Thiết bị bay không người lái “mini” và phương án đối phó

23/09/2021 20:06

Thiết bị bay không người lái (UAV) trong lĩnh vực quân sự đang bước vào một giai đoạn phát triển mới khi các thiết bị này ngày một trở nên nhỏ gọn hơn, thông minh hơn, nhanh hơn, rẻ hơn và dễ dàng cải tiến hơn.

“Tấn công đồng loạt bằng UAV với số lượng lớn là thứ mà bạn sẽ thấy trên chiến trường trong tương lai... Chúng tôi đã nghiên cứu nhiều hệ thống vũ khí khác nhau nhằm tìm ra cách tiêu diệt UAV. Tuy nhiên, đối phó với UAV cỡ nhỏ (UAV mini) là khó khăn hơn nhiều”, Đại tướng John Murray, Tư lệnh Bộ tư lệnh Hiện đại hóa Lục quân Hoa Kỳ (Army Futures Command) chia sẻ.

Vai trò của UAV trong chiến tranh hiện đại

UAV lần đầu tiên xuất hiện trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khi quân đội Mỹ thực hiện kế hoạch mật danh Aphrodite nhằm biến những máy bay ném bom Boeing B-17, B-24 Liberator và PB4Y đã hết thời hạn phục vụ thành UAV “cảm tử” (thông qua điều khiển vô tuyến) để tấn công các mục tiêu như boong-ke, căn cứ tàu ngầm và địa điểm vũ khí của phát xít Đức. Tuy nhiên, chương trình này được coi là một “thảm họa” bởi nhiều máy bay bị rơi hoặc nổ trước khi tiếp cận mục tiêu. Nhiều thập kỷ sau đó, quân đội Mỹ tập trung vào việc sử dụng tên lửa, đồng thời nghiên cứu phát triển UAV. Cuộc “thị uy” quy mô lớn đầu tiên của UAV diễn ra trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Quân đội Mỹ từng cải tiến máy bay B-24 thành UAV. Ảnh: aviation-history.com

Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đã đưa UAV thành một bộ phận quan trọng trong biên chế quân đội các nước. Thiết bị bay không người lái thường phục vụ hoạt động trinh sát, thu thập tin tức tình báo, cảnh báo sớm và tấn công. Theo thống kê của Đại học Bard (Mỹ), số lượng các quốc gia sở hữu UAV quân sự tăng mạnh trong thập niên vừa qua, từ con số 60 vào năm 2010 lên 100 vào năm 2020, với hơn 170 loại đang hoạt động trên phạm vi toàn cầu; trong đó có hơn 21.000 UAV đang phục vụ trong quân đội các nước. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này cao hơn rất nhiều do tính chất bảo mật quân sự. Quân đội Mỹ coi UAV, đặc biệt là UAV mini, là một trong những mối đe dọa trên không lớn, bởi dù phạm vi phủ sóng radar của quân đội các nước có rộng đến đâu thì vẫn có thể để lọt những chiếc UAV cỡ nhỏ. Các loại UAV này thường có trọng lượng từ 9-600kg.

Tháng 10-2016, Mỹ tiến hành thử nghiệm tác chiến số lượng lớn 103 UAV quân sự cỡ nhỏ Perdix (chỉ dài 16cm) kích hoạt từ 3 máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet. Số lượng UAV này có nhiệm vụ chế áp điện tử, tấn công hệ thống phòng không, vị trí bố trí vũ khí như các tổ hợp tên lửa, thiết bị tăng thiết giáp và các mục tiêu quan trọng của đối phương.

Thiết bị bay không người lái do Tập đoàn Kalashnikov của Nga sản xuất có thể mang thuốc nổ nặng 3kg. Một nhóm UAV như vậy hoạt động như một “bãi mìn bay”. Ảnh: zala-aero.com

Nga cũng đã chú trọng phát triển những mẫu UAV cỡ nhỏ đến siêu nhỏ, gần như không thể bị phát hiện. Chúng có thể bất ngờ xuất hiện lơ lửng trên không ở độ cao 100-200m và tiêu diệt xe tăng đối phương trị giá vài triệu USD. Trong khi đó, Trung Quốc cũng thiết kế UAV mini với mục đích chống khủng bố, bạo loạn, với tầm bay 50km, tốc độ 70-90km/h và có thể hoạt động độ ở cao trên 5.000m. Tại Pháp, các UAV chạy bằng điện có khả năng cất/hạ cánh thẳng đứng được thiết kế riêng cho lực lượng bộ binh làm nhiệm vụ chi viện hỏa lực trực tiếp từ trên không.

