Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Trí Đồng, Phó trưởng phụ trách Phòng NN-PTNT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, toàn huyện có 682,5ha trồng cây dó bầu (còn lại là dó trầm, trầm hương), trong đó tập trung phần lớn tại xã Phúc Trạch với 350ha, chủ yếu trồng tại các hộ gia đình; diện tích còn lại phân bố trên địa bàn các xã, thị trấn khác.
Theo ông Đồng, thời gian trồng khoảng 6-7 năm, cây dó bầu đạt đường kính thân 15-20cm là đủ điều kiện để cấy trầm và sau 2 năm tiếp theo có thể cho khai thác.
“Hiện trên địa bàn có 1 doanh nghiệp, 2 HTX sản xuất kinh doanh các sản phẩm trầm hương; 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh với 5 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP và rất nhiều hộ cá thể kinh doanh dó trầm nhỏ lẻ. Tổng doanh thu đạt 80 đến 100 tỷ đồng/năm”, ông Đồng thông tin.
Dù là "thủ phủ trầm hương" song chưa bao giờ địa phương này nghe nói đến việc chụp cắt lớp cho cây!
Vậy nên mới đây, ý tưởng đưa cây quý này vào máy chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) của một nghiên cứu sinh người Hà Nội đã khiến người dân ở thủ phủ trầm hương không khỏi trầm trồ.
Khi được hỏi về mục đích của việc làm khác người này, nghiên cứu sinh Hoàng Thu Hiền (33 tuổi, quê Hà Nội, đang sống và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức) cho biết ý tưởng nảy sinh trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu nghệ thuật đa phương tiện về trầm hương, có tên gọi là “Hương của trời” (Scent from Heaven). Qua đó, chị muốn tìm hiểu về cơ chế hình thành nên dó trầm - một sản phẩm có giá trị cao, được nhiều người trên thế giới ưa chuộng.
“Dự án kết hợp chụp khoa học (chụp CT), scan 3D, nghệ thuật trình diễn và phim thử nghiệm, có nhiều phần và được tài trợ bởi Quỹ Nghệ thuật liên bang Đức (Kunstfond), Cơ quan Văn hoá thành phố Hamburg, Trường Đại học kỹ thuật... Khi dự án hoàn thành phần đầu, kết quả sẽ được trình chiếu tại nhiều bảo tàng nhiếp ảnh ở châu Âu (Ireland Bỉ, Đức và Hungary) vào năm nay và năm sau” chị Hiền thông tin.
“Quá trình tìm hiểu, tôi được biết ở Hương Khê (Hà Tĩnh) trồng nhiều cây dó bầu nên muốn về đây nghiên cứu. Vấn đề đặt ra là làm sao để có thể nhìn thấy cấu trúc bên trong của cây, đường kính của lõi trầm, trầm xuất phát từ đâu và đi theo đường nào. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi chợt nghĩ ra ý tưởng có thể dùng công nghệ chụp cắt lớp vi tính", chị Hiền bày tỏ.
Chị mượn một khúc cây dó bầu của người dân trên địa bàn xã Phúc Trạch, mang đến Phòng khám Tân Thành chụp để lấy hình ảnh.
Thông qua dự án này, chị Hiền muốn cho mọi người, đặc biệt là ở các nước phương Tây, hiểu rõ hơn về nguồn gốc xuất xứ của cây dó trầm, về cơ chế hình thành nên trầm hương cũng như những vất vả và cố gắng của người dân để làm ra sản phẩm nước hoa đắt tiền, được coi là biểu tượng của tầng lớp giàu sang.
Đây cũng là cách để người trồng dó trầm có biện pháp trồng trọt, chăm sóc, phát triển và bảo tồn loài cây này.
Theo chị Hiền, việc nghiên cứu này không chỉ biết được cơ chế hình thành của trầm mà còn có thể áp dụng công nghệ chụp soi ngay tại cây, giúp bà con nhân dân biết được cây nào có trầm, tránh được việc chặt hạ cây hàng loạt mà chỉ đốn những cây nào có trầm. Đồng thời, giúp người dân vùng trồng dó trầm đánh giá đúng giá trị của cây trầm hương.
Lý giải về việc đồng ý đưa khúc gỗ vào máy chụp cắt lớp vi tính, một đại diện Phòng khám Đa khoa Tân Thành, cho , xưa nay máy chụp cắt lớp vi tính chỉ để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, vừa qua có người ngỏ ý muốn nhờ chụp cây dó trầm để phục vụ đề tài nghiên cứu khoa học tiến sĩ nên đã đồng ý.
“Vì mục đích khoa học, hơn nữa để quảng bá hình ảnh và giá trị cây dó trầm của quê hương ra với thế giới nên chúng tôi chỉ chụp lần này. Chứ nếu người dân đề nghị chụp cây dó trầm vì mục đích thương mại thì chúng tôi không đáp ứng”, đại diện phòng khám bày tỏ.