Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay còn gọi là “sổ đỏ” là loại giấy tờ thường được người dân sử dụng để thực hiện các giao dịch mua bán đất hay các hợp đồng kinh tế khác có liên quan. Tuy nhiên, nhiều người dân mất cảnh giác để các đối tượng lợi dụng việc này, làm giả hoặc sử dụng các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thực hiện 7 vụ lừa đảo, chiếm đoạt 110 tỷ đồng
Mới đây, ngày 14/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam 3 tháng đối với Nguyễn Văn Tuấn (SN 1994; ngụ xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch) về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Văn Tuấn đã có hành vi dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) giả để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, sau khi có thông tin thửa đất, qua mạng xã hội Facebook, Tuấn đặt làm sổ đỏ giả với giá 5 triệu đồng mang tên vợ chồng mình. Sau đó, Tuấn đã dùng sổ đỏ giả này rao bán, và nhận đặt cọc của hai người với số tiền 150 triệu đồng.
Vụ việc trên không phải là hy hữu, cách đây không lâu, công an thành phố Cần Thơ đã khởi tố bắt giam 11 người trong băng nhóm “cò đất” chuyên làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của nhóm này là tìm số điện thoại của những người đang cần bán đất, bán nhà từ nhiều nguồn khác nhau như môi giới, rao bán trên mạng, niêm yết tại sàn bất động sản… để xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất photo rồi mang đi làm giả.
Các đối tượng sau đó lấy tên giả, sử dụng số điện thoại khuyến mãi để liên hệ gặp chủ đất xem vị trí thửa đất, nhà và sổ đỏ bản chính để đặt cọc. Khi chủ đất sơ hở, nhóm sẽ đánh tráo giấy giả được làm trước đó với giấy thật. Khi có sổ đỏ thật, nhóm này tiếp tục thuê người đóng giả chủ đất và làm giả giấy tờ tùy thân để ủy quyền, chuyển nhượng cho người khác với giá trị thấp hơn giá thị trường. Do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy thật nên Văn phòng công chứng và Cơ quan tài nguyên và môi trường không phát hiện. Khi chủ sở hữu phát hiện thì nhóm này đã mua bán, chuyển nhượng, cầm cố tài sản qua nhiều người. Qua đấu tranh, nhóm tội phạm trên đã thực hiện 7 vụ lừa đảo ở thành phố Cần Thơ và các tỉnh miền Tây với tổng số tiền khoảng 100 tỷ đồng.
Nhận định về diễn biến tình trạng sử dụng sổ đỏ giả nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, Trung tá, Tiến sĩ Lê Quang Toàn, Phó Khoa Cảnh sát điều tra, Học viện Cảnh sát Nhân dân chia sẻ, thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách sử dụng sổ đỏ giả, cũng như việc các cơ quan chức năng bóc gỡ, triệt phá các đường dây làm giả sổ đỏ, giấy tờ với giá rất rẻ. Đặc biệt, các loại giấy tờ giả này tinh vi và giống thật đến mức những người có chuyên môn, kinh nghiệm cũng khó có thể phân biệt được. Do đó, nhiều đối tượng đã thực hiện trót lọt hành vi phạm tội bằng cách sử dụng các loại sổ đỏ giả trên, chiếm đoạt được nhiều tài sản. Những vụ việc này đã gây thiệt hại rất lớn đến tài sản của người dân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, cũng như lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Theo Trung tá, Tiến sĩ Lê Quang Toàn, việc làm giả giấy tờ, tài liệu để thực hiện tội phạm không phải là thủ đoạn mới, tuy nhiên thời gian gần đây thủ đoạn sử dụng sổ đỏ giả để thực hiện tội phạm có xu hướng gia tăng nhanh và trở nên phức tạp hơn, thủ đoạn tinh vi hơn và gây hậu quả nghiêm trọng hơn.
Đánh tráo sổ đỏ trong “nháy mắt”
Để xảy ra tình trạng này, Phó Khoa Cảnh sát điều tra, Học viện Cảnh sát Nhân dân khẳng định có nhiều nguyên nhân, nguyên nhân đầu tiên do kinh doanh bất động sản luôn là kênh đầu tư ổn định, mang lại lợi nhuận cao. Đặc biệt, trong thời gian qua, thị trường bất động sản có sự bùng nổ, tạo ra hiện tượng sốt đất ở nhiều địa phương. Điều này cũng dẫn đến số lượng người có nhu cầu mua, bán đất đai ngày càng tăng, giá đất cũng tăng rất nhanh chóng. Các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng nhanh chóng nhận ra đây là cơ hội rất tốt để thực hiện hành vi phạm tội, và đã triệt để lợi dụng tình trạng trên, làm giả sổ đỏ để thực hiện tội phạm.
Cùng với đó, do sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, đối tượng có thể dễ dàng tiếp cận và thu thập thông tin cá nhân của người khác, đồng thời làm giả các giấy tờ, tài liệu, bao gồm sổ đỏ một cách rất tinh vi, khó bị phát hiện. Ngoài ra, đối tượng còn sử dụng nhiều thủ đoạn khác, có sự móc nối chặt chẽ với nhau nên rất nhiều người bị hại mắc bẫy đối tượng và bị chiếm đoạt tài sản với số lượng rất lớn.
