Đúng 17 giờ 30 phút, trên căn gác nhỏ lại rộn rã tiếng thầy giáo giảng bài xen lẫn tiếng lao xao của lũ trẻ. Trước khi vào bài giảng, anh Khánh không quên nhắc nhở học trò của mình về những bài tập cũ: “bài tập viết mở bài về nhà hôm qua chú giao đã làm chưa”, hay hỏi thăm tình hình học tập trên lớp: “thầy cô trên trường đã ôn toán thực tế cho các con chưa?”. Những câu hỏi tưởng chừng bình thường này lại chính là cách người thầy giáo đặc biệt quan tâm đến các trò nhỏ của mình trong hơn 10 năm nay.
Lớp học của thầy Khánh diễn ra vào các ngày trong tuần, từ thứ Hai đến thứ Sáu vào lúc 17 giờ 30 phút đến 20 giờ 30 phút và chia làm hai suất. Học sinh theo học ở đây chủ yếu còn là con em của công nhân, lao động nghèo, có em là con cái của đồng nghiệp làm chung công ty với anh Khánh. Tính đến nay, đã có hơn 200 lượt học sinh tham gia học tập tại đây. Riêng hiện tại, lớp học đang có hơn 30 học viên. Hầu hết các em là học sinh từ các trường THCS trên địa bàn phường Phước Long B và các địa phương lân cận.
Gửi yêu thương qua từng con chữ
Kể về cơ duyên trở thành thầy giáo, anh Khánh kể như một sự tình cờ. Năm 2010, anh vào Sài Gòn làm việc, chứng kiến nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, thương các em nhỏ thiếu thốn điều kiện học tập, không nỡ nhìn thấy các em bỏ ngang sách vở, sa vào con đường sai trái, anh quyết định bỏ thời gian rảnh rỗi sau giờ làm để hướng dẫn, khuyến khích các em học tập.
Những ngày đầu đứng lớp, anh Khánh gặp không ít khó khăn. Không chỉ thiếu thốn vật chất mà ngay cả không gian lớp học cũng tạm bợ. Những lúc anh Khánh chuyển phòng trọ, lớp học cũng phải “di cư” theo. Về sau, anh được người chủ trọ hiện tại cho thuê nhà nguyên căn với giá rẻ để tiếp tục duy trì lớp học. Trích từ số tiền lương công nhân dành dụm được, anh Khánh mua bàn ghế, bảng, bút, sách vở... để dạy học. Không chỉ vậy, với những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, anh Khánh còn hỗ trợ các em đóng học phí.
“Tôi sống một mình, chi phí sinh hoạt cũng không bao nhiêu, nhiều thì tôi không có chứ vài trăm nghìn mỗi tháng thì tôi dư sức cho các con để đóng học phí. Tôi chỉ mong các con học thật tốt, có công ăn việc làm ổn định, thành người có ích cho xã hội. Tôi không muốn em nào phải bỏ việc học vì sự nghèo khổ, thiếu thốn”, anh Khánh tâm sự.
Để có thể soạn bài giảng và truyền đạt kiến thức cho các em chính xác nhất, anh Khánh chủ động học hỏi thêm những kiến thức trên mạng thông qua các diễn đàn dạy học. Anh cũng tìm đến nhiều thầy cô khác nhờ hỗ trợ, trau dồi nghiệp vụ sư phạm cũng như kiến thức các môn học. Bên cạnh đó, anh dành thời gian tìm hiểu về phương pháp giảng dạy hiệu quả, sáng tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, lồng ghép thêm các câu đố thực tế, dí dỏm để kích thích sự hứng thú của học sinh.
“Thay vì truyền tải kiến thức một cách khô khan đến cho các con, tôi lồng ghép thêm những câu đố, ví dụ dí dỏm từ thực tế. Như vậy, vừa giúp các con có hứng thú tìm hiểu bài học, vừa hiểu được bài, mà bản thân tôi cũng có thể trở nên thân thiết và gần gũi với các con hơn”, anh Khánh chia sẻ.
Không chỉ vậy, để giúp học sinh của mình có thêm động lực học tập, anh Khánh còn áp dụng “nghệ thuật” khen ngợi và động viên học trò. “Thay vì chê bai điểm số của các con, tôi chọn cách khen ngợi. Ví dụ khi con có sự tiến bộ từ điểm 5 lên điểm 7, một số cha mẹ hay nói đùa rằng "ăn may thôi" hoặc "điểm này chắc copy bài của bạn". Nhưng mà thế là không được, phải khen các con, bài này con làm rất tốt, lần sau cố gắng thêm tí nữa thì chắc chắn điểm số sẽ còn cao hơn. Khen ngợi để các con biết rằng sự cố gắng của các con được công nhận, để các con tự hào về việc mình làm và có thêm động lực cố gắng cho lần sau”, anh Khánh cho biết.
Cả ngày làm tại công ty thú y, chiều khi hết ca trở về đứng lớp đến gần khuya, nghỉ ngơi, thư giãn vỏn vẹn trong hai tiếng trước khi đi ngủ, dẫu vậy, nghĩ đến những lúc các em khoe thành tích trên trường, vui vẻ vì bản thân tiến bộ trong học tập, anh Khánh lại cảm thấy hạnh phúc.