Từ cuộc chiến UAV đến cuộc đua “tìm-diệt”

Saudi Arabia đã bắn hạ một chiếc UAV của lực lượng khủng bố Houthi. Ảnh: gulfnews.com

Những năm trở lại đây, UAV cỡ nhỏ ngày càng xuất hiện nhiều, đa dạng về chủng loại và trực tiếp đe dọa an ninh của nhiều quốc gia. Theo thống kêcủa The Guardian, giới chức Pháp đã phát hiện UAV lượn vòng trên không phận nhà máy điện hạt nhân của nước này vào tháng 10-2014; trong cuộc vận động tranh cử vào tháng 9-2015, một chiếc UAV rơi ngay trước mặt Thủ tướng Đức Angela Merkel. Gần đây nhất, ngày 14-9-2019, hai cơ sở sản xuất dầu lớn nhất của Saudi Arabia đã bị tấn công bởi UAV của lực lượng khủng bố Houthi... Việc đối phó với mối đe dọa do UAV gây ra, đặc biệt là UAV mini, đang là vấn đề cấp thiết. Nhiều quốc gia đang “đau đầu” tìm cách tiêu diệt và vô hiệu hóa thiết bị bay không người lái, đặc biệt là các UAV hoạt động với số lượng lớn cùng lúc trong môi trường tác chiến hiện đại.

Hệ thống phản hồi vi sóng công suất cao (THOR). Nguồn: AFRL

Để có thể tiêu diệt UAV thành công, việc đầu tiên là phải dò tìm, theo dõi và phát hiện sớm, từ đó đưa ra phương pháp phù hợp để vô hiệu hóa chúng bằng cách dùng hỏa lực tấn công (sát thương cứng) hoặc gây nhiễu (sát thương mềm). Quân đội Mỹ đã lên kế hoạch chi 83 triệu USD trong năm nay để mua vũ khí laser, thiết bị điện từ và các phương tiện khác với mục đích bắn hạ các UAV cỡ nhỏ. Cuối năm nay, tàu khu trục USS Preble của Hải quân Mỹ sẽ được trang bị vũ khí laser công suất 60 kilowatt và một bộ chiếu sáng quang học, trong khi đó, Không quân Mỹ cũng sẽ triển khai một hệ thống phản hồi vi sóng công suất cao (THOR). Lầu Năm Góc cũng sẽ chi 404 triệu USD để phát triển hệ thống phòng thủ chống UAV mới.

Ngoài ra, các nỗ lực khắc chế UAV cỡ nhỏ của quân đội Mỹ trong tương lai cũng được thực hiện bởi Cơ quan nghiên cứu phương pháp đối phó các hệ thống bay không người lái (JCO) thuộc Lục quân Mỹ. Một số phương pháp đã được nghiên cứu và triển khai gồm hệ thống tích hợp phòng không trên biển. Hệ thống này đã được lắp đặt trên trên tàu đổ bộ USS Boxer Hải quân Mỹ và bắn hạ được một chiếc UAV của Iran vào tháng 7-2019. Chiến lược mới của JCO hướng tới đối phó với tình huống khi UAV thương mại sẽ xuất hiện với số lượng vô cùng lớn trong cuộc sống hằng ngày và các hệ thống phòng thủ sẽ phải làm việc “cật lực” để phát hiện những chiếc UAV khả nghi trà trộn trong số đó. Tuy nhiên, việc truy tìm được các UAV như vậy là một thách thức lớn bởi những chiếc UAV “mini” thường quá nhỏ đối với radar, quá “mát” đối với cảm biến nhiệt và quá “êm” đối với máy dò âm.

