Thanh niên 20 tuổi mở van bình nén khí oxy bị bỏng lạnh nặng

HƯƠNG SƠN| 24/11/2023 12:14

TPHCM - Bệnh nhân làm thêm ở cửa hàng hàn xì, trong lúc mở van bình nén khí oxy, không may đường dây dẫn hở khiến bàn tay bỏng lạnh nặng.

Thanh niên 20 tuổi mở van bình nén khí oxy bị bỏng lạnh nặng
Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích bôi thuốc chứa kháng sinh, kháng viêm sau khi chọc hút bóng nước cho người bệnh. Ảnh: BSCC

Bệnh nhân V.P.M (20 tuổi, sinh viên, quê Tiền Giang) làm thêm ở tiệm hàn xì của người thân. Buổi tối 3 ngày trước khi nhập Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, trong lúc M vặn van bình nén khí oxy (oxy hóa lỏng) để cắt, hàn cửa nhôm kính, bất ngờ khí trong bình xì qua chỗ thủng trên dây dẫn, xịt thẳng vào bàn tay trái. Chỉ trong vài giây, M khóa van lại nhưng bàn tay trái đã lạnh buốt, tê cứng sau đó đau rát dữ dội.

“Tôi tự sơ cứu bằng cách để tay dưới vòi nước chảy, đắp nha đam để giảm nóng rát. Ngay sau đó, tới phòng khám gần nhà, được bác sĩ kê thuốc uống giảm đau và kháng viêm. Sau 3 ngày, da lòng bàn tay trái phồng rộp, nổi bóng nước lớn, mu bàn tay sưng đỏ, đau nhiều, kèm sốt nên đến bệnh viện điều trị”, bệnh nhân M. chia sẻ.

Tại bệnh viện, TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, cho biết, bệnh nhân M. bị bỏng lạnh độ 2, tổn thương da và mô bàn tay trái, diện tích khoảng 5cm.

May mắn các mạch máu, gân cơ và dây thần kinh ở bàn tay chưa ảnh hưởng. Người bệnh được chọc hút bóng nước, vệ sinh vết thương, bôi thuốc chứa kháng viêm, kháng sinh. Sau 5 ngày, vết bỏng của M. đã ổn định, hết đau rát. Dự kiến sau khoảng 1 tuần nữa vết thương sẽ lành, mọc da non.

Theo bác sĩ Bích, bỏng lạnh ít gặp hơn so với các loại bỏng khác như bỏng nhiệt, bỏng lửa, bỏng điện, bỏng hóa chất.

Bỏng lạnh (hay phỏng lạnh) là tình trạng mô sống ở người bị đông cứng và tổn thương do tiếp xúc với nhiệt độ quá thấp (dưới 0 độ C).

Các nguyên nhân phổ biến gây bỏng lạnh là tiếp xúc trực tiếp với các loại khí, vòi xịt khí hóa lỏng, như nitơ lỏng, oxy lỏng, CO2 lỏng mà không dùng bảo hộ.

Các loại khí này được đưa về dạng lỏng (dạng nước), với nhiệt độ âm mạnh (dưới -70 độ C). Ngoài ra, bỏng lạnh có thể gặp khi tiếp xúc với thời tiết lạnh, làm việc trong kho đông lạnh thời gian dài nhưng không mặc đồ bảo hộ; tiếp xúc trực tiếp với nước đá, kim loại lạnh, khói giả bằng khí nitơ lạnh trên các sân khấu…

Việt Nam là vùng khí hậu nhiệt đới, bỏng lạnh do thời tiết ít gặp hơn, phần lớn do tai nạn trong sinh hoạt, làm việc như anh M.

Dấu hiệu bỏng lạnh dễ nhận thấy nhất là cảm giác lạnh buốt, tê tái, bỏng rát, nhói đau như kim châm. Sau đó bề mặt da bắt đầu tái đi và chuyển sang màu trắng, đỏ. Khi vùng da bị bỏng được làm ấm lại, có thể sẽ xuất hiện các bóng nước phồng rộp, sưng phù, da chuyển màu đen, tím, mất cảm giác ở chỗ vết thương.

Không nên dùng nước quá nóng hoặc đèn sưởi, lửa với nhiệt độ cao để sưởi ấm cho người bị nạn vì có thể gây phản tác dụng, phồng rộp da.

Khi da xuất hiện bóng nước, tuyệt đối không được tự bóp, nặn khiến bóng nước vỡ ra. Nhất là không được tự điều trị bằng cách bôi kem đánh răng, nha đam, lòng trắng trứng, hoặc các loại lá cây theo kinh nghiệm dân gian. Quan niệm sai lầm này có thể gây ra nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, khiến vết thương nặng thêm.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thanh niên 20 tuổi mở van bình nén khí oxy bị bỏng lạnh nặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO