Theo đó, bệnh nhân Trần Thị Trung T (67 tuổi, trú tại quận Hồng Bàng, Hải Phòng) nhập viện trong tình trạng cơ thể suy yếu, mệt, khó thở. Các y bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị suy tim, bị hẹp hở van hai lá, hở van ba lá, suy tim, rung nhĩ, hẹp động mạch mũ 60%. Điều đáng nói là, bệnh nhân đã từng được phát hiện mắc bệnh tim cách đây 24 năm, đã được mổ tách van 2 lá nhiều năm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Van tim từng thay nay đã hỏng hẳn, không còn khả năng bảo tồn hay giữ được, buộc phải thay.
Sau khi cân nhắc và tìm hiểu, phía gia đình người bệnh đã đề nghị, đăng ký cho bệnh nhân được phẫu thuật thay van tim sinh học tại Bệnh viện Việt Tiệp.
Sáng 2.4, kíp phẫu thuật gồm 3 nhóm chuyên trách (Phẫu thuật – Gây mê hồi sức – Vận hành máy tim phổi nhân tạo) đã phối hợp thực hiện, tiến hành mổ và thay van tim sinh học cho bệnh nhân T.
“Sau phẫu thuật, sáng nay (ngày 3.4), tình hình sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, ngừng thở máy, được rút ống nội khí quản từ sớm. Bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, tự thở tốt. Huyết động ổn định, đã giảm liều thuốc trợ tim” – Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thế May, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Tiệp thông tin.
Theo TS.Bác sĩ Nguyễn Thế May, để triển khai được phẫu thuật tim hở không phải bệnh viện nào cũng có thể triển khai được. Chuyên môn này đòi hỏi có sự đầu tư rất lớn và đồng bộ từ trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực. Bệnh viện Việt Tiệp đã có sự chuẩn bị rất kỹ cho ca phẫu thuật này. Việc thực hiện thành công ca bệnh một lần nữa đánh dấu bước tiến mới của cơ sở y tế hạng 1 tuyến thành phố trong việc làm chủ các kỹ thuật chuyên sâu, góp phần nâng tầm uy tín, chất lượng bệnh viện cũng như đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân.
Được biết, từ nhiều năm trước đó, Bệnh viện Việt Tiệp cũng đã triển khai việc phẫu thuật mổ tim. Hiện nay, phẫu thuật thay thế van tim đang ngày càng trở nên phổ biến với người bệnh tim. Có nhiều loại vật liệu được sử dụng để thay thế van, trong đó phổ biến nhất là van tim cơ học và van tim sinh học. Ngoài tính ưu điểm của van tim sinh học (không phải sử dụng kháng đông suốt đời), kỹ thuật này có nhược điểm là mô van tự nhiên dị loài sẽ thoái hóa theo thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động của van và sẽ gây tình trạng tái hẹp, hở van nhân tạo. Vì vậy, sau một khoảng thời gian,, bệnh nhân thường cần phẫu thuật lại để thay van mới.