Thiên tài Trung Quốc bị chê không mua nổi nhà và sự thật ai cũng phải suy ngẫm

20/03/2024 11:04

Cách sống đạm bạc, không mưu cầu danh lợi và vật chất của thiên tài Toán học Vi Đông Dịch khiến nhiều người phải nhìn nhận lại giá trị của thành công và hạnh phúc.

Thiên tài Toán học Vi Đông Dịch hiện là giáo sư trẻ của Đại học Bắc Kinh (Bắc Đại) - trường đại học đứng thứ 2 Trung Quốc. Mọi người thường gọi anh là Vi Thần.

Vi Thần không ít lần trở thành chủ đề bàn tán, thậm chí nhận những lời chế giễu từ cộng đồng mạng vì giỏi, nhưng 33 tuổi không mua nổi nhà, cũng chẳng có xe. Tuy nhiên, sự thật phía sau khiến nhiều người phải nhìn lại mình.

Giáo sư Toán học của Đại học Bắc Kinh, Vi Đông Dịch. (Ảnh: Toutiao)
Giáo sư Toán học của Đại học Bắc Kinh, Vi Đông Dịch. (Ảnh: Toutiao)

Thiên tài Bắc Đại

Vi Đông Dịch (sinh năm 1991 ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc), trong gia đình tri thức, bố mẹ đều là giáo sư tại Đại học Kiến trúc Sơn Đông.

Ngay từ nhỏ, anh hứng thú đặc biệt với các sách Toán và có thể đắm chìm cả ngày trong thế giới của các con số.

Trong khi những bạn bè đồng trang lứa còn đang say mê với những món đồ chơi sắc màu, thì Đông Dịch lại thích giải các bài toán khó cùng với bố.

Sau khi đi học, tài năng Toán học của anh càng nổi bật. Tư duy logic và khả năng phân tích của Đông Dịch vượt trội so với các bạn học khác.

Khi Vi Đông Dịch học lớp 7, nhờ thành tích toán vượt trội được thầy Trương Vĩnh Hoa cho phép tham gia vào lớp luyện thi Olympic Toán học của trường, nhằm giúp anh nâng cao vốn kiến thức về môn Toán. Thầy Vĩnh Hoa nổi tiếng là người chắp cánh cho nhiều học sinh đỗ vào hai đại học top đầu Trung Quốc: Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh.

Trước khối kiến thức nâng cao, Đông Dịch kiên trì tiếp thu từng ngày và tiến bộ vượt bậc. Điều đáng ngạc nhiên là phương pháp giải toán của anh luôn sáng tạo, tối giản mà chính xác.

Lên cấp 3, thành tích học tập của Đông Dịch luôn thuộc top đầu, đạt nhiều giải thưởng và thường đại diện cho tỉnh đi thi các kỳ thi Toán cấp quốc gia.

Không chỉ giành được nhiều giải thưởng trong nước, Đông Dịch còn giành được giải thưởng trong các cuộc thi quốc tế. Anh đại diện cho đội tuyển Trung Quốc và giành chiến thắng chung cuộc trong cuộc thi Olympic Toán học quốc tế năm 2008 tại Marid (Tây Ban Nha).

Chiến thắng của Đông Dịch năm đó càng thuyết phục hơn khi anh giành điểm tuyệt đối trong đêm chung kết, trở thành người thứ 3 thế giới làm được điều này trong lịch sử cuộc thi Olympic Toán học quốc tế.

Vi Đông Dịch (áo đỏ) với tấm huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế năm 2008. (Ảnh: Baidu)
Vi Đông Dịch (áo đỏ) với tấm huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế năm 2008. (Ảnh: Baidu)

Thành tích đồ sộ giúp Vi Thần nhận được tấm vé vào thẳng khoa Toán, Đại học Bắc Kinh. Đông Dịch khi đó được gắn liền với cái mác "thiên tài toán học". Thế nhưng, không vì vậy mà anh lơ là, kiêu ngạo. Anh sẵn sàng giúp đỡ bạn học trong việc giải những bài toán khó và luôn sẵn sàng học tập từ mọi người xung quanh để hoàn thiện bản thân.

