Canh rừng, giữ voọc
Những ngày giữa tháng 4, chúng tôi tìm đến thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam để tận mắt nhìn thấy đàn voọc chà vá chân xám và nghe bà con kể chuyện bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm này.
Hay tin có khách ghé thăm tìm hiểu về đàn voọc quý, từ sáng sớm, nhà ông Nguyễn Dư - tổ trưởng tổ tự nguyện bảo vệ vọoc chân xám - đã rộn ràng tiếng nói.
Trước khi lên đường ngắm voọc, ông Dư giới thiệu sơ bộ về các thành viên tổ tự nguyện do UBND xã thành lập hơn 5 năm nay khiến ai cũng ngạc nhiên. Họ đều là những nông dân thứ thiệt, quanh năm bận rộn với việc đồng áng, tất cả đều xung phong tình nguyện canh giữ đàn voọc.
"Chúng tôi gắn bó với rừng, với đàn voọc đã nhiều năm qua. Chẳng ai nghĩ đây là công việc mà là trách nhiệm, là nghĩa vụ đầy tự hào khi cánh rừng nơi đây có loài linh trưởng quý giá này. Lịch tuần tra được phân công cụ thể, đôi khi phải tranh nhau đi", ông Dư nói.
Năm 2017, thông tin về đàn voọc chà vá chân xám bị "lãng quên" được phát hiện tại Hòn Dồ, huyện Núi Thành khiến các chuyên gia trong và ngoài nước chú ý. Ngay lập tức, tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) tại Đà Nẵng tiến hành kiểm tra, kiểm đếm.
Biết được những "chú khỉ" trong khu rừng tự nhiên gần nhà là loài đặc biệt quý hiếm, nguy cấp nằm trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới, ông Dư cùng 2 người bạn là ông Lương Thanh Vân (SN 1977) và Lê Văn Hảo (SN 1984) ở xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành xung phong tuần tra bảo vệ.
Đến năm 2019, xã Tam Mỹ Tây thành lập tổ bảo vệ rừng thôn bản với 10 thành viên, do ông Dư làm tổ trưởng. Không có kinh phí, tiền xăng xe, cơm nước họ phải tự lo liệu.
Tổ bảo vệ thay phiên nhau vào rừng tuần tra, theo dõi mọi biến động của đàn voọc bất kể ngày mưa hay nắng. Đi hết đỉnh núi này, họ lại băng qua các rẫy keo đến các ngọn núi khác, xong việc mới về nhà.
Ông Lê Văn Hảo cho hay, đàn voọc trên núi nhiều năm và người dân không ai biết là động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, nhưng họ vẫn ngó chừng.
"Mấy năm nay đã không còn có tiếng súng nào trong rừng Hòn Dồ. Người dân đi rẫy, vào rừng cũng ý thức không xâm phạm "lãnh địa" bầy voọc. Nếu phát hiện bẫy thú hay người lạ mang súng vào rừng, người dân sẽ lập tức báo kiểm lâm xử lý. Người dân địa phương tuyệt đối không bắt voọc", ông Hảo chia sẻ.
Theo ông Phan Đình Dung - Chủ tịch xã Tam Mỹ Tây, tổ tự nguyện 10 người giữ vai trò tuần tra bảo vệ, đồng thời góp sức với các thành viên khác gồm lãnh đạo xã, cán bộ chủ chốt các đoàn thể như phụ nữ, thanh niên, nông dân, học sinh, giáo viên… vận động, tuyên truyền, phát tờ rơi để nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ voọc chà vá chân xám quý hiếm.
"Thực tiễn hiện nay cho thấy các mối đe dọa đối với đàn voọc từng bước giảm xuống. Người địa phương không còn nhắm đến săn bắt voọc. Có 15 hộ dân cam kết chừa 3 m đất rẫy bao quanh khu vực rừng tự nhiên nơi có đàn voọc để làm ranh giới; 24 hộ trồng keo cam kết áp dụng các biện pháp canh tác bền vững hơn, không lấn rừng tự nhiên", ông Dung cho hay.
Mua rừng của dân để bảo vệ vọoc
Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Nam đã trình UBND tỉnh này đề án bảo tồn loài voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Theo kết quả khảo sát trước đây, tại xã Tam Mỹ Tây có khoảng 70 cá thể voọc chà vá chân xám. Tuy nhiên, kết quả điều tra, khảo sát trong 2 năm 2020-2021 của ông Bùi Văn Tuấn - nhà nghiên cứu hiện trạng bảo tồn và đặc điểm sinh thái của quần thể voọc chà vá chân xám ở Tam Mỹ Tây - cho thấy, tại địa phương này có từ 99-104 cá thể voọc chà vá chân xám thuộc 12 đàn, sinh sống tại 9 khu vực rừng nhỏ tách biệt trong địa bàn xã.
Khu vực đàn voọc sinh sống chỉ có khoảng 30 ha, thuộc rừng nghèo, hẹp trên núi đá, chiều ngang dao động 50-150 m. Mối đe dọa đến sự sinh tồn của quần thể này gồm cả yếu tố tự nhiên như thiếu thức ăn, nơi ở, nước uống, khó chống chịu lúc thời tiết quá nóng hoặc lạnh; nguy cơ thoái hóa nguồn gen do giao phối cận huyết; tác động từ con người như săn bắn, bẫy bắt, cháy rừng, lấn chiếm rừng làm rẫy, khai thác lâm sản...
Vì vậy, việc bảo tồn đàn vọoc quý hiếm tại xã Tam Mỹ Tây là hết sức cấp bách. Tỉnh Quảng Nam sẽ thu hồi, mua lại 30 ha rừng đang là nương rẫy của người dân nhằm đảm bảo có tối thiểu có 60 ha sinh cảnh sống cho đàn voọc.
Ngoài ra, vùng xung quanh phạm vi này với tổng diện tích khoảng 90 ha rẫy trồng keo của người dân sẽ trở thành vùng đệm, vùng phục hồi sinh thái nhằm hạn chế các tác động đến vùng lõi và tạo thêm không gian sống cho loài vọoc chân xám.
Khu vực này sẽ được đồng quản lý giữa Nhà nước và cộng đồng với định hướng kết hợp bảo tồn gắn liền du lịch sinh thái để cải thiện sinh kế cho người dân.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, đàn voọc chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây là quần thể duy nhất trên thế giới dễ dàng quan sát được ngoài tự nhiên. Vì thế, tỉnh Quảng Nam có cơ hội lớn để bảo tồn và phục vụ cho sự phát triển bền vững thông qua mô hình du lịch sinh thái, giá trị văn hóa địa phương.
Được biết, voọc chà vá chân xám là loài linh trưởng thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Tại Việt Nam, voọc chà vá chân xám chỉ phân bố ở 5 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai và Kon Tum.