Thực hư Ukraine có thể bắn hạ tên lửa ‘bất khả chiến bại’ của Nga?

09/05/2023 09:33

Thông tin Ukraine bắn hạ tên lửa siêu thanh Kinzhal mà Nga coi là 'bất khả chiến bại' đang là sự kiện gây chú ý trong cuộc xung đột đã bước sang tháng thứ 15.

Ukraine tuyên bố tổ hợp phòng không Patriot PAC-3 của nước này do Mỹ cung cấp đã bắn hạ tên lửa siêu thanh Kinzhal hay Kh-47 của Nga vào ngày 4/5.

Theo hãng tin CNN, trước đây, Tổng thống Vladimir Putin và quân đội Nga đã ca ngợi tên lửa Kh-47 là minh chứng cho kho vũ khí được hiện đại hóa của nước này.

Tiêm kích MiG-31K trang bị tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga. Ảnh: AP

Giới chức Nga nhấn mạnh với tốc độ siêu thanh, các hệ thống phòng không trên thế giới hiện thời rất khó, hoặc không thể đánh chặn Kh-47. Được phóng từ trên không, tầm bắn của Kh-47 là khoảng 2.000km. Do đó, nó có thể được phóng từ khu vực nằm xa vùng chiến sự.

Kh-47 di chuyển với tốc độ gấp khoảng 10 lần tốc độ âm thanh, và là một phiên bản của tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander. Tên lửa này mang đầu đạn nặng gần 500kg.

Sau khi Kh-47 được thử nghiệm lần đầu tiên, Tổng thống Putin đã phát biểu trước Hội đồng Liên bang Nga vào năm 2018 rằng với tốc độ bay cực nhanh của các máy bay mang theo Kh-47, tên lửa sẽ tấn công mục tiêu chỉ trong vòng vài phút.

Do đó, nếu hệ thống Patriot PAC-3 đã thực sự phá hủy được tên lửa siêu thanh Kh-47 được phóng từ tiêm kích MiG-31K như tuyên bố của Ukraine, tính hiệu quả của một trong những vũ khí thế hệ mới nhất của Nga sẽ bị nghi ngờ.

Lâu nay, các nhà phân tích cũng đã đặt câu hỏi về khả năng hoạt động trong giai đoạn cuối quá trình bay của tên lửa Kh-47, khi cho rằng nó có thể không cơ động, hoặc nhanh như lúc tiếp cận mục tiêu.

Tình báo Ukraine cho biết, Nga chỉ có vài chục tên lửa Kh-47 trong kho. Song đến nay con số này chưa được kiểm chứng.

Một số tên lửa Kh-47 từng được phóng vào các mục tiêu ở Ukraine hồi tháng Ba, nhưng không rõ tên lửa Nga đã gây ra thiệt hại như thế nào, và chúng có bắn trúng mục tiêu hay không.

Dàn phóng tên lửa Iskander-E của Nga. Ảnh: Reuters

Còn hồi tháng Tư, Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo các hệ thống phòng không Patriot được Mỹ, Đức và Hà Lan cung cấp đã được chuyển tới Ukraine. Binh sĩ Ukraine cũng đã tới bang Oklahoma của Mỹ để được đào tạo sử dụng hệ thống Patriot.

Theo giới phân tích, việc Patriot được triển khai thể hiện sự thay đổi lớn trong khả năng phòng không của Ukraine, bởi Kiev vốn phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống phòng không S-300 có từ thời Liên Xô cũ. Tuy nhiên, vận hành Patriot lại phức tạp hơn nhiều, và cần khoảng 100 nhân viên để điều khiển.

Hôm 6/5, phát ngôn viên lực lượng Không quân Ukraine Yurii Inhat tuyên bố người Nga “nhận định Patriot là vũ khí lỗi thời của Mỹ, và vũ khí của Nga mới tốt nhất trên thế giới. Nhưng lần này vũ khí Mỹ đã chứng minh hiệu quả ngăn chặn cả tên lửa siêu thanh”.

Tờ Washington Post đưa tin, ông Michael Kofman, một chuyên gia quân sự tại viện chính sách CNA có trụ sở ở Mỹ, nói rằng Kh-47 đã bị phóng đại, và nó không có gì khác biệt so với các tên lửa đạn đạo khác. Bởi Kh-47 là một biến thể của Iskander-M do Nga sản xuất.

“Không có gì đặc biệt, hay đặc biệt thú vị về hệ thống này”, ông Kofman viết trên Twitter.

“Iskander-M là một hệ thống lâu đời. Hàng trăm hệ thống cũng đã bị sa thải. Kh-47 chỉ là biến thể phóng từ trên không của Iskander-M. Kh-47 được phóng từ máy bay để mở rộng tầm bắn, và vận tốc bay ban đầu. Không có thay đổi nào đáng kể. Đặc điểm 'siêu thanh' của Kh-47 cũng chỉ giống như nhiều tên lửa đạn đạo khác”, ông Kofman nhận định.

Hiện Nga chưa đưa ra bình luận về thông tin tên lửa siêu thanh Kh-47 bị Ukraine bắn hạ.

Minh Thu

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thực hư Ukraine có thể bắn hạ tên lửa ‘bất khả chiến bại’ của Nga?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO