Sự đối lập trên cùng một con đường
Khu dân cư tổ 89 (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) nằm bên sông Cẩm Lệ. Tuyến đường Đinh Gia Trinh, nối từ cầu Nguyễn Tri Phương đến cầu Cẩm Lệ, là ranh giới khu vực đô thị mới với khu dân cư này.
Trên một tuyến đường, một bên là khu phố mới, nhà cao tầng san sát, sạch đẹp; một bên vẫn còn hàng chuối, những căn nhà cấp 4 xập xệ. Với người dân sống tại tổ 89, phía bên kia đường như là nơi khác so với phần còn lại của phường Hòa Xuân.
Theo người dân địa phương, sau khi có quy hoạch khu dự trữ đất ven sông - khu dân cư nam cầu Cẩm Lệ, các hộ dân trong tổ được kiểm đếm, áp giá đền bù khiến ai cũng nghĩ mình sắp đổi đời.
Nhưng rồi sự "đổi đời" đó lại diễn ra theo đúng nghĩa đen khi quy hoạch "giậm chân tại chỗ", vì người dân muốn tái định cư tại chỗ nhưng không được chấp thuận.
Họ rơi vào cảnh đi không được, ở cũng chẳng xong, họ không nhớ nổi đã có bao nhiêu cuộc đối thoại, tiếp dân diễn ra nhưng rồi vẫn chưa biết khi nào thoát khỏi cuộc sống tạm bợ này.
Theo UBND quận Cẩm Lệ, năm 2010, UBND thành phố có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực đất dự trữ ven sông phía bắc khu E - khu dân cư nam cầu Cẩm Lệ.
Cũng trong năm 2010, Đà Nẵng có quyết định về việc thu hồi, giao đất cho Sở Xây dựng quản lý để đầu tư xây dựng dự án.
Năm 2016, UBND thành phố có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố về việc thống nhất chủ trương thu hồi đất để giải tỏa 81 hộ dân có nhà ở thực sự theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường để chống ngập úng.
Năm 2018, HĐND thành phố có công văn liên quan đến giải tỏa tại khu vực này. Theo đó, thống nhất chủ trương không thực hiện giải tỏa toàn bộ khu vực, cho phép nhân dân cải tạo sửa chữa nhà ở và quản lý quy hoạch theo quy định.
Tuy nhiên, HĐND đề nghị nghiên cứu thực hiện đền bù, giải tỏa đối với các hộ có nhu cầu thực sự về nhà ở ổn định lâu dài và thống nhất theo phương án tái định cư của thành phố.
Đối với các hộ không thống nhất giải tỏa theo chủ trương chung thì được hưởng các chính sách liên quan đến dự án chậm triển khai, lưu ý việc tổ chức sửa chữa, xây dựng mới phải đảm bảo đủ thủ tục pháp lý, cơ sở hạ tầng theo quy định.
Do đó, từ 2018 đến nay, dự án tạm dừng triển khai, nhân dân trong vùng dự án hằng năm luôn có kiến nghị thành phố sớm triển khai dự án, di dời giải tỏa để sớm ổn định đảm bảo cuộc sống người dân.
Vẫn chưa có chủ trương đầu tư, chưa phê duyệt dự án
Trong kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng khóa X, đại biểu Đinh Vui cho hay, cuối năm 2022 đã chất vấn nội dung này. Tuy nhiên qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, bà con tổ 89 phường Hòa Xuân vẫn kiến nghị UBND TP xem xét có hướng xử lý về dự án tại đây.
Về vấn đề này, ông Phùng Phú Phong - Giám đốc Sở xây dựng - giải trình, về quy hoạch xây dựng, hiện nay, các cấp độ quy hoạch xây dựng, định hướng đầu tư xây dựng khu vực này không có vướng mắc.
Trong quy hoạch 359 có khoảng 170ha dọc sông thuộc đất cây xanh công cộng cấp đô thị, đây là một trong những khu vực được bảo vệ rất nghiêm ngặt trong đồ án quy hoạch chung của Bộ xây dựng đã quy định.
Ông Phong nhấn mạnh, hiện chưa có chủ trương đầu tư, chưa phê duyệt dự án tại khu vực này. UBND TP cũng đã thống nhất chủ trương thực hiện quy hoạch công viên công cộng cấp đô thị, giao UBND quận Cẩm Lệ khẩn trương rà soát cơ sở pháp lý đất đai cũng như lên phương án về giải tỏa đền bù.
Đối với vấn đề đảm bảo quyền lợi cho người dân, năm 2020, UBND thành phố ban hành quyết định, trong đó cho phép cấp phép tạm cho người dân đối với những dự án chậm triển khai.
Năm 2021, có quyết định cho phép tách thửa thuộc ranh giới dự án quy hoạch chậm triển khai, chưa có kế hoạch thu hồi đất.
Ông Phong nói, cơ bản từ năm 2020 đến nay, đã tháo gỡ trong vấn đề cấp phép, tách thửa đối với bà con có điều kiện, có nhu cầu trong khu vực này.
Đại biểu Đinh Vui cho rằng, quận Cẩm Lệ cũng đã nói rất nhiều lần về tổng mức giá trị đền bù, về số lô đất tái định cư khi được thành phố giao khái toán kinh phí.
"Tuy nhiên, về phê duyệt dự án thì không biết tới lúc nào, quy hoạch phân khu thì chưa có, quy hoạch chi tiết thì càng chưa, do vậy việc triển khai trong thời gian tới, tôi nghĩ sẽ hết sức khó khăn", ông Vui nêu ý kiến.
Ông Phong khẳng định, phương án rõ ràng, quan điểm và định hướng khu vực này chắc chắn là được bảo vệ theo vùng đệm thoát lũ và sẽ là khu công viên công cộng, cây xanh công cộng cấp đô thị (hành lang thoát lũ và công viên kết hợp).
Ông Phong cho rằng, đây là một trong những tồn tại lịch sử để lại đối với vấn đề quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng cũng như một số vấn đề khác.
Ông Phong cũng khẳng định, dự án này chắc chắn phải là đầu tư công để thành phố có được một công viên. "Đây là một trong những khu vực còn lại có giá trị sát bờ sông, đây là cơ hội và tiềm năng để thành phố có được công viên công cộng tại vị trí này", ông Phong nói.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - thông tin, khu vực tổ 89 phường Hòa Xuân có 81 hộ dân ở thực sự nhưng rà soát ra thì có 362 hồ sơ đất. Khái toán làm công viên thì kinh phí rất lớn, giải tỏa đền bù phải mất 375 tỷ đồng, bồi thường khoảng 322 lô đất tái định cư.
Ông Triết chỉ đạo thành phố khẩn trương có quyết định cụ thể về phương án công viên chuyên đề tại tổ 89 phường Hòa Xuân.
Trước mắt, những quyền lợi, lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân trong vùng quy hoạch chưa triển khai dự án thì đề nghị UBND quận Cẩm Lệ hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, cần thiết họp dân để thông báo chính thức những quyền lợi được hưởng.
Ông Triết cũng chỉ đạo UBND thành phố, UBND quận Cẩm Lệ, Sở Xây dựng cùng các ngành liên quan hết sức lưu ý giải quyết vấn đề tại tổ 89 phường Hòa Xuân vì đây là kiến nghị, bức xúc kéo dài lâu năm của người dân.