Sáng 5/4, phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 diễn ra tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu hàng loạt kiến nghị đáng chú ý liên quan đến vấn đề an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững lưu vực sông Mekong.
Nhìn lại chặng đường gần 30 năm hình thành, phát triển và 13 năm kể từ Hội nghị Cấp cao đầu tiên, Ủy hội sông Mekong quốc tế đã thực sự khẳng định vai trò không thể thiếu, thực hiện hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức lưu vực sông quốc tế và đã đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định giá trị lâu dài của Hiệp định Mekong 1995.
Các thành tựu trên đã và đang góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện cuộc sống của gần 70 triệu người dân trong lưu vực; đồng thời, tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết và quan hệ hợp tác mật thiết giữa các nước ven sông.
Ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh kế của hơn 20 triệu người dân Việt Nam
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho biết, lưu vực sông Mekong đang đứng trước những thách thức chưa từng có do tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, sức ép của yêu cầu phát triển kinh tế và sự gia tăng sử dụng nước nhanh chóng.
Hệ quả là nguồn tài nguyên nước Mekong đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh lương thực cho tất cả các quốc gia trong lưu vực.
“Những tác động tiêu cực đó ngày càng trở nên trầm trọng hơn ở các khu vực hạ nguồn sông Mekong, trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Trong giai đoạn từ 2010-2020, tổng lượng dòng chảy lưu vực đã suy giảm từ 4-8%, trong khi đó các quốc gia trong lưu vực đã gia tăng sử dụng nước sông Mekong từ 5-12%”, Thủ tướng nêu thực tế.
Dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về hạ du và vùng Đồng bằng sông Cửu Long vì thế đã bị sụt giảm nghiêm trọng. Đồng bằng thường xuyên phải đối mặt với các đợt hạn hán nghiêm trọng và hiện tượng xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn từ 1-1,5 tháng với phạm vi và cường độ lớn hơn so với trước đây.
Bên cạnh đó, sự suy giảm dòng chảy sông Mekong do tác động tổng hợp của biến đổi khí hậu và hoạt động của con người, trong đó có các dự án phát triển thiếu bền vững ở thượng nguồn, cũng đã và đang làm thay đổi chế độ lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long, làm giảm lượng phù sa về đồng bằng, gia tăng hiện tượng xói lở bờ sông, bờ biển.
“Các hiện tượng trên đây được dự báo sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian tới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long và sinh kế của hơn 20 triệu người dân sinh sống trong vùng. Các chuyên gia dự báo vào năm 2040 vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn không tới 5 triệu tấn phù sa mỗi năm, giảm hơn 9 lần so với hiện nay và gần 30 lần so với cách đây 15 năm”, Thủ tướng lưu ý.
Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, thực tế đáng lo ngại này đòi hỏi các nước phải đổi mới tư duy hợp tác và có những bước đi đột phá mới có thể đáp ứng được các yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay.
Lấy con người làm trung tâm
Bày tỏ nhất trí với tầm nhìn và những định hướng ưu tiên được đề ra trong dự thảo Tuyên bố chung của hội nghị, Thủ tướng cho rằng Ủy hội cần tái khẳng định cam kết mạnh mẽ, nghiêm túc tuân thủ và thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995, cũng như Bộ Quy chế sử dụng nước đã được xây dựng.
Đồng thời tập trung thực hiện tốt các kế hoạch, chiến lược, coi đó là cơ sở cho mọi hành động của Uỷ hội và mỗi quốc gia thành viên.
Thủ tướng nhấn mạnh, mọi chính sách, hành động của Ủy hội và các nước thành viên cần lấy con người làm trung tâm, với cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn lưu vực, nhằm bảo đảm sinh kế bền vững, tăng cường khả năng thích ứng, tự cường của mỗi người dân, mỗi cộng đồng trước những biến đổi nhanh chóng hiện nay. Các nước cần sớm xây dựng, triển khai những cơ chế hợp tác hiệu quả hơn nữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân sinh sống trên lưu vực sông khi có tình huống xấu như thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
Ủy hội sông Mekong quốc tế cần phát huy vai trò tích cực trong các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng khác, nhất là vai trò trung tâm tri thức, cung cấp các thông tin, số liệu và kiến thức về lưu vực, dịch vụ tư vấn cho các cơ chế nhằm giúp cơ chế hợp tác tiểu vùng khác triển khai hiệu quả hoạt động của mình.
Thủ tướng đề nghị Ủy hội phối hợp với đối tác đối thoại Trung Quốc và Myanmar xây dựng một hệ thống giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước thời gian thực trên lưu vực để kịp thời thông tin đến các quốc gia ven sông. Qua đó giúp các nước chủ động ứng phó với biến động bất thường, vấn đề về chất lượng nước, lũ lụt và hạn hán cũng như trường hợp khẩn cấp khác liên quan tới nước.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đề cập đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ các quy hoạch cấp vùng về nghiên cứu, phát triển nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời, kết nối, nâng cấp mạng lưới điện của vùng, qua đó góp phần phát triển bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam kêu gọi các đối tác tăng cường hợp tác, hỗ trợ Ủy hội về nguồn lực tài chính, tri thức, kinh nghiệm và công nghệ hiện đại…
“Sông Mekong quanh co, uốn khúc nhưng thái độ của chúng ta đối với dòng sông sẽ luôn rõ ràng, minh bạch, tất cả vì môi trường sinh thái của dòng sông, vì lợi ích chung của cộng đồng cư dân sống quanh lưu vực, vì trách nhiệm với cả các thế hệ tương lai”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Với tinh thần đó, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia vào các hoạt động của Ủy hội một cách chủ động, tích cực, xây dựng nhằm góp phần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Hiệp định Mekong năm 1995, phát huy “tinh thần hợp tác Mekong ”, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của tất cả các quốc gia và người dân sinh sống trong lưu vực; bảo đảm hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.
“Tất cả vì mục tiêu chung là phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng kết thúc bài phát biểu của mình.
Kết thúc hội nghị, trưởng đoàn các nước đã thông qua Tuyên bố chung – Tuyên bố Viêng Chăn nhằm tiếp tục khẳng định cam kết chính trị cao nhất của bốn quốc gia thành viên, mục đích và nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong cũng như xác định các trọng tâm hợp tác của Ủy hội trong thời gian tới.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Lào, Campuchia và Tổng Thư ký Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia - Thái Lan đã có cuộc trao đổi hẹp. Đầu giờ sáng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc ăn sáng, làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ba Thủ tướng đánh giá cao việc cùng duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao thường xuyên trên tất cả các kênh, trong đó có hình thức gặp gỡ giữa ba Thủ tướng để không ngừng thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa ba nước. Thủ tướng ba nước khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế, đóng góp vào việc duy trì, củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. Ba nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường gắn kết hợp tác tiểu vùng với quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vì mục tiêu phát triển đồng đều, bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển và đẩy mạnh kết nối ASEAN; hoan nghênh việc ba nước nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước lần đầu tiên tại Lào trong năm 2023 và tổ chức Hội nghị cấp cao về Tam giác Phát triển CLV lần thứ 12 tại Campuchia. |
Thu Hằng (từ Viêng Chăn - Lào)