Tôi thường hút dưới 5 điếu thuốc/ngày. Vợ yêu cầu tôi bỏ thuốc vì có kế hoạch sinh con trong năm nay. Tôi nghĩ việc hút thuốc không liên quan đến chuyện sinh sản. Mong bác sĩ giải thích giúp tôi. (Lê Hoàn, Bình Dương).
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Đình Hiếu - Khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), trả lời:
Ước tính 1/3 số nam giới tuổi trưởng thành hút thuốc lá. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong liên quan đến bệnh tim mạch và ung thư. Đồng thời, tác động tiêu cực trên khả năng sinh sản của nam giới và bộ gene của tinh trùng.
Cụ thể, hút thuốc làm giảm quá trình sinh tinh, ảnh hưởng xấu đến các chỉ số tinh dịch đồ, bao gồm giảm thể tích tinh dịch, giảm mật độ và tổng số tinh trùng, giảm độ di động tiến tới của tinh trùng và tăng các bất thường hình thái tinh trùng (đầu, cổ và đuôi). Nguyên nhân do rối loạn trục nội tiết sinh sản và tổn thương mô học các cơ quan sinh sản gây ra do thuốc lá.
Hút thuốc cũng được chứng minh làm tăng độ phân mảnh ADN, tăng đột biến gene và các bất thường về số lượng nhiễm sắc thể của tinh trùng trong các nghiên cứu ở động vật. Trên phương diện ADN tinh trùng, hút thuốc lá không chỉ có hại với người sử dụng mà còn có thể để lại hậu quả cho con cái sau này.
Tác động có hại của hút thuốc lá trên khả năng sinh sản của nam giới được cho là xảy ra ở tất cả các hình thức hút thuốc lá: thuốc lá đốt cháy, thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, thuốc lá không khói (nhai, ngậm hay miếng dán).
Khói thuốc lá chứa trên 7.000 hợp chất, trong đó khoảng 70 hợp chất được xem là chất sinh ung thư và gây đột biến. Nicotine, 1 chất hướng thần, cùng với chuyển hóa chất là cotinine, có thể đi qua hàng rào máu - tinh hoàn và gây hại ở nhiều mức độ khác nhau cho các tế bào sinh tinh.
Những hậu quả tiêu cực của hút thuốc lá trên sức khỏe sinh sản nam giới có thể được giảm thiểu hay đảo ngược bằng cách ngưng hút thuốc lá. Điều này cần sự quyết tâm của người hút thuốc lá và sự hỗ trợ y tế tích cực, kết hợp nhiều biện pháp.