Giá cau giảm không ngừng
Thời gian gần đây, giá cau tươi liên tục tăng mạnh với mức gấp khoảng 8 lần năm ngoái khiến thị trường cau "dậy sóng". Người dân ở các vùng trồng cau của Quảng Nam, Quảng Ngãi… thu hoạch quả bán được giá 40.000 đồng/kg thời điểm đầu vụ, sau đó vọt lên 80.000 - 90.000 đồng/kg. Đáng chú ý, sau khi tăng đột biến, giá cau tươi lại liên tục lao dốc trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Khảo sát trên thị trường ngày 29/10 cho thấy, giá cau tươi giảm mạnh tại nhiều tỉnh, thành. Tại Đắk Lắk, sau khi đạt đỉnh ở mức 90.000 đồng/kg, giá cau đang được mua bán ở mức 45.000 - 50.000 đồng/kg. Tại Kon Tum, giá cao ở mức 68.000 - 70.000 đồng/kg.
Tại một số tỉnh phía Bắc, giá cau giảm nhiệt đáng kể so với hồi đầu tháng, như Tuyên Quang giá cau từng đạt gần 100.000 đồng/kg, nay giảm xuống mức 85.000 đồng/kg.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) - cho rằng, hiện cau chưa phải là mặt hàng xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc mà mới chỉ theo hình thức trao đổi giữa cư dân biên giới nên sản phẩm này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo ông Nguyên, cau chủ yếu phục vụ cho người ăn trầu cau và Trung Quốc đang có khoảng 50-60 triệu người dùng. Cau được sử dụng như một vị thuốc quý để chữa một số bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa, ngăn ngừa thiếu máu, chữa dị ứng ngoài da, chống viêm họng và giữ ấm cơ thể...
Ngoài ra, cau non còn được sử dụng để sản xuất kẹo rất phổ biến ở Trung Quốc và là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn.
Giá cau tươi tiếp tục giảm trong những ngày gần đây. |
Thông thường giá cau tươi dao động ở mức chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Lần sốt giá cau tươi gần nhất là vào tháng 9/2021 lên tới 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với việc giá cau cán mốc 90.000 đồng/kg, đây là mức giá chưa từng có.
Cẩn trọng lặp lại "vết xe đổ"
Lý giải về việc giá cau tăng kỷ lục, ông Nguyên cho rằng, do vùng trồng cau ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) vừa qua gặp bão nên nguồn cung bị hụt, cau Việt Nam trở thành nguồn bù đắp.
“Vừa qua các thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu mua ồ ạt nên đẩy giá cau tăng vọt. Việc cau tăng giá là do yếu tố thời tiết ở Trung Quốc. Ở thời điểm hiện tại, thương lái Trung Quốc đã bắt đầu rút về nước do không nhận được thêm thông tin từ các nhà máy sản xuất kẹo cau tại Trung Quốc. Điều này khiến thị trường cau Việt Nam trở nên bấp bênh. Chúng ta không nên vì giá cau tăng vọt như thời gian qua mà đổ xô trồng vì nhu cầu của thị trường không nhiều, như vậy sẽ dẫn tới rủi ro lớn”, ông Nguyên khuyến cáo.
Theo số liệu của Vinafruit, năm ngoái Việt Nam xuất khẩu cau với tổng giá trị 5,13 triệu USD (hơn 130 tỷ đồng) sang Trung Quốc. Trong 8 tháng năm nay, xuất khẩu mặt hàng này đạt 21,2 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 51,3%. Cau trở thành mặt hàng xuất khẩu đứng thứ 13 của Việt Nam; đứng trên cả hạt hạnh nhân, quả vải, macca và chôm chôm.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho rằng, việc một mặt hàng đột nhiên tăng giá cao sau đó giảm mạnh không quá lạ đối với mặt hàng xuất khẩu tiểu ngạch. Trước đây, tình trạng này đã xảy ra đối với các sản phẩm như móng trâu, lá điều tươi, giun đất, đỉa, ốc bươu vàng... gây hỗn loạn thị trường và khiến nhiều nông dân Việt Nam rơi vào tình cảnh khốn đốn.
Theo ông Cường, cuối năm 2022, giá cau cũng tăng vọt lên 60.000 đồng/kg. Ngay sau đó, loại quả này giảm còn 3.000 - 4.000 đồng/kg khi Trung Quốc ngừng mua.
“Chúng ta đã có quá nhiều bài học từ hồ tiêu, thanh long, cam… Do đó, người dân cần cẩn trọng với cơn sốt này, tránh chạy theo trào lưu lặp lại vết xe đổ”, ông Cường nói.