Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương: Sửa Luật Bưu chính là ưu tiên số một

09/12/2023 17:00

Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung đề xuất, sửa đổi Luật Bưu chính, coi đây là nhiệm vụ cấp thiết, ưu tiên số một.

Ngày 8/12, tại TP Hải Phòng, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị quản lý nhà nước (QLNN) về Bưu chính. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Hoàng Minh Cường và các lãnh đạo cục, vụ, lãnh đạo Sở TT&TT các tỉnh, thành trên cả nước cùng Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN), Bưu chính Viettel (Viettel Post)

Hội nghị thông tin về kết quả hoạt động của lĩnh vực bưu chính năm 2023, tập trung thảo luận việc thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC)”; Triển khai đánh giá chất lượng bưu chính; Triển khai Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn; Nền tảng địa chỉ số và kế hoạch công tác năm 2024.

W-thu-truong-phuong-1.jpeg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương chỉ đạo nhiều nhiệm vụ quan trọng cần triển khai tại hội nghị của ngành bưu chính.

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính tăng

Theo báo cáo của Vụ Bưu chính (Bộ TT&TT), năm 2023 có 709 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, tăng 8% so với 2022. Trong số đó có  67 doanh nghiệp mới, 13 doanh nghiệp nộp lại giấy phép. Doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 58.900 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 94% kế hoạch năm.

Tổng sản lượng bưu gửi ước đạt 2.465 triệu, tăng 32,3% so với năm 2022 và tăng 0,6% so với kế hoạch năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước lĩnh vực bưu chính ước đạt 5.750 tỷ đồng, tăng 0,5%.

Hiện nay, trên cả nước có 40 tỉnh, thành phố đang thực hiện chuyển giao một số công việc hỗ trợ giải quyết TTHC (là nhiệm vụ của công chức các Sở tại bộ phận một cửa - BPMC) cho nhân viên Bưu điện thực hiện.

UBND các cấp giao Bưu điện tỉnh bố trí trụ sở, trang thiết bị, vận hành BPMC đã triển khai tại 33 tỉnh, thành phố.

buu-chinh-1.jpeg
Hội nghị thu hút đại biểu ngành truyền thông các tỉnh thành về dự.

Đối với việc UBND các cấp giao Bưu điện tỉnh thực hiện chuyển hồ sơ giải quyết TTHC đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và nhận kết quả giải quyết TTHC từ cơ quan có thẩm quyền, chuyển đến BPMC trả cho người dân, hiện đã có 52 địa phương triển khai, còn 11 tỉnh, thành chưa triển khai.

Vụ trưởng Vụ Bưu chính Lã Hoàng Trung cho biết cách làm này giúp cơ quan nhà nước tiết kiệm biên chế, nhân sự, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian, giảm tiêu cực, nhũng nhiễu.

Bưu chính tham gia vào hành chính công, tạo sự đột phá mới

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Hoàng Minh Cường đánh giá rất cao vai trò thực tiễn của bưu chính trong việc triển khai TTHC công.

Theo ông Cường, các dịch vụ bưu chính, chuyển phát được các doanh nghiệp triển khai phục vụ người dân gần đây có nhiều khởi sắc. Các dịch vụ bưu chính công ích, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận thực hiện các TTHC một cách nhanh chóng và tiện lợi.

Trong 10 tháng năm 2023, riêng ở Hải Phòng đã tiếp nhận và chuyển trả trên 242.000 hồ sơ theo đề án trả giấy phép lái xe giải quyết các TTHC.

pct hoang minh cuong.jpeg
Phó Chủ tịch UBND TP Hoàng Minh Cường phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường cho biết hoạt động bưu chính chuyển phát trên địa bàn thành phố có nhiều cơ hội để phát triển bứt phá, trở thành hạ tầng, mắt xích quan trọng của ngành logistics trong nền KTS, đặc biệt lĩnh vực thương mại điện tử được xác định là ngành hậu cần cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hải Phòng mong muốn lĩnh vực bưu chính tham gia tích cực vào tiến trình cung cấp dịch vụ công, phát triển logistics, TMĐT tại địa phương, phát triển kinh tế số, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của Nghị quyết số 45-NQ/TW.

Cần mạnh dạn kiến nghị sửa đổi Luật Bưu chính

Tại hội nghị, đại diện Bộ Công an kiến nghị cần sửa đổi Luật Bưu chính để giải quyết những vấn đề tồn tại mà lĩnh vực lâu nay đang mắc phải.

Vị đại diện này cho rằng Luật Bưu chính cần quy định rõ tiêu chí về các mặt hàng cấm gửi như hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, ma túy, vũ khí, tài liệu hoạt động từ nước ngoài, văn hóa phẩm đồi truỵ qua đường bưu chính... nhằm đảm bảo an ninh bưu chính.

Cùng với đó là việc vận tải được xin cấp phép hoạt động bưu chính nhưng lại chở hàng không có mã bưu gửi, dẫn đến việc vận chuyển hàng cấm, hàng lậu.

dai dien bo cong an.jpeg
Đại diện Bộ Công an kiến nghị nhiều vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Bưu chính.

Vấn đề sửa luật cũng được đại biểu đến từ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính đặc biệt quan tâm, góp ý sinh động tại hội nghị này.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương khẳng định việc kiến nghị, trình và tiến tới sửa đổi, bổ sung Luật Bưu chính là nhiệm vụ cần ưu tiên của năm 2024. Đồng thời giao Vụ Bưu chính năm 2024 tập trung đề xuất sửa Luật Bưu chính. Đây là một việc quan trọng và phải ưu tiên số 1.

Hàng loạt nhiệm vụ, chính sách phát triển ngành bưu chính năm 2024

Thứ trưởng Phương cho biết tới đây, ngành bưu chính cần có chính sách giá; tập trung quản lý chất lượng dịch vụ. Cụ thể, về quản lý chất lượng dịch vụ, Bộ TT&TT sẽ công bố tiêu chuẩn, xếp hạng chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp bưu chính nhằm giúp khách hàng có được sự lựa chọn uy tín nhất.

Thứ trưởng cũng giao Trung tâm thông tin, Thanh tra Bộ, Vụ Bưu chính tập trung xây dựng cổng tiếp nhận các phản ánh của người dân về lĩnh vực bưu chính.

Đối với các doanh nghiệp bưu chính, Thứ trưởng cũng yêu cầu doanh nghiệp tăng cường áp dụng công nghệ tối đa để nâng cao hiệu quả và chất lượng. Để đẩy mạnh lĩnh vực này, 2 doanh nghiệp bưu chính nhà nước là BĐVN và Viettel Post phải thực sự thay đổi, vươn lên dẫn đầu, làm mẫu.

Ông Phương khẳng định lại vị trí, vai trò, vị thế của lĩnh vực Bưu chính. Theo Quyết định số 654/QĐ-TTg ngày 30/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, lĩnh vực bưu chính phải trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia, của nền KTS, đặc biệt của TMĐT, mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới và thúc đẩy phát triển chính phủ số, XHS.

buu chinh dai dien viettel post y kien ve sua luat bc.jpeg
Đại diện Bưu chính Viettel (Viettel Post) nhận trách nhiệm đi đầu mà ngành thông tin giao phó trong năm 2024

Trong bối cảnh KT-XH Việt Nam gặp nhiều khó khăn, bưu chính cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng đã đạt những kết quả đáng khích lệ với doanh thu, sản lượng bưu gửi tăng.

“Lĩnh vực bưu chính tiếp tục khẳng định vai trò thiết yếu trong đời sống kinh tế và xã hội, trong việc đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu và đóng góp quan trọng cho phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Điều này đã được khẳng định trong thời điểm dịch Covid-19, các doanh nghiệp bưu chính Nhà nước vẫn hoạt động tích cực, hiệu quả trong khi mọi người ở trong nhà”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương: Sửa Luật Bưu chính là ưu tiên số một
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO