Mua thuốc kê đơn "dễ như mua rau ở chợ"
Trong vai người nhà bệnh nhân đi mua thuốc điều trị bệnh, phóng viên đến nhà thuốc Lưu Gia (phố Hàm Nghi - Nam Từ Liêm - Hà Nội). Khi phóng viên hỏi mua thuốc Metronidazole 250mg - một loại kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, người bán lấy ngay mà không cần đơn, cũng không cần hỏi người mua thuốc cần điều trị bệnh gì. Đáng chú ý, trên hộp thuốc có ghi dòng chữ "thuốc kê đơn" rất rõ.
Tiếp đó, phóng viên đến một hiệu thuốc trên phố Trung Kính (Hà Nội), và cũng dễ dàng hỏi mua được các loại kháng sinh như Amoxicillin 250mg, Cephalexin 500mg… mà không cần đơn thuốc chỉ định của bác sĩ.
Tình trạng bán thuốc kê đơn vô tội vạ, phải kể đến rõ nhất trong đợt dịch đau mắt đỏ vừa qua. Người dân khi có dấu hiệu bị đau mắt đỏ, chỉ cần đến bất cứ hiệu thuốc nào là có thể được người bán thuốc tư vấn.
Đơn cử như thuốc nhỏ mắt Tobrex 0,3% trị nhiễm trùng nhãn cầu, thuốc nhỏ mắt Pandex trị viêm kết mạc, viêm giác mạc hay thuốc mỡ tra mắt Oflovid 0,3% trị nhiễm khuẩn mắt... đều là các loại thuốc kê đơn, bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ mới được sử dụng. Thế nhưng, những người bán thuốc còn giúp người mua xem tình trạng bệnh, tư vấn mua loại thuốc nào và bán thuốc, làm thay nhiệm vụ của các bác sĩ.
"Chị bị đau mắt đỏ rồi. Chị dùng nước muối sinh lý để rửa mắt hàng ngày, ngày 3-4 lần, sau đó dùng thuốc Tobrex này để nhỏ vào điều trị. Khoảng 5-6 ngày là sẽ khỏi thôi" - người bán hàng tại hiệu thuốc Pharmacity (phường Tây Mỗ - quận Nam Từ Liêm - Hà Nội) tư vấn và thoăn thoắt bán thuốc đau mắt đỏ dù bệnh nhân này chưa hề đi khám, chưa được bác sĩ kê đơn thuốc.
Đã có quản lý nhưng chỉ như "muối bỏ bể"
Hiện cả nước có khoảng 68.000 cơ sở bán lẻ thuốc. Tất cả các cơ sở này đều đã có phần mềm đáp ứng kết nối liên thông lên Hệ thống Dược quốc gia. Thế nhưng, việc quản lý bán thuốc kê đơn vẫn gặp nhiều thách thức.
Để phân biệt được đâu là thuốc kê đơn, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BYT. Cụ thể, tại điều 15: Đối với thuốc kê đơn, trên nhãn bao bì phải ký hiệu "Rx" tại góc bên trái của tên thuốc và dòng chữ "Thuốc kê đơn". Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc cũng phải kèm ký hiệu "Rx" kèm theo dòng chữ "Thuốc này chỉ dùng theo đơn".
Thế nhưng, các cơ sở này vẫn vô tư bán thuốc không cần đơn, nhiều trường hợp bán thuốc theo đơn giấy của người bệnh mang tới, mà không xác minh được đơn thuốc đó có đúng là từ cơ sở khám, chữa bệnh phát hành hay không, đơn thuốc đó người bệnh đã mua những thuốc gì, còn thiếu thuốc gì, mua đúng số lượng kê đơn hay chưa.
Thậm chí, không ít trường hợp người bệnh có thể mua một đơn thuốc rất nhiều lần tại một, hoặc nhiều nhà thuốc; không ít trường hợp người bệnh mượn đơn thuốc của người khác để tự mua cho chính mình mà không cần khám bệnh.
Để quản lý tình trạng bán thuốc phải kê đơn của bác sĩ, Bộ Y tế đã xây dựng đề án từ năm 2019 và thí điểm thành công việc vận hành Hệ thống Thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn (hệ thống). Mỗi năm, các cơ sở y tế trên toàn quốc kê khoảng 400-500 triệu đơn thuốc. Thế nhưng, tính hơn nửa năm 2023, số đơn thuốc đã liên thông trên hệ thống khoảng hơn 40 triệu đơn.
Như vậy, chỉ khoảng 20% số đơn thuốc điện tử được cập nhật trên hệ thống theo thực tế - một con số rất khiêm tốn và còn xa để có thể góp phần hạn chế tình trạng bán thuốc đơn thuốc tràn lan như hiện nay.
Luật Dược và Thông tư 02/2018/TT-BYT quy định về việc phải bán thuốc theo đơn với các loại thuốc cần kê đơn. Nghị định 124/2021/NĐ-CP hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi "bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc".
Bác sĩ Lê Hữu Nghị - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Xây dựng: 88% người dân sử dụng thuốc không kê đơn
Bác sĩ Lê Hữu Nghị - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Xây dựng - cho biết: Tại Việt Nam, thuốc kháng sinh chiếm hơn 50% dược phẩm được sử dụng, là một trong những quốc gia có tỉ lệ kháng kháng sinh cao trong khu vực châu Á. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỉ lệ kháng kháng sinh ở Việt Nam chiếm 40%, đứng thứ 4 về tỉ lệ kháng thuốc ở các nước tại châu Á - Thái Bình Dương.
Cũng theo nghiên cứu của Bộ Y tế, có khoảng 88% người dân sử dụng thuốc không kê đơn dẫn đến việc sử dụng thuốc kháng sinh không cần thiết, lâu ngày gây "nhờn" thuốc.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng bác sĩ kê đơn thuốc không hợp lý; vi khuẩn kháng thuốc lây truyền từ người này sang người khác hoặc từ vật nuôi qua người... Tình trạng bán thuốc, kê đơn thuốc tràn lan, người bệnh dễ dàng mua bởi công tác quản lý các cửa hàng bán thuốc chưa tốt. Tình trạng các dược sĩ bán thuốc "thay" bác sĩ tư vấn cho người bệnh, gia đình người bệnh tự đến mua thuốc lá khá phổ biến.
Mặc dù các cơ quan quản lý y dược trên địa bàn có kiểm tra, tuy nhiên đây là việc rất khó quản lý khi người bán thuốc không tuân thủ các quy định của Bộ Y tế đã ban hành: Chỉ bán thuốc theo đơn của bác sĩ.
Bác sĩ Lê Hữu Nghị đề xuất, cần tăng cường công tác quản lý các nhà thuốc trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền giáo dục sức khỏe cộng đồng...
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế): Không ở đâu dễ mua thuốc như ở Việt Nam
Chia sẻ với Lao Động, PGS.TS Lương Ngọc Khuê thừa nhận không ở đâu dễ mua thuốc như ở Việt Nam. Thói quen tự ý mua và sử dụng thuốc của nhiều người dân và nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng trầm trọng.
Ở nước ta, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh cao. Trong đó có việc kê đơn và cấp phát thuốc kháng sinh không hợp lý.
Ngoài ra, sự cố y khoa do chăm sóc không an toàn là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong và tổn thương hàng đầu trên thế giới.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê dẫn chứng, từ năm 2019 đến tháng 8.2022, có 35% bệnh viện trên toàn quốc triển khai báo cáo sự cố y khoa. Với sự cố y khoa liên quan đến công tác dược lâm sàng gặp nhiều nhất là nhầm liều (chiếm 20% tổng số sự cố về thuốc tại bệnh viện tuyến Trung ương và 18,5% sự cố về thuốc tại bệnh viện tỉnh, thành phố). Riêng tại bệnh viện tuyến quận, huyện, sự cố gặp nhiều nhất là do nhầm thuốc (chiếm 23,7%) và thứ 2 là nhầm liều (chiếm 10%).
Bác sĩ khi kê đơn thuốc, cần kê đúng thuốc, đúng người, đúng bệnh. Chỉ được kê đơn thuốc sau khi đã có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh; kê đơn thuốc phù hợp với chẩn đoán bệnh và mức độ bệnh. Việc kê đơn thuốc phải đạt được mục tiêu an toàn, hợp lý và hiệu quả. Với điều dưỡng khi thực hiện bán thuốc, cần đảm bảo 5 đúng: Đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời gian, tuân thủ quy định của Bộ Y tế về bán thuốc theo đơn. Chỉ được kê đơn thuốc sau khi đã có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh.
Lệ Hà