Thiết lập chính sách hồi hương cổ vật

04/11/2022 21:00

TS Trần Đức Anh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế - cho rằng việc hồi hương cổ vật là một nhiệm vụ gian nan, bởi Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho phép các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài.

Thông tin về cổ vật Việt Nam ở nước ngoài, các cổ vật được rao bán trong các cuộc đấu giá còn quá ít và chính sách hồi hương cổ vật chưa thích hợp.

Các bảo tàng và các nhà sưu tầm cổ vật ở Việt Nam còn hạn chế trong việc nắm bắt thông tin về các sưu tập cổ vật Việt Nam ở nước ngoài, kể cả các phiên đấu giá công khai, hay thông tin rao bán cổ vật ở trên Internet. Đó là chưa kể tới kinh phí đưa cổ vật hồi hương gây ra không ít khó khăn cho các bảo tàng công lập. Bởi giá cổ vật được các nhà đấu giá đưa ra ban đầu là giá dự kiến và có chênh lệch khoảng 25% với giá bán sau cùng.

Không những vậy, chúng ta cũng gặp trở ngại với những thủ tục, quy định để một bảo tàng công lập mua cổ vật. “Một bảo tàng công lập tại Việt Nam muốn mua cổ vật nào đó ở trong nước, sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép phải thành lập một hội đồng xét duyệt thẩm định giá trị, niên đại, lai lịch của hiện vật, lai lịch của người bán hiện vật, đàm phán về mức giá do người bán đề xuất và đưa ra giá mua mà hội đồng cho là thích hợp...”, vị tiến sĩ này phân tích.

TS Trần Đức Anh Sơn đề xuất Bộ VHTTDL thành lập các tổ công tác gồm những nhà sử học, chuyên gia về bảo tàng, nhà nghiên cứu cổ vật tiếng tăm… tiến hành rà soát trong các tàng thư của các bảo tàng danh tiếng ở Việt Nam, các kho lưu trữ tài liệu từ thời kỳ Pháp thuộc, các cơ sở tôn giáo - tín ngưỡng có cổ vật nói riêng, di sản văn hóa nói chung bị mất cắp trước đây, để lập danh sách những di sản văn hóa Việt Nam bị mất cắp, thất thoát.

chu-duoi-an-5326-5756.jpeg

“Chúng ta phải cử các chuyên gia đến bảo tàng ở nước ngoài, nơi đang trưng bày, lưu giữ cổ vật Việt Nam để xác minh, lập hồ sơ cổ vật. Đó là những chứng cứ trình lên Chính phủ nước ta để từ đó liên hệ với chính phủ các nước liên quan kêu gọi, vận động họ ban hành những chính sách, văn bản pháp lý nhằm yêu cầu các bảo tàng, các nhà sưu tập tư nhân ở những nước này hoàn trả các cổ vật, di sản văn hóa của Việt Nam”, TS Trần Đức Anh Sơn đề xuất.

Để không đánh mất cơ hội đưa cổ vật hồi hương, anh cho rằng Việt Nam cần có những chính sách hợp lý và thông thoáng.

TS Trần Đức Anh Sơn đề xuất ban hành những văn bản pháp lý cho phép các tổ chức và cá nhân ở Việt Nam tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài. Các bảo tàng công lập nên có những chuyên gia chuyên sưu tầm thông tin mua bán và đấu giá cổ vật Việt Nam ở nước ngoài để sớm xây dựng kế hoạch, đề xuất cấp kinh phí mua cổ vật, có chính sách khuyến khích hồi hương cổ vật từ nước ngoài.

Bài liên quan
  • FBI trao trả Việt Nam một số cổ vật bị đánh cắp
    Những cổ vật có nguồn gốc Việt Nam, chưa rõ chính xác niên đại, gồm: Một chiếc bình/nồi, một bộ dụng cụ gồm 8 mảnh đồng và một rìu đá. Một công dân Mỹ đã lưu giữ trái phép những cổ vật này.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thiết lập chính sách hồi hương cổ vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO