Thái Bình thu hẹp gần 90% khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải: Bất chấp luật và Công ước quốc tế?

23/08/2023 11:56

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) từng có văn bản yêu cầu Thái Bình làm rõ tác động của dự án (DA) sân golf Cồn Vành đến khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Trong khi đó, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) cho rằng, quyết định thu hẹp khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải cần tuân thủ luật pháp Việt Nam và các công ước quốc tế.

Đang rà soát

Trước đó, ngày 24/3/2023, UBND tỉnh Thái Bình có công văn gửi Bộ TN&MT xin ý kiến tham gia về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương Dự án đầu tư xây dựng sân golf Cồn Vành, huyện Tiền Hải. Đây là hợp phần trong dự án Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình nằm trong quy hoạch khu Kinh tế Thái Bình, trên diện tích chuyển đổi từ khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Thái Bình thu hẹp gần 90% khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải: Bất chấp luật và Công ước quốc tế? ảnh 1
Mô hình phục hồi rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải Ảnh: TL

Công văn này được UBND tỉnh Thái Bình gửi trước khi có quyết định 731 thu hẹp quy mô khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải từ 12.500ha xuống còn 1.320ha.

Trong văn bản phúc đáp ngày 26/5/2023, Bộ TN&MT nêu Cồn Vành là một phần của khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (12.500ha), khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng và giáp khu ramsar Xuân Thủy. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài quý hiếm và là nơi di trú của nhiều loài chim nước di cư nguy cấp. Vì vậy, dự án cần tuân thủ các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học và làm rõ các tác động của dự án đến môi trường và đa dạng sinh học.

Bộ TN&MT cũng đề nghị làm rõ vị trí dự án nằm trong phân vùng môi trường nào, vị trí dự án so với khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng và khoảng cách của dự án tới các khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường, đặc biệt là khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Tuy nhiên, trước khi nhận được ý kiến phản hồi của Bộ TN&MT, ngày 17/4/2023, UBND tỉnh Thái Bình có QĐ 731 gần như “xóa sổ” khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải khi thu hẹp gần 90% diện tích từ 12.500ha xuống còn 1.320ha, đáng lưu ý trong đó có hơn 370ha rừng đặc dụng. Bản thân dự án Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cũng nằm trong phần diện tích 12.500 ha của khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải được xác lập theo QĐ 2159 của UBND tỉnh Thái Bình năm 2014.

Liên quan đến vấn đề Thái Bình thu hẹp gần 90% diện tích khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đang rà soát nội dung này và sẽ cung cấp thông tin.

Cần tham vấn các bên liên quan

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện WWF Việt Nam (một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất về môi trường) nhấn mạnh vai trò của khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Đây không chỉ là vùng lõi của khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng mà còn là một trong 63 vùng chim quan trọng có ý nghĩa toàn cầu, đã được quốc tế công nhận.

Với tầm quan trọng như vậy, WWF cho rằng, sự thay đổi diện tích theo hướng thu hẹp khu Bảo tồn cần tuân thủ các quy định luật pháp Việt Nam về bảo vệ và phát triển rừng (Luật Lâm nghiệp, 2017), về bảo tồn đa dạng sinh học (Luật Đa dạng Sinh học, 2018-Văn bản hợp nhất), bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước (Nghị định 66/2019/NĐ-CP) cũng như các công ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và đang tích cực tham gia.

“Đặc biệt cần cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường, không đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển kinh tế. Do đó, việc điều chuyển quy hoạch các khu bảo tồn theo hướng thu hẹp cần hết sức cẩn trọng, và phải dựa trên đánh giá tác động môi trường cũng như tuân thủ chặt chẽ quy trình tham vấn tất cả các bên liên quan”, đại diện WWF lên tiếng.

Đại diện WWF cho biết thêm, trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan do Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt hơn. Trong khi đó, các hệ sinh thái tự nhiên ven biển, đặc biệt là các dải rừng ngập mặn là những lá chắn tốt nhất để bảo vệ sinh mạng, tài sản cũng như sinh kế của người dân ven biển. Đồng thời các hệ sinh thái ven biển cũng là nơi cung cấp dinh dưỡng, nơi sinh cư, bãi sinh sản của nhiều loài động vật thủy sinh, đây cũng là nguồn sinh kế quan trọng của người dân ven biển.

“Vì vậy, WWF - Việt Nam rất mong chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp sẽ cùng chung tay góp sức để bảo tồn thiên nhiên vì sự phát triển bền vững”, đại diện WWF chia sẻ.

Trồng rừng ngập mặn rất khó khăn và tốn kém

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, mỗi năm Việt Nam chỉ trồng mới được khoảng 3.000ha rừng ngập mặn trên toàn quốc, chủ yếu tập trung tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Việc trồng rừng ngập mặn rất tốn kém, gấp nhiều lần việc trồng rừng trên núi. Rừng ngập mặn thường trồng ở những vùng lập địa khó nên cần thêm chi phí gây bồi, tạo bãi, làm kè. Vì vậy để trồng một ha rừng ngập mặn có thể tốn kém khoảng 400-500 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia có những nơi mất 500-600 triệu cũng chưa chắc đã trồng được rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn chỉ trồng được ở những khu vực có bãi bồi rộng, nhiều phù sa. Tại miền Bắc, chỉ một số vùng ven biển có thể trồng được rừng ngập mặn, trong đó có khu vực Tiền Hải của tỉnh Thái Bình. Tại khu vực Thanh Hóa đến các tỉnh miền Trung, việc trồng rừng ngập mặn rất khó khăn do bãi bồi ngắn, lập địa không có, đất cát nhiều.

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/thai-binh-thu-hep-gan-90-khu-bao-ton-thien-nhien-tien-hai-bat-chap-luat-va-cong-uoc-quoc-te-post1562603.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/thai-binh-thu-hep-gan-90-khu-bao-ton-thien-nhien-tien-hai-bat-chap-luat-va-cong-uoc-quoc-te-post1562603.tpo
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thái Bình thu hẹp gần 90% khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải: Bất chấp luật và Công ước quốc tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO