'Thu phí trên cao tốc Nhà nước đầu tư, dân vẫn có quyền chọn đi đường khác'

Hoài Thu| 05/08/2023 16:32

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ đưa vào nội dung Nhà nước đầu tư các tuyến đường cao tốc mới, song song đó có các tuyến đường quốc lộ, người dân hoàn toàn có quyền lựa chọn đi cao tốc hoặc quốc lộ.

Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh khi trả lời câu hỏi của báo chí về đề xuất thu phí trên các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư bằng tiền ngân sách, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/8.

Theo ông Huy, trên thế giới nói chung và các nước đang phát triển nói riêng, để đầu tư cho hạ tầng cần huy động rất nhiều phương thức, trong đó có phương pháp Nhà nước đầu tư xây cao tốc rồi thu phí để hoàn vốn.

Nêu tính toán sơ bộ đến năm 2025, nhu cầu đầu tư hạ tầng khoảng hơn 900.000 tỷ đồng, ông Huy cho biết khi quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường cao tốc, đều là dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu giải pháp để đầu tư xong thu phí và hoàn vốn.

Thu phí trên cao tốc Nhà nước đầu tư, dân vẫn có quyền chọn đi đường khác - 1

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy (Ảnh: Đoàn Bắc).

"Thực hiện nghị quyết này, chúng tôi đã xây dựng đề án, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ có đưa vào nội dung Nhà nước đầu tư các tuyến đường cao tốc mới, song song đó có các tuyến đường quốc lộ, người dân hoàn toàn có quyền lựa chọn đi cao tốc hoặc quốc lộ", theo lời Thứ trưởng Bộ GTVT.

Với thắc mắc "thu phí như thế nào", ông Huy cho biết Bộ GTVT sẽ tính toán lợi ích mang lại khi các phương tiện đi trên cao tốc, ví dụ đi nhanh hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn… Từ các chi phí nhiên liệu, chi phí vận hành, khai thác, lợi ích mang lại ấy, cơ quan quản lý sẽ tính toán mức thu phí đảm bảo chi trả của người dân.

"Mục đích của nguồn thu này là để thu lại, nộp ngân sách, phục vụ đầu tư hạ tầng và các nhiệm vụ chi khác của Trung ương", ông Huy cho biết sau khi trừ đi chi phí thu phí, chi phí vận hành, khoản thu phí sẽ nộp lại ngân sách.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, các tuyến cao tốc đang đầu tư cũng được thực hiện theo chủ trương này.

Với câu hỏi về mức thu, ông Huy nói với mỗi dự án đều có đánh giá tác động, đánh giá lợi ích mang lại và khả năng chi trả của người dân, trên cơ sở đó, mức phí phải xây dựng một cách khoa học và có lấy ý kiến các cơ quan liên quan.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ bổ sung quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo số km xe chạy trên đường.

Đồng thời, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định thu phí đường cao tốc do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án đối tác công tư (PPP).

Hồi đầu tháng 5, Bộ GTVT trình Chính phủ phương án thu phí thí điểm 9 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý, sở hữu, bởi việc này chưa từng có tiền lệ. Thời gian thực hiện thí điểm theo cơ chế phí tối đa 5 năm kể từ thời điểm tuyến đường bộ được triển khai thu phí.

Theo Bộ GTVT, hiện nay, pháp luật chỉ quy định thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư để kinh doanh (dự án BOT) theo cơ chế giá, chưa có quy định về thu tiền sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và quản lý theo cơ chế giá hay phí.

Dự thảo Luật Đường bộ do Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo, gồm 6 chương và 95 điều. So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển 2 chương sang Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, giữ nguyên 1 điều, sửa đổi 40 điều và bổ sung mới 54 điều.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Thu phí trên cao tốc Nhà nước đầu tư, dân vẫn có quyền chọn đi đường khác'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO