Mẹ tôi từng lo lắng: “Mẹ sợ bàn tay thô ráp của mẹ sẽ làm cháu ngoại đau”. Đó là ngày mẹ sửa soạn đồ dùng khi tôi sắp sinh con đầu lòng. Tôi nhìn sang bàn tay mẹ với những đốm đồi mồi loang lổ, đường gân xanh trồi lên dưới làn da mỏng, chi chít những vết sẹo lớn nhỏ bởi công việc nhà nông lam lũ. Bàn tay mẹ tựa như cuốn nhật ký ghi lại từng trang cuộc đời.
Ngày trẻ, mẹ theo chân ngoại ra ruộng mót dưa, sau đó là đi cắt lúa thuê, chất rơm, bán cá khô, dưa mắm. Mẹ làm cả những việc người ta thuê theo mùa vụ như thu tơ từ nhộng tằm, hái cà phê, phân loại phế liệu... Ngay cả việc nặng nề như chuyển gạch, than củi mẹ cũng chưa từng nề hà. Mỗi nghề mang đến cho đôi tay mẹ thêm nhiều vết cắt ngang dọc và chai sần.
 |
Mỗi lần nắm bàn tay mẹ, tác giả như được tiếp thêm sức mạnh - Ảnh do tác giả cung cấp |
Khi gia đình tôi mới vào Tây Nguyên lập nghiệp, đất rẫy cà phê khô cằn dưới cái nắng gay gắt. Đôi tay mẹ tỉ mẩn cuốc từng lớp đất sỏi để ươm những cây giống đầu tiên. Có những khoảng đất chứa đầy đá tảng, lưỡi cuốc chạm vào vang lên tiếng chát chúa rồi cong oằn. Vậy là mẹ dùng tay cào hết lớp đất xung quanh để lấy được tảng đá lên. Lần nào gặp đá ong, loại đá loang lổ lởm chởm nhiều cạnh, bàn tay mẹ lại rướm máu.
Những cây cà phê trong rẫy lớn dần theo dáng lưng cong và từng nhịp thở của mẹ. Khi thì mẹ tước bỏ chồi thừa, lúc mẹ bẻ những cành khô. Những ngày hè nắng nóng, kiến lửa sinh sôi khắp cây, mẹ phải hái cà phê chín sớm. Bàn tay mẹ sưng tấy, đỏ mọng vì kiến đốt. Đến mùa mưa, đường vào rẫy ngập trong những hố gà, hố voi, mẹ miệt mài nâng chiếc xe đạp lên bờ cỏ và len lỏi qua những hàng rào, bụi gai để vào rẫy. Bàn tay mẹ đầy vết gai đâm, cỏ xước.
Lúc ba quyết định chuyển sang chở vật liệu thuê, bao chuyến gạch về thì bấy nhiêu chuyến mẹ ra bốc gạch phụ. Mỗi chuyến xe như vậy ba chở tầm 3.000 viên gạch. Mẹ và ba liền tay, người thảy, người chụp để xếp gạch thành từng khối cao. Những ngón tay của mẹ lại bị cắt xước vì gạch.
Những năm sau này, bàn tay mẹ lại tất bật chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho tôi đi sinh. Theo quy định của bệnh viện, chỉ sản phụ mới được vào. Vậy nhưng suốt 1 đêm, 1 ngày, đôi bàn tay mẹ vẫn in ngoài cửa sổ. Mẹ bảo mẹ không ngủ được, lại sợ tôi lẻ loi nên luôn đặt bàn tay ở đó như dấu hiệu mẹ luôn kề bên tôi. Sau khi ra khỏi phòng hồi sức, hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy là đôi tay mẹ đang nâng niu đứa con trai bé bỏng của mình.
Con trai tôi tròn 6 tháng cũng là lúc bác sĩ nghi ngờ con bị viêm màng não. Mẹ lại không ngại khó khăn, đi làm thêm ở quán phở đêm, rửa từng chồng tô chén để có tiền lo thuốc men cho cháu. Những vết nứt trên bàn tay mẹ ngày càng nhiều hơn. Khoảnh khắc nhìn mẹ ân cần đút từng muỗng cháo cho con mình, tôi ngắm thật lâu đôi tay mẹ.
Mỗi vết sẹo, mỗi vết chai trên tay mẹ là một dấu ấn của tình thương vô bờ bến mẹ dành cho gia đình. Và tôi biết rằng dù thời gian có trôi qua, bàn tay mẹ vẫn luôn nâng đỡ tôi trước sóng gió cuộc đời.
Ngọc Nữ