Sau chuỗi phiên tăng điểm trước đó, thị trường chứng khoán đã có sự điều chỉnh đáng kể trong tuần qua. Đóng cửa thị trường, VN-Index chốt ở mức 1.270,6 điểm, giảm 1,6% so với tuần trước. Bên cạnh đó, HNX-Index giảm 1,3% và xuống 232,7 điểm, UPCOM-Index giảm 1,6% xuống 92,4 điểm.
Áp lực phân phối ngắn hạn
Về diễn biến thị trường, ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), cho biết phiên giao dịch đầu tuần, thị trường chìm trong sắc đỏ và các phiên sau đó, VN-Index kiểm định không thành công mốc 1.300 điểm. Điều này dẫn đến hai phiên giảm điểm cuối tuần và kết quả là VN-Index đã giảm tổng cộng 20,32 điểm trong cả tuần.
Song, ông Nhật cho hay thanh khoản trong tuần đã tăng so với tuần trước trên cả hai sàn. Cùng với đó, các nhà đầu tư nước ngoài có động thái mua ròng mạnh trên sàn HoSE (446 tỷ đồng). Họ tập trung mua ròng tại các mã TCB, FPT, MWG và PNJ. Tuy nhiên, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên sàn HNX (295 tỷ đồng) tại các mã BVS, IDC và SHS.
Phân tích xu hướng thị trường, ông Phan Tấn Nhật cho rằng sau khi kết thúc quý 3, VN-Index vượt lên vùng giá cao nhất năm 2023 quanh 1.250 điểm và bước vào tuần đầu của quý 4, chỉ số tiếp tục tăng điểm để đi lên vùng kháng cự rất mạnh 1.300 điểm. Tuy nhiên các phiên giao dịch gần đây, thị trường gặp phải áp lực cung gia tăng đột biến ở nhiều mã chứng khoán, điều này cho thấy áp lực phân phối ngắn hạn ở vùng kháng cự 1.300 điểm.
Về xu hướng ngắn hạn, ông Nhật cho biết VN-Index đang chuyển sang trạng thái điều chỉnh với mức kháng cự 1.290 điểm. Sang tuần tới, VN-Index ở kịch bản tích cực sẽ tiếp tục tích lũy trong vùng 1.280 điểm-1.300 điểm. Trong trung hạn, VN-Index kỳ vọng sẽ vượt lên vùng giá 1.300 điểm để hướng đến các vùng giá cao hơn 1.320 điểm. Trong đó, 1.300 điểm-1.320 điểm là các vùng kháng cự rất mạnh, đây là đỉnh giá tháng 6-8/2022 và đỉnh giá các tháng đầu năm 2024.
Đánh giá các yếu tố cơ bản trên thị trường, ông Phan Tấn Nhật lưu ý, VN-Index chỉ có thể vượt qua các vùng đỉnh/kháng cự mạnh trên khi có các thông tin hỗ trợ vĩ mô tốt và báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết có sự tăng trưởng vượt trội.
Tận dụng nhịp điều chỉnh
Cùng quan điểm, Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán VNDIRECT chia sẻ VN-Index đã đối mặt với áp lực chốt lời gia tăng mạnh mẽ khi tiếp cận vùng kháng cự 1.300 điểm và quay đầu giảm điểm trong tuần vừa qua. Theo ông Hinh, nhịp điều chỉnh của thị trường còn chịu tác động từ việc tỷ giá USD/VND liên ngân hàng quay đầu tăng trở lại lên mức 24.750 và lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng vượt mốc 4%.
Trong tuần tới, ông Hinh dự báo VN-Index có thể kiểm định vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm (+/- 10 điểm). Theo đó, thị trường kỳ vọng dòng tiền bắt đáy sẽ xuất hiện do VN-Index ít khả năng điều chỉnh sâu hơn ở vùng này. Trong trung hạn, ông Hinh giữ quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam dựa trên những yếu tố hỗ trợ. Như, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng cung tiền trong những tháng cuối năm, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 3 và quý 4 năm nay, được thúc đẩy bởi đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam và mức nền so sánh thấp trong nửa cuối năm 2023.
Theo đó, ông Hinh khuyến nghị nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân trở lại, ưu tiên các mã cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực và định giá còn hấp dẫn trong những ngành như ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, xuất khẩu (dệt may, thủy sản) và dầu khí.
Nhìn chung diễn biến giao dịch vừa qua phản ánh sự điều chỉnh của thị trường sau giai đoạn tăng điểm. Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng, đánh giá kỹ lưỡng tình hình vĩ mô và kết quả kinh doanh doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm có thể thu hút dòng tiền bắt đáy, tạo nền tảng cho sự phục hồi trung hạn. Tuy nhiên, các yếu tố bất định vẫn cần được theo dõi sát sao và việc lựa chọn các mã cổ phiếu chất lượng cao, có triển vọng tăng trưởng tốt sẽ là “chìa khóa” giúp nhà đầu tư ra quyết định đầu tư đúng đắn./.