xe và chỉ vào chiếc ô tô đang chờ ở cửa: "Chiếc xe này đẹp quá".
Ông Tập Cận Bình đã lập tức giới thiệu đó là xe Hongqi (Hồng Kỳ) do Trung Quốc tự sản xuất và mời ông Biden xem nội thất của chiếc xe. Tổng thống Mỹ ngó vào xem, rồi nói rằng trông nó giống chiếc Cadillac của ông.
Trong khi đó, mẫu Hongqi H7 đã trở thành xe chính thức của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị từ tháng 6/2013, trong bối cảnh nước này bắt đầu chiến dịch sử dụng ô tô nội địa.
Hongqi cũng rất nỗ lực xây dựng hình ảnh là một thương hiệu xe sang. Họ đã mở các đại lý lớn ở các khu vực có nhiều showroom xe sang như Audi, Maserati và Jaguar.
Trong khi đó, FAW đã không ngừng đầu tư phát triển công nghệ cả về động cơ đốt trong truyền thống, động cơ hybrid, và các hệ thống an toàn.
Với động cơ đốt trong, hiệu năng nhiệt của động cơ do FAW thiết kế đã vượt ngưỡng 39%. Trong lĩnh vực năng lượng mới, FAW đạt được 9 công nghệ quan trọng và triển khai R&D ở các công nghệ khác, như động cơ sử dụng pin nhiên liệu.