Trong bối cảnh nắng nóng gay gắt, tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp trong mùa khô năm 2024 đang diễn ra, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó để đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục cho người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đảm bảo cung ứng nước sạch liên tục, an toàn
Theo Bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết hạn dài ba tháng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh (từ tháng Tư đến tháng Sáu năm nay) của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, xu thế chung về trạng thái El Nino khả năng sẽ chuyển sang pha trung tính từ tháng Tư đến tháng Sáu, sau đó chuyển sang LaNina trong khoảng từ tháng Sáu đến tháng Tám và có xu hướng tăng nhanh; lượng mưa từ tháng Tư đến tháng Năm năm nay thấp hơn lượng mưa trung bình nhiều năm, tháng Sáu năm nay xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm trong những tháng Tư, tháng Năm và tháng Sáu năm 2024.
Mặt khác, kết quả số liệu mặn đo đạc thực tế trên địa bàn thành phố của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh) trong tháng 3/2024, tại trạm mũi Nhà Bè độ mặn max có giá trị 12,8‰ lớn hơn độ mặn max trong tháng 3/2023 và quý 1 năm 2023 có giá trị 9,2‰; đồng thời dự báo trong thời gian tới độ mặn tại các vị trí khảo sát trên kênh, rạch chính có xu hướng tăng dần.
Trước tình hình trên, ngành cấp nước Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị nhiều phương án ngắn hạn và dài hạn để đảm bảo cấp nước ổn định và liên tục.
Ngay từ trước mùa khô 2024, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã xây dựng sẵn các kịch bản khi nguồn nước bị xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn (nguồn cung cấp nước cho khu vực phía Tây, Tây Bắc thành phố), sông Đồng Nai (nguồn cung cấp nước cho khu vực phía Đông, Đông Bắc và phía Nam thành phố) với các mức độ nhiễm mặn khác nhau.
Đại diện Sawaco cho biết Tổng Công ty yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo cấp nước được ổn định, liên tục, đáp ứng nhu cầu dùng nước của người dân thành phố.
Các đơn vị không để xảy ra sự cố lớn, gây yếu, thiếu nước trên diện rộng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng nước.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần ứng phó và xử lý kịp thời các sự cố xảy ra trên hệ thống cấp nước thành phố. Đồng thời, tập trung giải quyết, không để thiếu nước nghiêm trọng tại các khu vực đã có mạng lưới cấp nước nhưng áp lực nước yếu, ưu tiên biện pháp dự phòng cho các cơ sở và địa bàn trọng yếu.
Các đơn vị tiếp tục triển khai kế hoạch cấp nước an toàn; trong đó, chuẩn bị giải pháp sẵn sàng ứng phó với các sự cố trên mạng lưới, đặc biệt là sự cố trên các tuyến ống chuyển tải chính, chuẩn bị nguồn dự phòng từ các nguồn nước khác, kiểm soát chất lượng nước trên mạng.
Để đảm bảo kế hoạch trên, Sawaco yêu cầu tất cả nhà máy nước như cụm Nhà máy nước Thủ Đức, cụm Nhà máy Nước Tân Hiệp, Nhà máy Nước Ngầm Tân Phú…, các trạm cấp nước luôn sẵn sàng vận hành với công suất tối đa theo yêu cầu.
Bên cạnh đó, phối hợp với ngành điện lực nhằm đảm bảo nguồn điện cấp cho các nhà máy nước vận hành liên tục; đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng để đảm bảo chất lượng nước nguồn tại trạm bơm nước thô và nhà máy xử lý nước.
Hiện nay, tổng công suất thiết kế các nhà máy nước thuộc Sawaco là 2,4 triệu m3/ngày đêm; tổng số đấu nối khách hàng đạt 1,6 triệu, cung cấp nước sạch cho 100% hộ dân sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố.
Để đảm bảo cho hoạt động xử lý nước luôn ổn định, ngành cấp nước thành phố đang áp dụng các giải pháp ứng phó ngắn hạn như: thiết lập các thiết bị giám sát chất lượng nguồn nước online, các ngưỡng cảnh báo đối với các chỉ tiêu chất lượng nước cơ bản để từ đó có các giải pháp ứng phó kịp thời với những biến động này.
