Thị trường Việt phải tiêu thụ 78 triệu xe điện mới 'xanh hoá' giao thông

24/11/2024 09:57

Để hoàn thành mục tiêu xanh hoá ngành giao thông, góp phần đưa phát thải về ròng về 0, doanh số bán xe điện tại thị trường Việt từ nay đến năm 2050 phải đạt con số 78 triệu chiếc.

Mục tiêu giảm 226 triệu tấn phát thải CO2

Báo cáo “Việt Nam: Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện” vừa công bố của Ngân hàng Thế giới đưa ra lộ trình hiện thực hóa các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam.

Cụ thể, đến năm 2030, 50% phương tiện đô thị và toàn bộ xe buýt, taxi sẽ chạy điện. Mục tiêu đến 2050, chuyển đổi hoàn toàn các phương tiện giao thông đường bộ sang chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh.

Quá trình chuyển đổi này sẽ giảm 5,3 triệu tấn phát thải CO2  (tương đương 8% chỉ tiêu giảm phát thải của Việt Nam) vào năm 2030 và 226 triệu tấn (tương đương 60% chỉ tiêu) vào năm 2050.

Báo cáo này nêu rõ, trong ngành giao thông vận tải, quá trình đốt cháy xăng và dầu diesel của các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong thải ra một lượng đáng kể các chất ô nhiễm không khí như: oxit nitơ, oxit lưu huỳnh và vật chất dạng hạt có đường kính 10 micromet trở xuống (PM10).

Các khí thải này góp phần gây ô nhiễm không khí cục bộ, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, đe doạ đến sức khoẻ của người dân.

xe dien
Việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện ở Việt Nam chủ yếu diễn ra ở phân khúc xe 2 bánh trong giai đoạn từ nay đến năm 2035.

Hiện, các phương tiện giao thông đường bộ đến nay là tác nhân lớn nhất gây ra phát thải khí nhà kính, chiếm khoảng 85% lượng phát thải của ngành giao thông vận tải. Trong đó, năm 2022, xe 2 bánh (xe máy và gắn máy) chiếm 28% lượng phát thải; xe buýt và xe khách liên tỉnh chiếm 11%; ô tô con chiếm 6%; còn xe tải đủ cỡ đóng góp tới 56% lượng phát thải.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải” thông qua Quyết định 876, tháng 7/2022.

Quyết định quan trọng này là chính sách đầu tiên của Việt Nam có mục tiêu cụ thể là giảm khoảng 7,2% phần đóng góp của ngành giao thông vận tải vào tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn nền kinh tế. Đây cũng là bước tiến quan trọng để Việt Nam đạt được Mức đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) theo Thỏa thuận Paris và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

Tổng doanh số bán xe điện phải đạt 78 triệu chiếc

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra một loạt các khuyến nghị về chính sách cho Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra theo Quyết định 876, trong đó nhấn mạnh về chuyển đổi phương tiện giao thông sang xe điện.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện được nhận định là quá trình phức tạp, bao quát một hệ sinh thái đa ngành tập trung vào việc phát triển phương tiện công cộng chạy điện, gồm thúc đẩy hoạt động cung ứng và sản xuất xe điện (EV), ưu đãi cho nhu cầu EV, triển khai mạng lưới trạm sạc, chuẩn bị để ngành điện thích ứng với hoạt động sạc xe điện…

“Bước đầu tiên thiết yếu cho quá trình chuyển đổi này là thành lập một cơ quan liên chính phủ để lãnh đạo và điều phối các nỗ lực trong suốt quá trình chuyển đổi”, báo cáo đưa ra khuyến nghị. Trong đó, các Bộ Công thương, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính sẽ đóng vai trò chủ trì trong các lĩnh vực được giao của mình tại cơ quan liên chính phủ này.

Hiệu quả làm việc của cơ quan liên chính phủ này sẽ có tác động quyết định đến việc tối ưu hóa tốc độ và chi phí liên quan đến quá trình chuyển đổi.

Báo cáo nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu về mức độ sử dụng xe điện, doanh số bán loại xe này tại Việt Nam cần tăng từ mức 500.000 chiếc năm 2022 lên khoảng 1,5 triệu chiếc vào năm 2030 và 7,3 triệu chiếc vào năm 2050. Con số này tương ứng với nhu cầu thị trường đối với tất cả các loại xe điện là hơn 7 triệu chiếc trong giai đoạn 2024–2030 và 71 triệu chiếc trong giai đoạn 2031–2050.

xe dien
Vinfast chính thức trở thành thương hiệu ô tô chiếm thị phần số 1 Việt Nam trong 10 tháng năm 2024.

Theo đó, trước năm 2035, xe hai bánh (2W, bao gồm xe máy và xe gắn máy) dự kiến vẫn là phương tiện chiếm lĩnh thị trường xe Việt Nam, mặc dù nhu cầu tổng thể có xu hướng giảm. Điều kiện thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện là sự gia tăng sử dụng xe điện 2 bánh (E-2W), như hiện trạng từ năm 2014 đến nay.

Việt Nam đang là thị trường xe điện 2 bánh lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Năm 2022, lượng xe điện 2 bánh chiếm 12% thị phần trong tổng doanh số bán 2W. Do đó, Việt Nam đã sẵn sàng cho việc nhanh chóng tăng tốc sử dụng E-2W trên quy mô lớn hơn nhiều.

Thực tế cho thấy, thị trường cung ứng xe điện 2 bánh ở Việt Nam tương đối đa dạng và sôi động, với nhiều nhà cung cấp cạnh tranh về chất lượng và giá cả. Mức độ đón nhận của người tiêu dùng đối với E-2W khá cao, đặc biệt là ở thành thị. Ở một số phân khúc E-2W, chi phí mua xe và tổng chi phí sở hữu đã có thể cạnh tranh với xe 2 bánh chạy xăng.

Trong phân khúc ô tô con (PC), báo cáo của Ngân hàng thế giới chỉ rõ, Việt Nam có cơ hội rất lớn để thoát ly khỏi xe ô tô chạy xăng và dầu diesel thông thường trong quá trình cơ giới hóa, chuyển sang kỷ nguyên của xe ô tô điện (E-PC).

Tuy nhiên, sẽ mất thêm một thập kỷ nữa để PC thay thế 2W và trở thành lựa chọn phương tiện chủ đạo tại thị trường Việt. Đáng chú ý, ở giai đoạn này, giá xe E-PC sẽ ngày càng cạnh tranh hơn so với xe PC truyền thống do hiệu suất được cải tiến đáng kể.

Đặc biệt, khi VinFast - hãng sản xuất xe điện nội địa đầu tiên của Việt Nam, ra mắt các mẫu E-PC đầu tiên vào năm 2021 đã ngay lập tức chiếm lĩnh hơn 14% tổng thị phần PC trong năm đó.

Giá mua của một số mẫu E-PC phổ biến nhất của VinFast hiện đã ngang bằng với xe con truyền thống. Tổng chi phí sở hữu của các mẫu E-PC này trong 10 năm cũng giảm đến 27% nhờ tiết kiệm chi phí nhiên liệu khi chuyển đổi từ xăng sang điện và nhu cầu bảo trì ít hơn.

Theo số liệu VinFast công bố mới đây, đơn vị này đã bàn giao hơn 11.000 xe ô tô điện các loại cho khách hàng trong tháng 10/2024, nâng tổng số lũy kế lên hơn 51.000 chiếc, chính thức trở thành thương hiệu ôtô chiếm thị phần số 1 Việt Nam trong 10 tháng năm 2024.

Báo cáo của Ngân hàng thế giới cũng lưu ý, ngoài phân khúc xe cá nhân, việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện thuộc phân khúc xe buýt công cộng và xe thương mại cũng quan trọng không kém, đặc biệt là trên phương diện giảm phát thải carbon.

Vừa mới đây, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố”. Theo đó, tới năm 2035, Hà Nội sẽ chuyển đổi 50% sang xe buýt điện; 50% xe chạy bằng năng lượng CNG/LNG.
Trước đó, TP HCM cũng đặt mục tiêu đưa chuyển đổi toàn bộ xe buýt hiện có sang xe điện từ năm 2030, đồng thời mở mới 72 tuyến xe buýt từ năm 2025, tất cả phải sử dụng năng lượng xanh.
Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/thi-truong-viet-phai-tieu-thu-78-trieu-xe-dien-moi-xanh-hoa-giao-thong-2344944.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/thi-truong-viet-phai-tieu-thu-78-trieu-xe-dien-moi-xanh-hoa-giao-thong-2344944.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thị trường Việt phải tiêu thụ 78 triệu xe điện mới 'xanh hoá' giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO