Thái Bình lên tiếng việc không báo cáo vụ 'xén' khu bảo tồn làm đô thị

Đức Văn| 30/08/2023 14:00

Đại diện Sở NN&PTNT Thái Bình cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch khu rừng đặc dụng được thực hiện theo trình tự của Luật Lâm nghiệp mà không chịu ràng buộc bởi Luật Đa dạng sinh học.

Thay đổi diện tích khu bảo tồn thuộc thẩm quyền của Thái Bình?

Liên quan sự việc tỉnh Thái Bình thu hẹp 11.000ha Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải (khu bảo tồn Tiền Hải) để làm khu đô thị, nghỉ dưỡng, sân golf, khiến dư luận có nhiều ý kiến khác nhau, phóng viên Dân trí đã có buổi làm việc với ông Đinh Hải Lục, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Bình, xung quanh nội dung này.

Ông Đinh Hải Lục là người cung cấp thông tin vụ việc cho phóng viên theo giới thiệu của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thái Bình).

Ông Lục khẳng định: "Hiện nay tỉnh Thái Bình, chỉ có một khu bảo tồn duy nhất là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy. Khu bảo tồn này được thành lập trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và tuân thủ đầy đủ các quy trình, thủ tục theo Luật Đa dạng sinh học. Còn khu bảo tồn Tiền Hải chỉ là tên gọi của khu rừng đặc dụng, được xác lập theo Quyết định 2159 năm 2014 cũng của Thái Bình.

Thái Bình lên tiếng việc không báo cáo vụ xén khu bảo tồn làm đô thị - 1

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là tên gọi của khu rừng đặc dụng (Ảnh: Đức Văn).

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là tên gọi của khu rừng đặc dụng, được tỉnh Thái Bình thành lập theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng nên không chịu ràng buộc bởi Luật Đa dạng sinh học. Vì vậy, việc điều chỉnh quy hoạch diện tích nằm trong thẩm quyền của tỉnh Thái Bình và không cần xin ý kiến Bộ TN&MT.

Ông Lục cũng khẳng định, việc tỉnh Thái Bình ra Quyết định số 731 chỉ là quyết định bổ sung của Quyết định 2159, chứ không phải thay thế Quyết định 2159. Trước khi ra Quyết định 731, tỉnh Thái Bình cũng đã xin ý kiến của Bộ NN&PTNT để ra Quyết định 600/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch bảo về và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012-2020. Từ Quyết định 600 mới cụ thể hóa ra Quyết định 731.

Thái Bình lên tiếng việc không báo cáo vụ xén khu bảo tồn làm đô thị - 2

Quyết định 2159 của tỉnh Thái Bình có nội dung tên khu rừng đặc dụng: Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Ảnh: Đức Văn).

Trong khi đó, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết: "Khu bảo tồn Tiền Hải là di sản thiên nhiên theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường. Do vậy, chế độ quản lý, điều chỉnh diện tích, ranh giới của khu bảo tồn không chỉ tuân thủ theo pháp luật về lâm nghiệp mà còn phải tuân thủ theo pháp luật về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường. Theo đó, đối với điều chỉnh diện tích, ranh giới khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước cấp tỉnh phải xin ý kiến của Bộ TN&MT".

Kế thừa dẫn đến nhiều sai lệch (?)

Lý giải việc khu rừng đặc dụng này được lấy tên là Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, ông Lục cho hay tên gọi này là do kế thừa từ Quyết định số 660/KH tháng 10/1995 của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp phê chuẩn Dự án khả thi Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Thái Bình lên tiếng việc không báo cáo vụ xén khu bảo tồn làm đô thị - 3

Quyết định số 660/KH tháng 10/1995 của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp phê chuẩn Dự án khả thi Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Ảnh: Đức Văn).

Quyết định 660/KH phê chuẩn dự án khả thi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải với tên công trình là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Mục tiêu của dự án này là bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình vùng cửa sông Hồng của Việt Nam, là vùng Việt Nam đăng ký vào danh sách các vùng bảo vệ theo Công ước Ramsar bảo vệ cảnh quan, bảo vệ di trú của các loài chim nước, đặc biệt là các loài chim nước di cư quý hiếm.

Bảo vệ hiện trường cho việc nghiên cứu môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên" với số tiền đầu tư 9,157 tỷ đồng. Tuy nhiên khi trình lên Trung ương thì không được phê duyệt cấp vốn vì nằm trong mục C.

Do mang tính chất kế thừa, nên tên gọi cũng như toàn bộ số liệu trong Quyết định 2159, tỉnh Thái Bình đều lấy lại từ Quyết định 660 của Bộ Lâm nghiệp: Diện tích 12.500ha. Vị trí theo tọa độ với đỉnh phía Tây Nam nằm trong địa giới hành chính xã Tây Phong, đỉnh phía Đông Nam nằm trong khu vực biển gần địa giới hành chính xã Nam Thịnh - cách đê biển khoảng 4.839m, đỉnh phía Tây Bắc nằm trong địa giới hành chính thị trấn Tiền Hải, đỉnh phía Đông Bắc nằm trong khu vực biển gần địa giới hành chính xã Đông Minh - cách đê biển khoảng 3.011m.

Ông Lục cho hay: "Vị trí theo tọa độ này về sau được nhận thấy là không chính xác, đồng nhất và bị lệch với vị trí được cụ thể hóa về ranh giới trong quyết định. Vì vậy mà tại mục 2, Điều 3 Quyết định 2159 yêu cầu: Sau khi đề án được xác lập và kiện toàn lại tổ chức bộ máy, tiến hành lập quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn Tiền Hải đến năm 2020 theo điều 9 Nghị định 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là cơ sở xác định về quy mô và diện tích khu bảo tồn Tiền Hải".

Thái Bình lên tiếng việc không báo cáo vụ xén khu bảo tồn làm đô thị - 4

Theo ông Đinh Hải Lục, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm việc khu rừng đặc dụng này được lấy tên là Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, là do kế thừa từ Quyết định số 660/KH (Ảnh: Đức Văn).

Mặc dù dự án Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải không được phê duyệt, nhưng huyện Tiền Hải đã trình UBND tỉnh để trình ban quản lý dự án với nhân sự kiêm nhiệm để xin kinh phí thực hiện dự án này

Năm 2001, dựa trên đề nghị của UBND huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải để phục vụ dự án này. Tuy nhiên, khi khu bảo tồn này chưa được thành lập thì đã có ban quản lý, có con dấu riêng.

Theo ông Lục: "Thời điểm đấy đáng nhẽ ra UBND huyện Tiền Hải phải đề nghị thành lập "ban quản lý dự án" mới đúng nhưng họ lại ghi là "ban quản lý khu bảo tồn". Khi có con dấu thì ban này đã hoạt động được và xin được kinh phí của Bộ NN&PTNT. Khi đó, thấy có văn bản gửi lên, Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT cứ nghĩ là khu bảo tồn này đã được thành lập".

Thái Bình lên tiếng việc không báo cáo vụ xén khu bảo tồn làm đô thị - 5

Đến năm 2014, UBND tỉnh Thái Bình đã yêu cầu Ban Quản lý Khu bảo tồn Tiền Hải bàn giao về cho tỉnh để kiện toàn ban mới (Ảnh: Đức Văn).

Ngoài ra, khi các thành viên trong ban này nghỉ hưu, không ai xin tỉnh phê duyệt cho dự án nên UBND huyện Tiền Hải tiếp tục ra Quyết định số 2912 về việc thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải với 6 thành viên. Ban này lại tiếp tục sử dụng con dấu của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải trước đây, được mở tài khoản riêng để giao dịch.

"Việc UBND huyện Tiền Hải thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải mới và sử dụng con dấu cũ của ban trước đây lại càng thêm sai", ông Lục thông tin.

Năm 2011, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Bình đã báo cáo UBND tỉnh Thái Bình việc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải hoạt động không đúng quy định. UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phải làm đề án xác lập khu vực rừng đặc dụng và đề án kiện toàn Ban quản lý trên cơ sở sử dụng ban quản lý cũ của huyện Tiền Hải.

Đến năm 2014, UBND tỉnh Thái Bình đã yêu cầu Ban Quản lý Khu bảo tồn Tiền Hải bàn giao về cho tỉnh để kiện toàn ban mới. Nhưng mãi đến năm 2017 Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải mới thực hiện bàn giao.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thái Bình lên tiếng việc không báo cáo vụ 'xén' khu bảo tồn làm đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO