Tại hội nghị, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đã công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050.
Trước đó, ngày 3/8, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích địa giới hành chính của tỉnh Bình Dương với tổng diện tích tự nhiên gần 2.700 km2, bao gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện (5 thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát và 4 huyện: Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800USD; Cơ cấu kinh tế năm 2030 ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%; ngành dịch vụ chiếm 28%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%; tỷ lệ đô thị hóa 88-90%; Tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP. Dân số đến năm 2030 đạt 4,04 triệu người (trong đó dân số chính thức 3,48 triệu người; dân số quy đổi 0,56 triệu người).
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quyết định quy hoạch tỉnh Bình Dương. |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, với quy hoạch tỉnh Bình Dương lần này sẽ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn mà mô hình phát triển của giai đoạn trước còn tồn tại, cũng như đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với những khâu đột phá mới; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ.
Theo ông Dũng, quy hoạch lần này sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh; bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; đồng thời Bình Dương đã đặt mình trong mối liên kết phát triển sâu rộng, có trách nhiệm với các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ để xây dựng Đông Nam Bộ trở thành Vùng phát triển năng động, trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, đồng bộ của quốc gia, vùng, địa phương hay ngành, lĩnh vực. Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương và chúc mừng những thành quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Dương đã đạt được trong thời gian qua.
Để thực hiện các định hướng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bình Dương cần chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, khẩn trương triển khai hiệu quả Quy hoạch, đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Điều phối, quản lý hiệu quả, bảo đảm liên kết, thống nhất và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng.
Thứ hai, khai thác tối đa nguồn lực, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số...
Thứ ba, phát huy hiệu quả 3 không gian động lực, 5 chiến lược trọng tâm mà Quy hoạch đề ra; ưu tiên nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ; kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông; phát triển và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi giá trị toàn cầu và chuỗi sản xuất toàn cầu.
Thứ tư, quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó yếu tố con người là quyết định, phải có chính sách ưu tiên để nâng cao dân trí, đào tạo và thu hút nhân tài.
Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ số PAPI, PCI...; chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh Bình Dương trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp. |
Thủ tướng lưu ý Bình Dương phải phổ biến, quán triệt bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng những thành quả từ quy hoạch với tinh thần "dân biết - dân bàn - dân làm - dân thụ hưởng".
“Vị thế và vai trò của tỉnh Bình Dương ngày càng được khẳng định trong chiến lược phát triển chung của cả nước, cũng như trong việc đưa Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với những điểm tựa vững chắc. Đó là tinh thần đại đoàn kết trong nhân dân, trong đảng bộ; truyền thống văn hóa lịch sử hào hùng; điểm tựa lòng dân và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; điểm tựa từ sự ủng hộ của quốc tế, doanh nghiệp, các địa phương; điểm tựa có Đảng bộ tỉnh Bình Dương lãnh đạo, chỉ đạo; điểm tựa từ chính bản thân mình” - Thủ tướng nêu 6 điểm tựa để Bình Dương phát triển.