“Tôi làm công việc tay chân mà, cũng có lúc đi làm về mệt mỏi, nhưng khi thấy các con hào hứng chờ đợi, khoe thành quả học tập hay kể đủ chuyện từ ở nhà đến trên trường, tôi cảm thấy vui sướng khôn xiết, không gì có thể sánh bằng được. Lúc đó, bao nhiêu mệt mỏi hay những suy nghĩ tiêu cực đều bay đi hết”, anh Khánh nói.
Trao con chữ, rèn nết người
Bên cạnh việc trao kiến thức cho các em, anh Khánh còn chú trọng đến việc rèn luyện nhân cách, đạo đức và kỹ năng sống cho các học trò của mình. Với anh, giáo dục không chỉ là việc truyền đạt kiến thức mà còn là một cơ hội để giúp các em phát triển toàn diện, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Bắt đầu từ những hành động đơn giản như việc mạnh dạn đưa ra ý kiến, nhận xét cho bài làm của các bạn; chủ động hỏi những điều bản thân chưa hiểu hay tự tin áp dụng những cách làm mới trong một bài toán, anh Khánh đã tạo cơ hội, khuyến khích các em phát triển tư duy sáng tạo, linh hoạt xử lý các vấn đề cá nhân và tự tin khám phá những tiềm năng của bản thân.
“Kỹ năng mềm rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày nhưng các con lại thiếu rất nhiều. Nếu kiến thức từ sách vở giúp các con có nền tảng tri thức vững chắc, thì kỹ năng mềm là công cụ để các con có thể phát huy tối đa tiềm năng, giao tiếp hiệu quả, giải quyết vấn đề một cách linh hoạt, tự tin, cũng như xây dựng mối quan hệ và học tập hiệu quả”, anh Khánh nói.
Bên cạnh đó, anh Khánh cũng không quên gắn kết nội dung bài học với các giá trị đạo đức, giúp các em hiểu rõ về đạo lý, tình yêu thương và lòng biết ơn từ những việc làm đơn giản như: chào hỏi bố mẹ, thầy cô, bạn bè; giúp đỡ công việc nhà cho bố mẹ, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình, biết đồng cảm và yêu thương các bạn đồng trang lứa,... Đồng thời, qua những câu chuyện, ví dụ và thực hành trong cuộc sống hàng ngày, anh muốn truyền đạt cho các em những phẩm chất tốt đẹp, giúp các em trở thành những người có lòng tử tế và sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Nhờ sự tận tình chỉ bảo của anh Khánh, nhiều học sinh học tập tại lớp không chỉ tiến bộ rõ rệt về học tập mà còn trở thành những đứa trẻ ngoan ngoãn, vâng lời. Có nhiều phụ huynh gọi điện cho anh Khánh, khoe rằng con mình biết phụ giúp bố mẹ việc nhà, lễ phép và chăm học hơn. Đây cũng chính là niềm vui và động lực cho anh Khánh tiếp tục con đường gieo chữ của mình.
Nói về người thầy Hoàng Trọng Khánh, em Kiều Như (học sinh lớp 9, trường THCS Tây Hòa nói: “Em theo học chú được 4 năm rồi. Chú dạy dễ hiểu, từ ngày theo học chú kiến thức của em được củng cố rất nhiều. Chú rất thân thiện, tốt bụng hay lồng ghép các câu chuyện vui hoặc pha trò trong các buổi học để tụi em không bị căng thẳng”.
Em Nguyễn Minh Luân (học sinh lớp 6, trường THCS Phước Bình) theo học tại lớp anh Khánh được vài tháng. Luân cho biết, thầy Khánh là một người rất tận tâm. “Chú dạy em hiểu cách làm rồi đi thi em làm được bài. Chú dặn bài nào không hiểu thì đánh dấu lại rồi lên hỏi chú, chú chỉ cho là em biết làm. Em thấy chú rất tốt bụng và vui tính”, Luân cho hay.
Còn với em Nguyễn Trường Khang (học sinh lớp 6, trường THCS Lê Quý Đôn), theo học thầy Khánh giúp em cải thiện điểm số trên trường. “Bình thường em yếu nhất là môn Toán với môn Anh Văn. Hồi xưa, em được 4 điểm Toán thôi nhưng mà giờ học chú Khánh em được 6, 7 điểm. Lúc trước, môn Văn em có 6 điểm mà giờ em lên 8 điểm rồi. Em thấy chú Khánh là người tốt bụng mà dạy dễ hiểu nữa, bài nào em không hiểu, em hỏi, chú Khánh giảng cho em là em hiểu”, Trường Khang nói.
Dù phải học cả ngày trên trường và tham gia lớp học thêm vào buổi tối nhưng trên gương mặt những cô cậu bé tại lớp học của anh Khánh chẳng có gì là mệt mỏi, đứa trẻ nào cũng vui vẻ làm bài, vui vẻ phát biểu và lưu luyến khi ra về. Suốt 13 năm qua, nhìn thấy các em học sinh dần tiến bộ và ngoan ngoãn là điều khiến anh Khánh thấy hạnh phúc và tự hào nhất.
Ước mơ lớn nhất của anh là được nhìn thấy học trò của mình trưởng thành, trở thành người công dân có ích cho xã hội, biết sống yêu thương và sẻ chia. "Tôi có một mình nên sống sao cũng được, chỉ mong mấy đứa trẻ được học tập đầy đủ, tiến bộ mỗi ngày và thành người biết yêu thương, biết ơn, sống có ích cho xã hội là vui rồi", thầy giáo công nhân chia sẻ.