Đối với mạng lưới cấp nước, Sawaco lên các kịch bản vận hành hệ thống mạng để điều phối nguồn nước khi có sự cố xảy ra, đảm bảo khả năng cấp nước cho Thành phố Hồ Chí Minh ở mức nhiều nhất có thể.
Sawaco đã có phương án cấp nước khẩn cấp thông qua việc vận hành trở lại 46 trạm cấp nước sử dụng nước ngầm trên toàn thành phố. Từ đó, đảm bảo cấp nước cho nhu cầu tối thiểu của người dân với khoảng 5 lít nước/người/ngày.
Ngoài ra, Sawaco cũng có các phương án điều phối công suất cấp nước của các nhà máy nước phù hợp.
Bên cạnh đó, các hoạt động phối hợp với đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An để vận hành xả nước đẩy mặn và sẵn sàng vận hành các trạm cấp nước dự phòng, các giải pháp cấp nước tạm thời, như cấp nước bằng xe bồn cũng được triển khai.
Kêu gọi người dân tiết kiệm nước, đầu tư các công trình trọng điểm
Cùng với các giải pháp kỹ thuật, đẩy nhanh thi công các công trình cấp nước trọng điểm, ngành nước thành phố vẫn tiếp tục tuyên truyền, kêu gọi người dân sử dụng nước tiết kiệm với thông điệp “tiết kiệm nước sạch chính là bảo vệ cuộc sống của chính mình”.
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận huyện tổ chức thực hiện nghiêm túc phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2024 trên địa bàn thành phố.
Các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến về thiên tai, thời tiết cực đoan, nhất là nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn; kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với tình hình thực tế; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt.
Đồng thời, các địa phương, đơn vị xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Ủy ban Nhân dân thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ động, kịp thời tổ chức theo dõi, dự báo chuyên ngành về nguồn nước, xâm nhập mặn, cung cấp thông tin cho thành phố Thủ Đức, các quận huyện và người dân vùng ảnh hưởng; hướng dẫn, đôn đốc thành phố Thủ Đức và các quận-huyện triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả, giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn; phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi vận hành hiệu quả các hệ thống công trình thủy lợi để điều phối nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất và đẩy mặn khi có tình huống bất lợi xảy ra; đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước cho các đối tượng sử dụng theo khả năng nguồn nước, vận hành tối ưu, khai thác hiệu quả công trình thủy lợi, chống thất thoát, lãng phí nguồn nước.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sawaco triển khai các giải pháp ứng phó nguy cơ thiếu nước sinh hoạt; chủ động phối hợp với các địa phương và cơ quan có liên quan triển khai phương án để từng bước chủ động cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiếu nước, xâm nhập mặn hàng năm.
Liên quan đến các giải pháp cấp nước sạch an toàn, ứng phó về lâu dài, Sawaco cho biết đang tích cực triển khai “Đề án phát triển hệ thống cấp nước thành phố giai đoạn 2020-2050” và chương trình cung cấp nước sạch, chấm dứt khai thác nguồn ngầm Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030.”
Trong số đó, có các giải pháp căn cơ như xây dựng các hồ chứa nước thô đầu nguồn, các hồ chứa này vừa là nơi tiền xử lý nước giảm thiểu các chất ô nhiễm trong nguồn nước thông qua quá trình làm sạch tự nhiên, vừa đảm bảo trữ nước khi có sự cố về nguồn nước thô trên sông Sài Gòn.
Bên cạnh đó, ngành cấp nước thành phố dự kiến sẽ xây dựng các bể chứa ngầm trong thành phố là nơi đảm bảo ổn định áp lực cho toàn hệ thống, cũng là nơi dự trữ nguồn nước sạch để đảm bảo an toàn cấp nước trong trường hợp xảy ra sự cố tại các nhà máy xử lý nước.
Để triển khai hiệu quả các công trình trọng điểm, Sawaco đã tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng 336/336 gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, trừ gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ, đạt 100% số lượng gói thầu và 100% tổng giá trị gói thầu theo lộ trình đấu thầu qua mạng năm 2023.
Các trình tự và thủ tục đều được thực hiện theo đúng quy trình, quy định, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, đảm bảo chặt chẽ, minh bạch.
Điều này đã nâng cao hiệu quả cạnh tranh giữa các nhà thầu và mang lại nhiều kết quả đáng kể như lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện gói thầu đảm bảo chất lượng và tiến độ./.