Bên cạnh các nguyên nhân trên, Phó Khoa Cảnh sát điều tra, Học viện Cảnh sát cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất từ phía bị hại. Họ thường là những người có tiền, muốn đầu tư kinh doanh và lựa chọn lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, đặc điểm của họ thường là người nhẹ dạ, cả tin, hám lợi, nóng vội trong khi lại thiếu kiến thức chuyên môn cũng như sự suy xét, đánh giá về các tình huống, thiếu hiểu biết về các thủ đoạn phạm tội của đối tượng… nên dễ dàng trở thành nạn nhân. Cùng với đó, công tác quản lý của các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế. Việc quản lý các hoạt động liên quan đến đất đai, công chứng, giao dịch, mua bán, chuyển nhượng đất còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, để đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.
Liệt kê phương thức, thủ đoạn của nhóm tội phạm của nhóm đối tượng này, Trung tá Toàn cho biết, các đối tượng này lên mạng internet tìm kiếm các thông tin liên quan việc giao bán đất, tìm hiểu thông tin những người có nhu cầu bán đất, hình ảnh liên quan đến sổ đó, căn cước công dân, hộ khẩu của người bán đất, sau đó lưu giữ những hình ảnh này. Sau khi lưu những hình ảnh này, đối tượng sẽ liên hệ với những đối tượng làm sổ đỏ giả để làm sổ đỏ giả. Khi làm được “sổ đỏ” giả, đối tượng này sẽ liên hệ trực tiếp với chủ đất và đề nghị “Tôi muốn đến tôi mua đất, sau đó đối tượng đồng ý mua miếng đất đó. Tuy nhiên, trước tiên đối tượng sẽ đặt cọc. Trong quá trình giao dịch, đối tượng sẽ lợi dụng sự sơ hở của chủ đất rồi nhanh chóng đánh tráo hai quyển sổ đó.
“Các đối tượng còn làm được các loại giấy tờ giả mang tên chủ đất, rồi sử dụng các loại giấy tờ giả đó để giao dịch, mua bán miếng đất đó, sau đó kiếm một số tiền rất lớn với tư cách chủ đất.Thứ hai, vẫn thủ đoạn lên mạng lấy các loại giấy tờ như vậy, đối tượng có thể tính đến một hình thức khác là làm giả một sổ đỏ, và các giấy tờ tùy thân mang tên chủ đất. Và khi gặp đối tượng cần mua, đối tượng sẽ bán mảnh đất cần mua bằng chính giấy tờ giả, sau đó cũng chiếm một số tiền rất lớn. Một thủ đoạn tiếp theo là các đối tượng mang sổ đỏ này đi cầm đồ” - Trung tá Toàn nói.
Theo Trung tá Toàn, đối tượng phạm tội luôn tìm tòi ra các thủ đoạn mới để thực hiện hành vi phạm tội. Và các hình thức trên chưa phải là tất cả các hành vi của đối tượng. Do vậy, trong tương lai có thể hình thành lên các thủ đoạn khác mà chúng ta cần nghiên cứu để tránh có thể trở thành nạn nhân.
Trước thực tế, nhiều người dân chụp ảnh sổ đỏ đăng bán trên các trang mạng xã hội, Phó Khoa Cảnh sát điều tra, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho rằng, sự sơ hở, mất cảnh giác chủ quan của người dân là một yếu tố rất quan trọng dẫn đến tình trạng này.
Thực tế, cho thấy có rất nhiều người dân không có ý thức bảo vệ thông tin cá nhân, họ rất dễ dàng chụp giấy tờ tùy thân, hoặc giấy tờ khác liên quan đến mình gửi cho người không quen biết khi họ yêu cầu. Hoặc up lên các trang mạng xã hội. Họ không ý thức được rằng, đây là một nguy cơ rất lớn. Bởi, những thông tin này là thông tin cá nhân, khi các đối tượng khác lấy được thông tin đó họ có thể sử dụng để thực hiện những hành vi phạm tội, hoặc những hành vi khác ảnh hưởng cá nhân đến những người chủ giấy tờ cá nhân đó Cho nên, mỗi người dân cần bảo mật thông tin cá nhân của mình và tránh để lộ thông tin đó đối tượng có thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Để có thể hạn chế thiệt hại và chủ động tránh hành vi phạm tội này, theo Phó Khoa Cảnh sát điều tra, Học viện Cảnh sát Nhân dân, người dân cần phải chủ động tìm hiểu thông tin về các thủ đoạn mới của các loại tội phạm nói chung và lừa đảo nói riêng. Cùng với đó, mỗi người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không nhẹ dạ cả tin, không hám lợi, trong các giao dịch nói chung và giao dịch đất đai nói riêng. Khi tiếp nhận các giao dịch có liên quan đến các giấy tờ có giá trị như sổ đỏ thì cần có sự cảnh giác, kiểm tra kỹ, kiểm tra chéo qua các nguồn khác…
Cùng với đó, có biện pháp bảo đảm bí mật, an toàn thông tin cá nhân, nhất là các loại giấy tờ tuỳ thân, các loại giấy tờ có giá trị, không tuỳ tiện gửi các thông tin đó cho người khác hoặc đăng tải trên mạng xã hội, để tránh bị các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt tài sản. (Gần đây, có hiện tượng một số đối tượng tìm đến các nhà dân xin chụp hai mặt căn cước công dân và trả 200.000đ một người, một số người cả tin thiếu hiểu biết đồng ý). Và khi phát hiện các biểu hiện bất thường trong quá trình giao dịch đất đai hoặc nghi ngờ sổ đỏ, giấy tờ khác bị làm giả, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, ngăn chặn.
Theo vov.vn