Trong thời gian theo học tiến sĩ tại trường, Đông Dịch xuất bản các bài báo nghiên cứu trên các tạp chí Toán học nổi tiếng quốc tế, mỗi bài đều có giá trị tham khảo rất lớn.

Sau khi tốt nghiệp, Đại học Havard chi rất nhiều tiền để mời Đông Dịch qua Mỹ giảng dạy. Anh kiên quyết từ chối và chọn ở lại Đại học Bắc Kinh để cống hiến cho sự nghiệp Toán học của Trung Quốc.

Các tiết học của Vi Đông Dịch luôn nhận được sự chào đón của phần lớn các sinh viên ở Đại học Bắc Kinh. Với vốn kiến thức toán học phong phú, anh luôn giảng giải các vấn đề dễ hiểu và không hề khô khan.

Vi Đông Dịch nhiều lần gây sốt mạng xã hội với những bài giải thích "Đại số tuyến tính" dễ hiểu, sinh động và thú vị.

Cách sống gây tranh cãi

Mặc dù Vi Đông Dịch có danh tiếng cao trong giới học thuật nhưng phong cách ngoài đời của anh gây không ít tranh cãi.

Trong một video phỏng vấn trên truyền hình, Đông Dịch xuất hiện với tóc dài lôi thôi rối bù, quần áo đơn giản, tổng thể có chút luộm thuộm, câu trả lời cũng có phần không mạch lạc.

Vẻ ngoài đơn giản của một giáo sư Toán học Bắc Đại. (Ảnh: Toutiao)
Vẻ ngoài đơn giản của một giáo sư Toán học Bắc Đại. (Ảnh: Toutiao)

Nhiều người xem video bắt đầu buông lời chế giễu Đông Dịch. Họ cho rằng Đông Dịch 33 tuổi không nhà, không xe thì dù học cao đến đâu cũng không được coi là người thành công trong xã hội.

Phong cách của anh cũng khiến nhiều người thắc mắc mức lương cho một thiên tài có nhiều như những gì họ đã đóng góp cho xã hội hay chưa.

Một người quen của Đông Dịch sau đó tiết lộ, thu nhập hàng năm của anh có thể vào khoảng 600.000 NDT (hơn 2 tỷ đồng), tương đối cao so với thu nhập trung bình ở Trung Quốc. Lý do anh lựa chọn cuộc sống như vậy là do không có nhu cầu cao về cuộc sống vật chất. Đông Dịch thường ôm một túi bánh bao và chai nước để có nhiều thời gian tập trung cho công việc hơn.

Đông Dịch không theo đuổi tiền tài và danh vọng, khi được hỏi về thành tích của mình, thiên tài cũng trả lời ngắn gọn rằng tất cả những gì anh quan tâm là Toán học.

Câu chuyện của Vi Đông Dịch là một trường hợp điển hình về những người trẻ hiện đại dũng cảm theo đuổi giá trị nội tâm. Anh không chỉ khiến xã hội phải suy nghĩ lại về thành công và hạnh phúc, mà còn làm gương cho nhiều người trẻ theo đuổi giá trị bản thân.

Hoa Vũ(Nguồn: Zhihu, Toutiao)
Theo vtc.vn
https://vtc.vn/thien-tai-trung-quoc-bi-che-khong-mua-noi-nha-va-su-that-ai-cung-phai-suy-ngam-ar859803.html
Copy Link
https://vtc.vn/thien-tai-trung-quoc-bi-che-khong-mua-noi-nha-va-su-that-ai-cung-phai-suy-ngam-ar859803.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thiên tài Trung Quốc bị chê không mua nổi nhà và sự thật ai cũng phải suy ngẫm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO