Với tính năng chống thấm nước, bền, đa dạng về kiểu dáng và màu sắc, giá cả phải chăng, thớt nhựa được nhiều người nội trợ ưa chuộng. Điều khiến nhiều người quan tâm nhất là Thớt nhựa liệu có gây hại sức khỏe hay không và sử dụng thớt thế nào cho an toàn.
Thớt nhựa có gây hại sức khỏe?
Thớt nhựa có ưu điểm không thấm nước, khâu làm sạch dễ dàng, tiện lợi, thậm chí có thể cọ rửa bằng nước nóng mà không bị hư hỏng. Điều này khiến nhiều người nghĩ rằng nó an toàn, không ảnh hưởng sức khỏe. Bên cạnh đó, không ít người khác lại lo lắng về độ an toàn của nó.
Nhìn chung, mối lo ngại về ảnh hưởng của thớt nhựa đối với sức khỏe chủ yếu liên quan đến việc giải phóng vi nhựa - các hạt nhựa siêu nhỏ. Một nghiên cứu công bố trên PubMed vào tháng 5/2023 chỉ ra rằng, một số vật liệu nhựa được sử dụng làm thớt, bao gồm polypropylene và polyethylene, có thể "giải phóng các hạt có kích thước nano và micro khi cắt bằng dao"; và thớt nhựa được xác định chính là nguồn vi nhựa đáng kể trong thực phẩm của con người, do đó cần được chú ý cẩn thận.
Khi chiếc thớt nhựa cũ và mòn đi do sử dụng, các hạt vi nhựa dễ tách ra và làm ô nhiễm thực phẩm. Chúng có thể tích tụ dần trong cơ thể theo thời gian và có tác động lâu dài đến sức khỏe.
Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng, việc chế biến thực phẩm từ chiếc thớt nhựa có thể tạo ra từ 14 đến 71 triệu hạt vi nhựa polyethylene và 79 triệu hạt vi nhựa polypropylene mỗi năm. Con số này thay đổi tùy thuộc vào cách cắt của từng người, chất liệu thớt, lực cắt, nguyên liệu được cắt thô hay cắt mịn và tần suất sử dụng thớt.
Thớt nhựa liệu có gây hại sức khỏe? (Ảnh: Amazon.in)
Chia sẻ trên trang The Indianexpress, TS Kaushal Kishor Yadav, khoa Ung bướu phẫu thuật, Bệnh viện Narayana, Gurugram, cảnh báo: "Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc giải phóng những hạt vi nhựa này có thể làm rò rỉ các hóa chất độc hại, bao gồm cả chất gây rối loạn nội tiết, vào thực phẩm đang được chế biến".
Ngoài ra, các vết xước trên mặt thớt nhựa mặc dù có vẻ vô hại nhưng lại tạo ra môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Cho dù thớt được làm sạch thật kỹ bằng xà phòng, nước nóng và khử trùng vài lần, vi khuẩn vẫn sống sót và sinh sôi nảy nở trên bề mặt. Đặc biệt, ở các rãnh của thớt nhựa cũ, vẫn có vi khuẩn còn sót lại sau quá trình khử trùng.
Nhiều loại thớt nhựa được dán nhãn là an toàn với máy rửa chén, nhưng nhiệt độ cao trong máy có thể khiến chúng cong vênh và tạo ra nhiều rãnh hơn, tạo thêm không gian cho vi khuẩn ẩn náu.
Để giảm thiểu những lo ngại về sức khỏe, các chuyên gia khuyên nên sử dụng thớt gỗ thay vì thớt nhựa, và phải vệ sinh thớt ngay sau khi sử dụng. Những chiếc thớt đã quá cũ, bị mòn hoặc có nhiều vết xước cần được thay mới để đảm sức khỏe của mọi người trong gia đình.
“Mặc dù tiện lợi và đa dạng về mẫu mã nhưng việc dùng thớt nhựa cần được cân nhắc cẩn thận để giảm thiểu các rủi ro sức khỏe tiềm ẩn liên quan đến việc tiếp xúc với vi nhựa”, TS Yadav khuyến cáo.
Sử dụng thớt đúng cách
- Phân loại thớt khi chế biến: Sử dụng thớt riêng cho thịt sống và rau, thực phẩm ăn liền. Hãy đảm bảo rằng bạn không bị lẫn lộn các thớt với nhau. Để phân biệt, bạn có thể đánh dấu hoặc mua những chiếc thớt có màu sắc, hình dáng, kích cỡ khác nhau.
- Khử trùng thớt: Nếu chỉ rửa bằng nước, thớt sẽ không thực sự sạch và hợp vệ sinh được. Hãy khử trùng bằng nước sôi hoặc nước muối, rửa lại bằng nước sạch và lau khô bằng khăn giấy (không phải khăn mềm).
- Không dùng khăn để lau: Bạn nghĩ mình đang làm sạch thớt bằng cách dùng khăn lau những mẩu thức ăn trên đó? Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khăn lau bếp thường là thứ bẩn nhất trong nhà bạn. Nếu bạn cần lau thớt để chuẩn bị thái thịt hoặc rau sống thì đừng sử dụng khăn vải. Vi khuẩn từ thực phẩm sẽ làm bẩn vải và sau đó lây lan xung quanh bếp khi bạn lau bề mặt các vật dụng tiếp theo.
Theo VTC news