Một cách tiếp cận khả thi khác kết hợp giữa phát hiện và phòng thủ là chiếm quyền điều khiển thông qua tín hiệu vô tuyến. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là người ta không thể chiếm quyền điều khiển nếu như kết nối vô tuyến không tồn tại - nghĩa là khi một UAV có thể hoạt động độc lập. UAV thông minh hơn sẽ là thách thức lớn tiếp theo đối với hệ thống phòng thủ. JCO cho biết: “Mối đe dọa trong tương lai là những chiếc UAV tự hành sử dụng công nghệ AI và có khả năng tận dụng công nghệ 5G”.

MORFIUS của hãng Lockheed Matin sử dụng chùm vi sóng công suất lên đến một gigawatt có thể dễ dàng tiếp cận và tiêu diệt các nhóm UAV số lượng lớn. Ảnh: lockheedmartin.com

Tháng 5-2021, hãng Lockheed Martin (Mỹ) cho ra mắt thiết bị bay MORFIUS có nhiệm vụ đối phó với các nhóm UAV cỡ nhỏ. Nhờ hệ thống phát vi sóng năng lượng cao, dựa trên 3 bước chính gồm dùng radar để phát hiện mục tiêu, theo dõi và nhận diện và cuối cùng là dùng vũ khí laser hoặc vũ khí điện từ để bắn hạ mục tiêu, MORFIUS có thể dễ dàng tiếp cận và tiêu diệt các nhóm UAV bằng chùm vi sóng công suất lên đến một gigawatt, lớn hơn hàng triệu lần so với một lò vi sóng cỡ trung bình.

Quân đội Nga cũng đang huấn luyện các đơn vị đặc nhiệm chống lại UAV cỡ nhỏ. Đầu tháng 9-2021, Nga đã đưa hệ thống phòng thủ tên lửa hành trình và hệ thống chống UAV vào cuộc tập trận quy mô lớn Zapad-2021.

Ngoài ra, một số công nghệ chống UAV đang được triển khai như công nghệ tiêu diệt UAV bằng hỏa lực dựa trên các thông tin tình báo; công nghệ gây nhiễu vô hiệu hóa hệ thống điều khiển cũng như thông tin liên lạc và động lực của UAV; công nghệ ngụy trang giả mục tiêu nhằm đánh lạc hướng và giảm khả năng tác chiến của UAV...

Công ty Battalle (Mỹ) sản xuất hệ thống Drone Defender với mục đích chặn đứng UAV thông qua công nghệ gây nhiễu tần số điều khiển bằng sóng vô tuyến. Ảnh: battelle.org

Những công nghệ này đã được áp dụng cho một số hệ thống chống UAV tiêu biểu như hệ thống Icarus do hãng Lockheed Matin (Mỹ) phát triển năm 2014; hệ thống Drone Defender do công ty Battalle (Mỹ) sản xuất; hệ thống Venom của Tập đoàn Northrop Grumman (Mỹ); hệ thống phòng thủ C-UAV (AUDS) do 3 công ty của Anh là Blighter Suveillance Systems, Chess Dynamics và Enterprise Control Systems hợp tác sản xuất; hệ thống giám sát và chống UAV bằng vô tuyến điện Ardronis do hãng Rohde-Schwarz (Đức) sản xuất; hệ thống Falcon Shield do công ty Selex ES thuộc Tập đoàn Finmeccanica (Italy) sản xuất; hệ thống Drone Guard của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Israel (IAI)...

Hệ thống Drone Guard của Israel có nhiệm vụ thăm dò, phát hiện và đeo bám UAV đặc dụng thông qua radar 3D. Ảnh: defensenews.com

Có thể thấy, vai trò của UAV trong lĩnh vực quân sự đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Công nghệ ngày càng phát triển sẽ thúc đẩy chiến tranh hiện đại chuyển sang một cấp độ mới khi UAV có thể đảm nhận nhiều tác vụ với hiệu suất cao trong tác chiến trên thực địa.

MINH ANH

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thiết bị bay không người lái “mini” và phương án đối phó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO