Thu ngân sách 8 tháng gần đạt cả năm, mòn mỏi chờ giảm thuế phí

01/09/2022 17:00

Thu ngân sách bỗng tăng mạnh trong bối cảnh các doanh nghiệp và người dân đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chuyên gia kinh tế cho rằng giảm mạnh thuế, phí để tránh những hậu quả đáng lo ngại.

Thu ngân sách tăng bất chấp khó khăn

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2022 ước đạt 1.208 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán năm và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt đạt 954.600 tỷ đồng, bằng 81% dự toán năm và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù còn 4 tháng nữa mới kết thúc năm, nhưng số thu ngân sách đã gần đạt kế hoạch cả năm.

Bộ Tài chính đánh giá, kết quả thu ngân sách 8 tháng đầu năm 2022 đạt khá so mức thực hiện cùng kỳ nhiều năm qua. Trong đó, một số khoản thu, sắc thu, sắc thuế đạt khá cả về dự toán và tăng trưởng so cùng kỳ năm 2021. Điển hình như: khu vực doanh nghiệp Nhà nước ước đạt 74,7%, tăng 9,5%; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 82%, tăng 18,4%; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 98,9%, tăng 27,7% so cùng kỳ...

Trong khi đó, hầu hết DN cả nước đang đối mặt với khó khăn chồng chất, chịu tác động lớn từ áp lực tăng chi phí đầu vào, thiếu đơn hàng, thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh…

Nhiều ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD báo động về hàng tồn kho và thiếu đơn hàng nửa cuối năm 2022. Ảnh: Hoàng Hà

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, nửa đầu năm 2022, chỉ số giá nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất nói chung đã tăng 6,04% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành nông nghiệp có chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng cao nhất là hơn 10%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,78%; xây dựng tăng 9,32%...

Phản ánh của các DN tới Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, khó khăn lớn nhất hiện nay là giá xăng dầu, giá nhiều nguyên vật liệu nhập khẩu tăng từ 20-30%, len lỏi vào trong tất cả các mặt hàng. Cùng với đó, chi phí logistics từ đầu năm 2022 đến nay tăng 15-20% so với năm 2021, trong khi năm 2021 đã tăng 40% so với năm 2020.

Chi phí đầu vào tăng, nhưng giá đầu ra không theo tăng theo tương ứng, khiến cho lợi nhuận của các DN bị giảm mạnh, nhiều DN đối mặt với nguy cơ thua lỗ. DN càng nhỏ thì càng khó khăn. Giá cả tăng khiến nhu cầu tiêu dùng nội địa giảm, người tiêu dùng bị thắt chặt chi tiêu, hàng hóa không bán được, dẫn đến tồn kho tăng, nợ tăng, DN phải giảm sản xuất,...

Với hàng xuất khẩu, nhiều ngành hàng có kim ngạch tỷ USD đã báo động về hàng tồn kho và thiếu đơn hàng nửa cuối năm 2022. Các hiệp hội Da giày - Túi xách, Dệt may, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Gỗ và Lâm sản,... nhận định, 6 tháng cuối năm các DN gặp nhiều khó khăn. Lý do bởi lạm phát ở nhiều nước trên thế giới tăng, sức mua toàn cầu giảm, lượng hàng tồn kho khá lớn dẫn đến đơn đặt hàng mới giảm mạnh… Có những DN thành viên hàng tồn kho lên tới khoảng 40%. Các đơn hàng mới từ tháng 8/2022 đến quý 1/2023 thiếu. Nhiều DN đang phải “ăn đong” đơn hàng xuất khẩu, thậm chí có DN bị hủy đơn hàng vì nhu cầu tiêu thụ sụt giảm. Nhiều DN do thiếu đơn hàng có thể phải dừng sản xuất.

Ngoài ra, các DN còn gặp phải khó khăn rất lớn về dòng tiền. Hạn mức tín dụng đã hết, “van tín dụng” gần như bị “khóa”, vốn tín dụng khan hiếm nên các DN không có vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Các DN mua hàng của nhau và ghi nợ lên đến khối lượng rất lớn, bởi không có tiền để trả. Nợ xấu giữa các DN tăng cao.

Với người lao động, chuyên gia Vũ Vinh Phú đánh giá, trong hoàn cảnh hiện nay, lao động có đồng lương ít ỏi từ 5-6 triệu đồng/tháng gặp khó khăn nhiều nhất. Giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng mạnh khiến họ phải chắt bóp chi tiêu, đời sống rất khó khăn. Chưa kể, khi các DN giảm sản xuất thì người lao động cũng bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm.

Giảm gánh nặng thuế phí

Trong khi đó, những hỗ trợ dành cho DN và người dân thời gian qua vẫn mang tính chất nhỏ giọt. Ví dụ, gói hỗ trợ 2% lãi suất giải ngân chậm, ít đối tượng đủ điều kiện hưởng, thủ tục phiền hà. Với người lao động, gói hỗ trợ tiền thuê nhà cũng không đáng kể.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong hoàn cảnh này, ngân sách thu đạt khá là điều kiện thuận lợi để hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn.

Hỗ trợ dành cho DN và người dân thời gian qua vẫn chưa đáng kể

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thuế giá trị gia tăng (VAT) giảm 2% từ ngày 1/2/2022 góp phần giúp nhiều mặt hàng giảm giá. Tuy nhiên, mức giảm đó không đáng kể. Giá nhiều mặt hàng lại đang tăng cao so với đầu năm, nên mức giảm 2% đến nay khó bù đắp nổi. Thu nhập của người tiêu dùng giảm nhiều dẫn đến việc hạn chế mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, giảm thuế VAT 2% đến nay không kích được sức mua.

Ngày 8/8, Chính phủ quyết định giảm thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng động cơ không pha chì từ 20% xuống 10%. Nhưng, việc giảm thuế nhập khẩu lại không tác động tới giá bán ra mặt hàng này. Bởi chúng ta đang nhập xăng dầu thành phẩm chủ yếu từ khu vực Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Thái Lan,... ), với thuế suất nhập khẩu theo Hiệp định đã ký là 8% - thấp hơn cả thuế nhập khẩu đã ưu đãi 10%. Do đó, việc giảm thuế ưu đãi với xăng không có tác dụng giảm giá xăng dầu trong nước.

Với thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng dành cho người chịu thuế và 4,6 triệu đồng với người phụ thuộc được cho là đã lạc hậu. Với diễn biến hàng hóa hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh trên không đủ đảm bảo đời sống của người lao động, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố lớn với mức sinh hoạt đắt đỏ như Hà Nội, TP.HCM.

Thu ngân sách Nhà nước đạt khá cao trong 8 tháng đầu, Chính phủ cần xem xét tiếp tục mở rộng giảm thuế, phí các loại để giảm gánh nặng cho DN và người dân. Chuyên gia Ngô Trí Long đề xuất xem xét giảm thuế VAT xuống 5% sẽ có hiệu ứng tốt hơn. Cùng với đó, bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng, giảm các loại phí không cần thiết để hỗ trợ DN. Với thuế thu nhập cá nhân, sớm nâng mức triết trừ gia cảnh cho người chịu thuế và người phụ thuộc lên.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, lạm phát của Việt Nam hiện nay là do chi phí đẩy (chủ yếu do nhập khẩu). Do đó, muốn chống lạm phát chi phí đẩy phải dùng các giải pháp về thuế, giảm thuế để giảm chi phí. Nếu không dám sử dụng biện pháp về thuế, tài khóa sẽ không chống được lạm phát do chi phí đẩy. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước vì lo ngại lạm phát cũng sẽ ngần ngại, không dám tăng thêm hạn mức tín dụng. Bài toán về vốn cho DN sẽ không được giải quyết. DN thiếu vốn trầm trọng, dẫn đến giảm hoặc ngừng hoạt động, người lao động sẽ bị giảm hoặc mất việc làm, thu nhập giảm. Hậu quả kéo theo sẽ rất đáng ngại.

Ngân sách bội thu: 8 tháng gần đủ chỉ tiêu cả nămSố thu ngân sách trong 8 tháng năm 2022 tiếp tục tăng cao so với năm trước. Mặc dù còn 4 tháng nữa mới kết thúc năm nhưng số thu ngân sách đã gần đạt kế hoạch cả năm.
    Bài liên quan
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Thu ngân sách 8 tháng gần đạt cả năm, mòn mỏi chờ giảm thuế phí
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO