Thu hồi ngay tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát khi có chứng cứ rõ ràng

Thế Kha| 04/07/2023 09:14

Đối tượng thanh tra sẽ bị phong tỏa tài khoản khi có dấu hiệu tẩu tán tài sản. Cơ quan thẩm quyền thu hồi ngay tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ hoặc bị thất thoát khi có bằng chứng, chứng cứ rõ ràng.

Theo quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra vừa ban hành, đối tượng thanh tra sẽ bị phong tỏa tài khoản khi có dấu hiệu tẩu tán tài sản.

Cụ thể, khi đối tượng thanh tra thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện giao dịch chuyển tiền qua tài khoản khác với thông tin không rõ ràng về mục đích, nội dung, người nhận; có dấu hiệu chuyển dịch quyền sở hữu, sử dụng, cho tặng, thế chấp, cầm cố, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản.

Hoặc có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ, sổ sách kế toán dẫn đến thay đổi về tài sản; không thực hiện đúng thời gian giao nộp tiền, tài sản theo quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan thanh tra.

Thu hồi ngay tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát khi có chứng cứ rõ ràng - 1

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong (Ảnh: TTCP).

Chính phủ quy định, người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra quyết định phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra khi có căn cứ.

Quyết định phong tỏa tài khoản được gửi cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nơi đối tượng thanh tra có tài khoản.

"Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của đối tượng thanh tra tại các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về thanh tra. Tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng theo quy định của pháp luật", Nghị định 43 nêu rõ.

Quyết định phong tỏa tài khoản phải nêu rõ số tài khoản phong tỏa, mục đích phong tỏa; tên tài khoản bị phong tỏa; phạm vi phong tỏa; số tiền phong tỏa; thời điểm bắt đầu phong tỏa, thời gian phong tỏa; trách nhiệm thực hiện của tổ chức tín dụng và các thông tin khác (nếu có).

Ngoài ra, quy định mới nhấn mạnh, trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ khi đối tượng thanh tra thực hiện đầy đủ quyết định thu hồi tiền, tài sản hoặc những căn cứ để ra quyết định phong tỏa tài khoản không còn nữa, người có thẩm quyền có trách nhiệm hủy quyết định phong tỏa tài khoản.

Quyết định hủy phong tỏa tài khoản phải được gửi tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản bị phong tỏa và đối tượng thanh tra.

Điều 46 Nghị định 43 quy định về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra.

Người ra quyết định thanh tra quyết định hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi ngay tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra khi có bằng chứng, chứng cứ rõ ràng.

Về xử lý tài sản, nếu là tiền phải được chuyển vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thanh tra; bất động sản thì yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi; động sản và giấy tờ có giá trị sẽ được căn cứ vào tình hình thực tế, người ra quyết định thanh tra giao cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và chuyên môn nghiệp vụ để quản lý.

Đối với tài sản là hàng hóa có yêu cầu đặc biệt trong việc bảo quản sẽ được giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cơ sở vật chất và năng lực quản lý.

Đối tượng thanh tra có tài sản bị thu hồi được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp đối với tài sản bị xử lý và có quyền khiếu nại quyết định thu hồi tài sản theo quy định của pháp luật.

Nghị định 43 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8.

Nghiêm cấm sử dụng thẻ thanh tra vào mục đích cá nhân

Chính phủ quy định, Thanh tra viên được cấp thẻ thanh tra để sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Thẻ thanh tra được cấp sau khi có quyết định bổ nhiệm vào ngạch thanh tra. Thẻ thanh tra phải bị thu hồi khi miễn nhiệm chức danh thanh tra viên.

Tổng Thanh tra Chính phủ quy định mẫu thẻ thanh tra, việc cấp và chế độ quản lý, sử dụng thẻ thanh tra. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quản lý và cấp thẻ thanh tra cho các ngạch thanh tra viên thuộc quyền quản lý của mình.

Thanh tra viên có trách nhiệm bảo quản, sử dụng thể thanh tra khi thi hành nhiệm vụ.

"Nghiêm cấm sử dụng thẻ thanh tra vào mục đích cá nhân. Trường hợp thanh tra viên sử dụng thẻ thực hiện hành vi trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", Nghị định 43 nêu rõ.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thu hồi ngay tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát khi có chứng cứ rõ ràng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO