Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết, chuyển đổi số báo chí là dùng công nghệ để giải bài toán vướng mắc của cơ quan báo chí, để có trải nghiệm khách hàng tốt, để tăng số lượng người xem, nghe, từ đó tăng doanh thu quảng cáo, phục vụ có hiệu quả công tác tuyên truyền.
Việc ra đời Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí sẽ góp phần hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện có hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số đã được nêu trong Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Trung tâm là đầu mối hỗ trợ cung cấp thông tin và vận hành Cổng thông tin điện tử https://pdt.gov.vn/ được tích hợp công cụ phần mềm đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí nhằm phục vụ công tác đánh giá, xác định mức độ trưởng thành chuyển đổi số của các cơ quan báo chí Việt Nam.
Đồng thời, kết nối, tập hợp các chuyên gia, các nhà nghiên cứu uy tín, lãnh đạo của các cơ quan báo chí có vai trò dẫn dắt để cùng giải quyết những vấn đề mà công cuộc chuyển đổi số báo chí đặt ra; hỗ trợ thiết thực với các hoạt động như đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng; huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để đồng hành với mục tiêu của chương trình hỗ trợ báo chí chuyển đổi số.
Cục trưởng Cục Báo chí cũng cho biết, ngày 02/6/2023, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 951/QĐ-BTTTT về ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí. Theo đó, Bộ chỉ số giúp các cơ quan báo chí xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi số, từ đó có lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp, giúp cơ quan báo chí đổi mới hiệu quả, thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến 2030. Bộ Chỉ số cũng là căn cứ để đánh giá cơ quan báo chí đang chuyển đổi số như thế nào, vướng mắc gì, cần hỗ trợ gì.
Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng, với cơ quan báo chí, Bộ chỉ số giúp nâng cao nhận thức cho lãnh đạo báo chí về những việc cụ thể cần phải làm để thực hiện chuyển đổi số, bao gồm các tiêu chí, các hành động cụ thể. Với cơ quan quản lý, dữ liệu thu thập từ các cơ quan báo chí sẽ cho thấy bức tranh tổng thể về chuyển đổi số của ngành báo chí, để từ đó có các hành động thúc đẩy, hỗ trợ kịp thời.
Cơ hội của cơ quan báo chí – truyền thông trong quá trình chuyển đổi số
Hiện nay, các cơ quan báo chí Việt Nam có những lợi thế nhất định trong công cuộc chuyển đổi số. Cụ thể:
Thứ nhất, nền tảng công nghệ số hiện nay đã và đang xóa nhòa ranh giới giữa báo chí với công nghệ. Công nghệ thực sự đã lôi kéo người tiêu dùng bằng những sản phẩm đa dạng, ở mọi lúc, mọi nơi, dễ dàng và thuận tiện. Chính vì vậy, để phát triển, các cơ quan báo chí không có cách nào khác là phải tiếp tục đặt công nghệ ở trung tâm của mọi chiến lược, sử dụng công nghệ để tạo ra những nội dung hấp dẫn và chinh phục được các nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn, tăng tính hấp dẫn và có thể tự sống được nhờ vào sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ.
Ở khía cạnh này, thì công nghệ số phát triển đã và đang tạo ra những cơ hội mới cho các cơ quan báo chí chuyển mình, thích ứng để giành giật được đối tượng người dùng là bạn đọc, các nhà quảng cáo, phát triển kinh tế báo chí,… chuyển đổi số hiện nay đang là xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí để có thể tiếp tục tồn tại, phát triển, thu hút độc giả. Bộ TT&TT đã đặt mục tiêu trong năm 2021, tỷ lệ chuyển đổi số cơ quan báo chí – truyền thông đạt 75% theo mô hình hội tụ, đa phương tiện và đến năm 2025 đạt 90%2.
Thứ hai, với nền tảng phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội sẽ giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó, nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin, bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần. Mỗi cơ quan báo chí sẽ được thông tin và truyền thông cung cấp một tài khoản để khai thác nền tảng phân tích thông tin này.
Thứ ba, nền tảng hỗ trợ phòng, chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí, nền tảng này nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí. Nền tảng này sẽ hỗ trợ các cơ quan báo chí giám sát từ xa, cảnh báo sớm các nguy cơ mất an toàn thông tin cho các hệ thống. Khi các cơ quan báo chí gặp sự cố nghiêm trọng, thông qua hệ thống điều phối và ứng cứu khẩn cấp, Bộ TT&TT sẽ triển khai các biện pháp công nghệ, bố trí nguồn lực cho mạng lưới hỗ trợ cơ quan báo chí để giải quyết, khắc phục sự cố kịp thời.
Những nền tảng cơ bản có tính quyết định đến sự thành công của công cuộc chuyển đổi số đối với báo chí – truyền thông đã được xây dựng và xác lập. Điều còn lại là mỗi cơ quan báo chí, căn cứ vào điều kiện thực tế ở đơn vị để tiến hành triển khai chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển, khẳng định vị trí, thương hiệu, uy tín cũng như nguồn thu nhập và tạo lập các giá trị mới của riêng mình.
Chuyển đổi số rõ ràng là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt, nếu không muốn bị tụt hậu và mất đi độc giả, khán thính giả và hậu quả đương nhiên là sự sống còn của chính cơ quan báo chí.